Y học cổ truyền tin rằng giác hơi là một trong những liệu pháp trị liệu tốt nhất.
Phương pháp này được sử dụng nhằm gây sung huyết mạch máu tại chỗ, có tác dụng giảm đau nhức cơ, đả thông kinh mạch, giải độc và giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường trong cơ thể.
Các vết hằn nổi lên bề mặt da sau khi giác hơi gọi là dấu giác. Y học cổ truyền cho rằng trạng thái màu sắc khác nhau của dấu giác có tác dụng báo hiệu triệu chứng bệnh, hỗ trợ quá trình luận trị bệnh.
Sau đây là một số trạng thái màu sắc thường thấy của dấu giác được các bác sĩ Đông y ghi nhận:
1. Dấu giác có màu tím hoặc thâm đen
Dấu giác có màu tím thẫm hoặc thâm đen cho thấy khí huyết trong cơ thể bệnh nhân lưu thông kém. Dấu giác càng sẫm màu là dấu hiệu của tình trạng ứ huyết.
Khí huyết lưu thông kém thường kéo theo các triệu chứng như đau đầu, chuột rút… Bệnh nhân đang gặp tình trạng này nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để cân nhắc tăng cường những thực phẩm như lựu, tỏi, hành tây, rau xanh… nhằm cải thiện tuần hoàn máu cũng như sức khoẻ tim mạch.
2. Dấu giác có màu xám tro
Sau khi giác hơi, nếu phần rìa dấu giác sáng màu hơn vùng da bình thường, chạm vào không thấy ấm có thể là dấu hiệu của chứng hư hàn.
Chứng hư hàn là cách gọi chung cho những bệnh nhân có dương khí thấp, các cơ quan trong cơ thể không đủ ấm. Nguyên nhân có thể là do người bệnh có thể trạng yếu, đau ốm lâu ngày nên bị hàn tà xâm nhập. Triệu chứng thường thấy ở nhóm bệnh nhân này là tay chân lạnh, da dẻ thường không hồng hào, dễ mệt mỏi, hay hụt hơi…
Gặp tình trạng này, người bệnh sẽ được thăm khám cẩn thận để chẩn đoán chính xác xem họ thuộc thể bệnh tiết tả, phát hãn hay ngoại cảm để có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất.
3. Dấu giác có nhiều chấm đen ở phần rìa
Các chấm đen xuất hiện ở phần rìa dấu giác là biểu hiện của chứng vị hàn. Chứng vị hàn khiến người bệnh thường thấy lạnh trong vị (vị là một cơ quan rỗng, trên nối với thực quản, dưới thông với tiểu trường), hay có cảm giác trướng đầy bụng, buồn nôn nhưng lại nôn ra nước trong.
Nguyên nhân có thể đến từ thói quen ăn uống không điều độ, ăn nhiều thức ăn sống, lạnh khiến vị dương bất túc, hàn tà quá thịnh. Có nhiều bài thuốc Đông y hiệu quả có tác dụng cải thiện tình trạng này, song người bệnh cần chú trọng tham khảo ý kiến của bác sĩ để sử dụng đúng đơn thuốc cho từng thể bệnh.
4. Dấu giác đỏ tươi
Dấu giác đỏ tươi thường gặp ở người có chứng âm hư hỏa vượng. Các sắc thái khác nhau của màu đỏ có thể phản ánh tình trạng bệnh khác nhau.
Chứng âm hư được biết đến trong Y học cổ truyền là trạng thái chân âm của thận hư suy sinh nội nhiệt, gây nóng trong người. Người mắc chứng này khi ngủ hay có mồ hôi trộm, sắc mặt sạm đen, người gầy.
Để cải thiện tình trạng này, người bệnh nên lưu ý qui tắc thanh nhiệt tả hoả, và thêm vào chế độ dinh dưỡng của mình các loại thực phẩm như trà xanh, đậu xanh, sắn dây, mía… theo chỉ định của bác sĩ.
Gút lại, phương pháp giác hơi mang lại nhiều hiệu quả “thần kỳ” giúp cải thiện sức khoẻ và hỗ trợ luận trị bệnh, song đây không phải là liệu pháp lý tưởng cho tất cả mọi người. Do vậy, chúng ta nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi thực hiện giác hơi, để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận