30/04/2014 08:45 GMT+7

Bất an vì khối thi tréo ngoe ngành học

NGỌC HÀ ghi
NGỌC HÀ ghi

TT - Để tăng nguồn tuyển, một số trường ĐH, CĐ đã bổ sung những khối thi tréo ngoe ngành học (Tuổi Trẻ ngày 28-4) khiến nhiều chuyên gia bất ngờ và không giấu được sự lo ngại cho chất lượng đào tạo của những ngành học này.

* PGS.TS ĐỖ BANG(phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử VN):

Hé lộ sự thất bại

Nếu tuyển sinh dựa theo khối thi truyền thống thì thông thường sinh viên chọn ngành lịch sử hay sư phạm lịch sử sẽ phải trải qua thi tuyển khối C với ba môn văn, sử, địa. Tuy nhiên hiện nay nhiều trường tuyển sinh ngành lịch sử, sư phạm lịch sử mở rộng đối tượng tuyển sinh sang cả khối D với ba môn văn, toán, ngoại ngữ, không có môn thi lịch sử. Thực tế với khối D, thí sinh có lợi thế về ngoại ngữ có thể mở ra xu hướng nghiên cứu lịch sử tận dụng được khả năng ngoại ngữ chuyên biệt. Nhưng ngoại ngữ cũng chỉ có thể coi là môn bổ trợ chứ không thể thay thế được môn lịch sử đối với thí sinh lựa chọn ngành này.

Việc học sử để trở thành giáo viên môn lịch sử hay trở thành một nhà nghiên cứu lịch sử ngoài kiến thức còn đòi hỏi sự say mê. Một thí sinh chọn thi khối D phải dành rất nhiều thời gian cho văn, toán, ngoại ngữ, không có sẵn niềm đam mê lịch sử sẽ theo nghề sử như thế nào? Nếu chọn thí sinh không thi môn lịch sử vào học ngành này thì ít nhất cũng phải có bước test nhanh để biết sinh viên có thích, có đam mê lịch sử hay không. Như vậy việc mở rộng đối tượng tuyển sinh có thể giúp trường có thêm người thi, người học, nhưng đang hé lộ sự thất bại của mô hình giáo dục tương lai mà người chịu hậu quả trước nhất sẽ chính là sinh viên học ngành tréo ngoe năng lực, sở trường của mình.

* TS. KTS LÊ QUÂN(phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội):

Không thể “sống chết mặc bay”

Trường tuyển sinh ngành kiến trúc nhưng lại tuyển thí sinh thi đơn thuần ba môn toán, lý, hóa hay toán, lý, tiếng Anh thì đúng là khá khó hiểu. Có phải vì trường nghĩ trong chương trình phổ thông học sinh cũng đã được học môn mỹ thuật? Nhưng ai cũng hiểu với nền giáo dục phổ thông hiện nay, những môn học để phát triển năng khiếu cho người học rất hạn chế.

Khi lựa chọn khối thi A, A1, không hề có môn thi vẽ để tuyển lựa sinh viên theo học kiến trúc, nhà trường có nghĩ đến việc tìm người học có năng khiếu hay chỉ đơn giản là tuyển vào là xong, còn sinh viên học thành người, thành nghề hay không cũng mặc kệ. Sinh viên kiến trúc mà không có cảm nhận mỹ thuật thì việc đào tạo rất khó. Một nhà trường khi xây dựng và bảo vệ thương hiệu của mình không thể không nghĩ đến trách nhiệm với người học, trách nhiệm với xã hội, không thể cứ gọi người ta vào trường rồi “sống chết mặc bay”...

* GS.TS LÊ QUANG THIÊM(chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN):

Cái gì cũng có giới hạn của nó

Ngôn ngữ là một hiện tượng xã hội đặc biệt. Ngôn ngữ khác với khoa học xã hội nhân văn thông thường vì đi theo lối tư duy chính xác, vừa là công cụ tư duy, vừa là công cụ giao tiếp, đồng thời là công cụ cố định nền văn hóa thành văn... Kinh nghiệm trước đây cho thấy có những người gốc gác là “dân toán”, nhưng sau đó lại trở thành những nhà ngôn ngữ giỏi. Vậy nên ngành ngôn ngữ ngoài tuyển sinh khối C, D, lại bổ sung cả khối A có thể hiểu cũng có lý của nó.

Tuy nhiên, phải hiểu rằng đó là những trường hợp rất đặc biệt. Việc tuyển sinh ào ạt các khối có thể làm tăng người học, nhưng vấn đề là ai dạy để những thí sinh xuất thân khối A trở thành nhà ngôn ngữ? Mở rộng cửa cho người học có thể là xu thế của đào tạo, nhưng cái gì cũng có giới hạn của nó. Không thể nói tuyển sinh là xong, đem con bỏ chợ, sinh viên học thế nào cũng được. Điều may mắn là ngành ngôn ngữ tuyển sinh khối A nằm ở trường ĐH lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội nên người ta vẫn còn có thể phần nào tin tưởng được vì thương hiệu, chứ cũng cách tuyển sinh ấy mà thuộc một trường yếu thì không hiểu việc giảng dạy sẽ như thế nào.

NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên