Hai người Nhật trong con hẻm đầy counter bar ở quận 1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Anh Yama - người Nhật, kỹ sư công nghệ thông tin, là chuyên gia ở Việt Nam suốt năm năm.
Bạn bè tặng cho anh tên Việt Nam là Sơn vì Yama trong tiếng Nhật nghĩa là núi. Sơn Yama là một khách hàng thường xuyên của counter bar ở Sài Gòn.
Người Nhật khen counter bar Sài Gòn rẻ
Anh cho biết chưa từng vào một quán hostess bar nào ở Nhật Bản do "anh sợ vợ lắm. Vợ anh không cho anh về trễ. Về trễ là bị cắt ngay".
Ở Nhật, toàn bộ tiền lương trả qua tài khoản ngân hàng bị vợ giữ thẻ nên nam giới đã kết hôn ít có tiền bạc rủng rỉnh để ăn chơi.
Ngược lại khi được cử sang Việt Nam, một chuyên gia sẽ có hai đầu lương. Trong khi lương ở Nhật không bị giảm, người vợ vẫn quản lý toàn bộ, chuyên gia sẽ có thêm một đầu lương cho riêng mình tại Việt Nam. Số tiền này các anh được tự do tiêu xài.
Vì vậy, theo anh Sơn, chỉ khi ở nước ngoài đàn ông Nhật mới có cơ hội xõa và thoải mái đi chơi kiểu đại gia ở counter bar mà không bị vợ kìm kẹp.
Ngoài ra, giá rẻ cũng là một yếu tố hấp dẫn. Counter bar ở Sài Gòn có giá rẻ chỉ bằng một phần ba mô hình bar tương tự tại Nhật Bản mà con gái xinh đẹp, trẻ trung và chiều khách hơn so với hostess bar bên Nhật.
Khách vào đây nhiều người rất giàu, nếu mình không khiến họ xài tiền ở quán mình thì họ sẽ đi quán khác Một mama ở counter bar
Anh Yuta, phó giám đốc một công ty tư vấn ở Sài Gòn, là khách hàng thường xuyên của counter bar, cho biết: "Người Nhật ở Sài Gòn rất cô đơn, ít bạn bè, họ cũng không phải là những người có sở thích đàn hát, thể thao. Ngoài ra, có thể do vài đặc điểm như quá tôn trọng đối tác, sợ làm phiền và không giỏi ngoại ngữ nên họ ngại bắt chuyện làm quen".
Anh Ito thú thật sau năm năm ở Việt Nam anh vẫn không có người bạn Việt Nam nào, trừ một cô bạn gái người Việt nhưng hai người đã chia tay.
Anh Kay thì cho biết sở thích của anh là uống rượu. Đó là lý do anh đến counter để sống trong bầu không khí bầu bạn khi có tiền.
Ngoài ra, một lý do thực tiễn khác nữa là đàn ông Nhật xa vợ, họ muốn một chút cảm giác yêu đương nhưng không muốn xây dựng mối quan hệ thật sự nên đến quán bar sẽ thuận tiện hơn việc có một người bạn gái với bao trách nhiệm và ràng buộc.
Một người đàn ông Nhật tên Sea chia sẻ một sự thật tế nhị hơn: "Ở Nhật, đàn ông vẫn rỉ tai nhau là con gái Việt Nam đẹp, dễ thương, giá cả các dịch vụ chơi bời, tươi mát rất rẻ nên nhiều bạn bè tôi đã đi du lịch Việt Nam".
Cá nhân anh Sea lần đầu tiên đi du lịch Việt Nam là để "nếm thử" cảm giác qua các dịch vụ này.
Đa số nam giới đi counter bar vì muốn được vui vẻ, thoải mái sau một ngày làm việc mệt mỏi là chính.
Anh Yuta cho biết một khi ngồi làm việc, người Nhật không làm chơi chơi mà "tận hiến" hết sức mình cho công ty.
Hết giờ làm về nhà, về khách sạn một mình thì buồn. Đi chơi thì không biết đi đâu, không có bạn nên họ thích vào counter bar vì luôn có nhiều cô gái để chuyện trò cùng mình và nhâm nhi vài ly rượu.
Tuy nhiên, vài ly rượu mà Saito nói đôi khi lại là cả chai và kết quả là các anh lết về khách sạn hoặc ngủ gục trong nhà vệ sinh của quán, phải phá cửa mời ra.
Với kiểu say xỉn như thế, không hiểu họ lấy sức đâu để làm việc vào ngày hôm sau. Thế mà nhiều người cứ 2-3 ngày lại đi counter bar một lần.
Khách vào counter bar được đối xử rất trọng thị - Ảnh Facebook counter bar
Nơi nói yêu nhưng không phải là yêu
Anh Tanaka nhiều lần vào quán chỉ để nói với Ichika: "Mình cưới nhau đi", hay anh Yama mấy tháng rồi vẫn nài nỉ Akari "làm bạn gái anh nhé" nhưng chưa được cô đồng ý.
Cô không tin vào sự chung thủy của đàn ông, nhất là đàn ông Nhật trong các quán bar thế này.
Công việc của cô là giả vờ như có tình cảm với khách để kiếm tiền. Mama ở counter bar luôn nhắc nhở nhân viên: "Ở trong này không có ai nói yêu là yêu thiệt đâu nha. Vào đây các em phải đổi mới con người mình để không phải là mình hằng ngày, phải chịu chiều khách một chút. Khi rời quán bar, con người các em như thế nào thì vẫn như thế ấy, không ai có thể đánh giá gì các em. Khách vào đây nhiều người rất giàu, nếu không khiến họ xài tiền ở quán mình thì họ sẽ đi quán khác".
Mặt bằng lương cơ bản của nhân viên quán bar là 4 triệu đồng. Nhưng thu nhập của người kém nhất cũng tầm 8-9 triệu, còn của người cao có thể hơn 20 triệu đồng.
Thực chất, số tiền nằm trên mức cơ bản là do khách trả lương cho lady mà mama chỉ là người phát tiền giùm.
Nguyễn Thụy Vân Anh, cựu du học sinh Nhật Bản, cho biết: "Có thể đây là ý kiến chủ quan của mình nhưng con trai Nhật yêu là họ không để ý gì đâu. Nếu thấy cô gái có hai, ba bạn trai họ cũng không phiền mà chỉ nhắc bản thân nên cố hết sức để chứng tỏ thành ý của mình".
Từ ngày phải lòng Misaki - lady một quán bar, anh Saito đều đặn mỗi hai tháng lại sang Việt Nam.
Anh còn độc thân, chưa có vợ, một người tuyệt vời để làm bạn trai nhưng chỉ là một khách hàng trong mắt Misaki.
Trong những chuyến thăm đó, anh đưa cô đi mua giỏ xách, giày dép, quần áo, mỹ phẩm, nước hoa, mỗi ngày mua một chai rượu để giúp đỡ công việc của người yêu mà không biết rằng mình chả hề được yêu lại.
Sumire, một lady đã nghỉ làm, cho biết: "Công việc làm counter bar đã phần nào thay đổi mình. Đàn ông họ đến đây vì con gái đẹp, nói chuyện ngọt ngào, chiều chuộng. Vậy nên giờ mình cũng bớt ảo tưởng vào tình yêu và chắc chắn sẽ không bất ngờ nếu ông chồng mình sau này có vui chơi chút đỉnh bên ngoài".
Cuộc đời trớ trêu
Cuộc đời hiện ra thật trớ trêu trong không gian counter bar. Những người đàn ông giấu vợ theo đuổi niềm vui riêng rồi lại bị các cô gái mình yêu xỏ mũi để lấy tiền. Còn những chàng trai trẻ không tiền thì không kiếm nổi bạn gái.
Tình yêu cuối cùng là doanh thu bán rượu và mọi thứ được đánh giá bởi vẻ bề ngoài.
Khách hàng tìm kiếm vẻ đẹp ngoại hình được điểm phấn tô son, lady tìm kiếm túi tiền của khách.
Tình yêu thực sự không nảy nở ở chốn này. Giấc mơ của các lady chỉ là những ông khách sộp chứ chưa bao giờ là tình yêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận