Phóng to |
Tổng thống tân cử Barack Obama trên chuyến xe lửa Philadelphia - Washington |
Quả thật, trong các diễn văn của ông Obama cho đến nay, rất nhiều lần tổng thống Lincoln được nhắc đến như một tấm gương. Một tuần trước khi đáp tàu từ Philadelphia đến Washington nhậm chức, ông Obama đã đưa cả gia đình đến viếng tượng đài Lincoln tại Washington. Ông Obama đã thuật lại lần viếng này trên CNN trong cuộc phỏng vấn của John King vừa qua.
* John King: Ông đã đưa gia đình đến tượng đài Lincoln. Ông và gia đình đã nói về điều gì ở đó?
- Tổng thống tân cử Barack Obama: Tôi thích cảnh tượng đài Lincoln vào buổi tối. Nó luôn gợi ý cho tôi nên tôi đưa Michelle, vợ tôi và các con gái tôi đến đó. Chúng tôi ngắm nghía tấm bảng khắc lời hiệu triệu ở Gettysburg. Michelle giải thích ý nghĩa của lời hiệu triệu ấy của Lincoln: Việc chừng đó binh sĩ đã chết trên chiến trường, có nghĩa là chúng ta phải vinh danh họ bằng cách tạo ra thêm công lý, thêm bình đẳng ở nước Mỹ này. Sau đó, chúng tôi đến ngắm bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 2 của Lincoln”.
Lincoln đã chết để cho sau này có Obama
Lời hiệu triệu Gettysburg của tổng thống Lincoln mà gia đình ông Obama nay nhắc lại với nhau là nỗi lòng của ông Lincoln sau trận đánh đẫm máu nhất của cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Chỉ trong ba ngày 1 đến 3-7-1863, phe liên bang đã tổn thất 23.055 người, phe ly khai 23.231 ngưòi, vừa chết vừa bị thương. Bốn tháng rưỡi sau trận đánh đó, một nghĩa trang quân đội đã được khánh thành ngày 19-11-1863.
Hôm ấy, tổng thống Lincoln đã đọc một bài diễn văn, được xem là vào hàng ngắn nhất lịch sử Mỹ, với chỉ 285 từ, gồm những ý sau (trích đọan):
"Cách đây bốn thế kỷ và bảy năm, tổ tiên chúng ta đã đến dựng trên lục địa này một đất nước mới được thai nghén trong tự do và dành cho mọi người vốn được tạo ra bình đẳng. Ấy thế mà chúng ta đã lao vào một cuộc nội chiến lớn lao, đã lại gặp nhau trên chiến trường lớn này. Giờ đây chúng ta dành dải đất này như là chốn an nghỉ cuối cùng cho những ai đã hy sinh mạng sống để cho đất nước này sống… Hãy làm sao để cho những người quá cố ấy đừng chết một cách vô ích, để cho đất nước này, nhờ ơn Thượng đế, sẽ hồi sinh tự do, và chính phủ của người dân, bởi người dân và vì người dân này sẽ không bị hủy diệt trên quả đất này”.
Phóng to |
Tượng tổng thống Abraham Lincoln |
Còn bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ 2 ngày 4-3-1865 của ông Lincoln mà gia đình Obama nay chăm chú cùng nhau đọc lại là gì? Bài diễn văn ấy có thể được tóm tắt như sau:
"1/8 dân chúng là người nô lệ da màu. Họ tạo thành một núi quyền lợi và chúng ta đều rõ rằng lợi ích đó chính là nguyên nhân của cuộc chiến tranh này... Chẳng tàn khốc với ai, trái lại bác ái đều cho mọi người, chúng ta hãy ráng hoàn tất công việc đang làm, hàn gắn lại vết thương của dân tộc…”.
Một tháng 13 ngày sau khi nhậm chức nhiệm kỳ 2, chính xác là ngày 15-4-1865, tổng thống Lincoln đã phải trả giá máu cho chủ trương giải phóng nô lệ của mình bằng mấy phát đạn trong nhà hát Ford ở Washington mà thủ phạm là John Wilkes Booth, một diễn viên.
Không đơn giản sau chiến thắng chống chế độ nô lệ mà người da đen Mỹ sẽ sớm được tự do và bình đẳng. 103 năm sau, vào ngày 4-4-1968, thủ lĩnh da đen, mục sư Luther King, cũng đã ngã gục vì những phát đạn tương tự, vì giấc mơ được bình đẳng làm người Mỹ của ông.
Bởi thế mà nay ông Obama phải nhắc lại giai đoạn chua chát này trong cuộc phỏng vấn của John King trên CNN:
* John King: Thưa tổng thống tân cử, ông sắp sửa đặt tay trên quyển kinh thánh của Lincoln và đọc lời thề nhậm chức trên bậc thềm của điện Capitol (trụ sở quốc hội Mỹ), ngày xưa do nô lệ nai lưng ra xây. Ông cũng sẽ thả bộ trên đại lộ Pennsylvania và bước vào tòa nhà lịch sử cũng do người nô lệ nai lưng ra xây…
- Tổng thống tân cử Barack Obama: Chúng ta không cần phải quay trở về thời kỳ nô lệ mà chỉ cần nghĩ đến khu vực Washington, DC này cách đây 50, 60 năm như thế nào và nghĩ đến việc tôi đang ở đây chuẩn bị tuyên thệ trở thành tồng thống thứ 44 ra sao. Đối với con cái chúng ta, điều ấy (việc tôi trở thành tổng thống) là một điều “đương nhiên”. Song đối với thế hệ cha mẹ chúng ta, tôi nghĩ rằng họ vẫn đang sững sờ…
Phóng to |
Từ ngày mục sư Luther King gục ngã đến nay đã 41 năm, xã hội Mỹ đã nhanh chóng cởi bỏ kỳ thị màu da |
Từ ngày mục sư Luther King gục ngã đến nay đã 41 năm, xã hội Mỹ đã nhanh chóng cởi bỏ kỳ thị màu da. Cuộc chiến tranh Việt Nam mà trong đó các binh sĩ da đen góp phần đông đảo, kể cả bằng giá máu, đã thúc giục sự thay đổi này. Cũng như vũng lầy đẫm máu Verdun ở Pháp trong thế chiến thứ nhất, mà ở đó các binh sĩ nông dân cùng lãnh đạn pháo với các sĩ quan con nhà quý tộc, mà một ông tướng gốc nông dân tên Pétain đã chiến thắng sau khi các tướng tá họ “De” quý phái thất trận trước quân Đức, đã thúc giục quá trình “tự do - bình đẳng - bác ái” ở Pháp như đã ghi chú dưới quốc hiệu “Cộng hòa Pháp”.
Chính giá máu của tổng thống Lincoln và cả của mục sư Luther King đã góp phần hình thành những điều kiện xã hội tạo ra một Obama - tổng thống da màu đầu tiên của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Đó chính là lý do ông đi lại chuyến tàu năm xưa của tổng thống Lincoln.
-----------------------------
Khuya 17-1, tổng thống đắc cử Barack Obama đã đi lại đúng tuyến xe lửa mà người tiền nhiệm Abraham Lincoln đã đi để đến Washington nhậm chức vào năm 1861. Chuyến xe lửa đi từ thành phố Philadelphia bang Pennsylvania đến Washington, nơi ông Obama sẽ tuyên thệ là tổng thống thứ 44 của Mỹ.
Phóng to |
Tổng thống đắc cử Barack Obama phát biểu tại đài tưởng niệm cựu tổng thống Lincoln tại Washington, DC ngày 18-1 |
10g50 khuya ngày 17-1 (giờ Việt Nam) - Trên xe lửa Express tại Philadelphia, Pennsylvania: Thông điệp của ông Obama rất rõ ràng: “Chúng ta cần tinh thần yêu nước xưa kia và chúng ta phải đi trở lại những gì cha ông đã tin vào”. Trước khi xe lăn bánh ông Obama nói: “Tôi biết cuộc bầu cử đã qua, nhưng các bạn vẫn phải theo sát tôi, bởi vì đó là điều tôi cần”.
11g49 khuya ngày 17-1: Khoảng 200 khách mời có mặt tại Ga xe lửa đường 30 (30th Street Station). Trong số này có Heather Wehr và Talia Kasic - 2 tình nguyện viên 20 tuổi của ông Obama - cho biết họ được mời vì đã tham dự tình nguyện ngay trong những ngày đầu tiên.
Tháp tùng ông Obama còn có 51 người trong đó có 16 gia đình đến từ 15 bang. Mark Dowell, một công nhân ô tô thế hệ thứ 3 tại Louisville, Kentucky nghĩ rằng sở dĩ anh được chọn là vì đã nói chuyện với ông Obama về vấn đề tồn tại trong ngành công nghiệp xe hơi.
Trong bài diễn văn của mình, ông Obama giải thích về việc chọn những người theo tháp tùng: “Tôi sẽ đi chung với những người tôi đã gặp trong cuộc đời. Những người Mỹ khắp mọi miền đất nước, những người mà niềm hy vọng và nỗi đau khổ là cốt lõi của chính nghĩa”.
Phóng to |
Tổng thống đắc cử Barack Obama và vợ cùng hát vang trong buổi lễ "Chúng ta là một" với mọi người |
12:59 sáng 18-1, trên xe lửa Express: Khi xe lửa ngừng ở Wilmington, Delaware rất nhiều người tụ tập, thậm chí cả leo lên những cây không lá gần đó để nghe ông Obama nói chuyện.
1g55 sáng 18-1 tại Wilmington, Delaware: Hàng ngàn người không phân biệt màu da hay tuổi tác đã tụ tập rất đông tại nhà ga Wilmington, trong số này có những người đã đến từ trước trong cái lạnh tê người để chờ nghe bài nói chuyện của tổng thống và phó tổng thống đắc cử Barack Obama và Joe Biden. Nhiều người khẳng định: “Đây là sự kiện có 1 không 2 trong đời mà chúng tôi không thể bỏ lỡ”.
Trong bài diễn văn của mình, ông Obama đã nói cho đám đông biết hôm nay là sinh nhật của Michelle và đám đông bắt đầu hát “Happy Birthday”. Ông Obama dành phần lớn bài nói để ca ngợi Biden về những hy sinh của ông cho đất nước. Và dĩ nhiên ông cũng không quên nói về hy vọng và tương lai.
2g23 sáng 18-1, trên xe lửa Express: Xe lửa bắt đầu lăn bánh vào địa phận bang Maryland, đi qua những vùng nông thôn nghèo với đây đó nhiều người nhìn theo chiếc xe lửa.
Những hình ảnh ấn tượng nhất là về những người cô độc đứng vẫy theo đoàn xe lửa. Đó là một người đứng ở sườn đồi vẫy theo đoàn tàu cho đến khi khuất dạng hay một phụ nữ trẻ đứng ở hiên nhà với lá cờ Mỹ to hơn người…
3g26 sáng 18-1, Edgewood, Maryland: Vì đây chỉ là một trạm xe lửa nhỏ và theo lịch trìch đoàn tàu sẽ không dừng ở đây mà chỉ chạy chầm chậm qua thị trấn rồi đến thủ phủ bang, Baltimore trước khi đến Washington. Vì vậy không khí tại đây không quá cuồng nhiệt.
Chỉ có khoảng tổng cộng vài trăm người đến nhà ga nhưng trong số này cũng có những người đã đến từ rất sớm. Và dù Edgewood chỉ cách Washington - nơi ông Obama sẽ làm lễ nhậm chức - gần 100km nhưng hầu hết những người có mặt tại sân ga cho biết họ không muốn đến thủ đô và đây là lần duy nhất họ tham dự “lễ ra mắt của tổng thống”.
3g45 sáng 18-1, Baltimore, Maryland: 6 em bé đứng nhảy nhót và vẫy chào khi đoàn tàu từ từ tiến vào ga Baltimore. Trước khi đến trung tâm thành phố, đoàn tàu đã đi qua một trong những khu vực nghèo nhất nước Mỹ. Tại đây ông Obama và Biden sẽ tham dự một sự kiện tổ chức tại Hội trường thành phố (City Hall) Baltimore trước khi tiếp tục đến Washington.
4g20 sáng 18-1, Nhà ga thống nhất tại Washington DC: Không khí chờ đợi tại trạm cuối của đoàn tàu ngày càng bồn chồn. Những phóng viên CNN luôn được hỏi: “Khi nào tổng thống tới”.
Tất cả những người ủng hộ ông Obama từ khắp nơi đã tụ tập về đây. Nhiều người đứng trước tấm hình carton của ông Obama để chụp hình.
4g35 sáng 18-1, Baltimore, Maryland: Nhiều người khóc - như họ đã tuyên bố - trong khi ông Obama diễn thuyết. Rất nhiều người khẳng định trong suốt chiến dịch bầu cử của ông Obama họ đã lăn dài những giọt nước mắt sung sướng. Và đây là một trong số ít lần hiếm hoi họ gặp được ông Obama bằng xương bằng thịt vì trong suốt chiến dịch tranh cử, ông ít đến đây.
6g25 sáng 18-1, trên tàu Express: Đoàn tàu từ từ tiến vào trạm cuối, nhà ga thống nhất. Một hàng dài người đứng dọc theo đường ray để chào đón tân tổng thống của họ.
Trong khi đó bà Michelle đang nhảy với con gái và những người bạn bên cạnh chiếc xe hơi được trang trí cho ngày sinh thứ 45 của mình.
7g10 sáng 18-1, Nhà ga thống nhất, Washington DC: Khung cảnh náo động và cuồng nhiệt bên trong nhà ga của tất cả mọi người từ khắp đất nước hay thậm chí khắp thế giới đổ về đây.
Cậu bé 11 tuổi Grant Ibeh nói cho biết việc ông Obama được đắc cử tổng thống là “giấc mơ đã thành hiện thực”.
Một số hoạt động của tân tổng thống Mỹ trong lễ nhậm chức 19-1: Ông Obama tham dự 3 buổi tiệc chiêu đãi riêng tại Hilton Washington, Bảo tàng xây dựng quốc gia và nhà ga thống nhất (Union Station) vinh danh các cựu bộ trưởng Colin Powell, Biden và thượng nghị sĩ John McCain vì những đóng góp cho cộng đồng của họ. 20-1: Lễ nhậm chức dự kiến bắt đầu vào lúc 10g sáng (giờ nước Mỹ) tại Cửa Tây (West Front) của điện Capitol. Vào khoảng giữa trưa ông Obama sẽ vào Phòng tuyên thệ, và dùng lại chính cuốn kinh thánh mà tổng thống Lincoln đã dùng trong lễ nhậm chức của mình với sự chứng kiến của người đứng đầu sở tư pháp John Roberts. Sau đó là bài diễn văn nhậm chức của ông Obama rồi sẽ cùng cựu tổng thống George Bush làm lễ chuyển giao quyền lực trước khi đi ăn trưa tại điện Capitol. Tiếp theo là lễ duyệt binh lần thứ 56 đi từ Đại lộ Pennsylvania đến nhà Trắng. Sau đó ông Obama sẽ chủ trì 10 buổi khiêu vũ nhậm chức chính thức cùng với rất nhiều buổi tiệc không chính thức khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận