Chứa nhiều thành phần dinh dưỡng cần thiết
Lương y Hoàng Duy Tân, phó chủ tịch Hội Đông y tỉnh Đồng Nai, cho biết bắp cải được coi là "thuốc của người nghèo", có vị ngọt, tính mát, có tác dụng hòa huyết, thanh nhiệt, trừ đàm thấp, sinh tân, chỉ khát, mát dạ dày, giải độc, lợi tiểu.
Theo y học cổ truyền, ăn bắp cải lâu ngày có công dụng ích tâm thận, làm dịu đau, chống hoạt huyết, lọc máu, chống kích thích thần kinh, bổ cốt tủy, lợi ngũ tạng lục phủ. Bệnh nhân đái buốt, đái khó, đại tiện táo nên ăn bắp cải.
Nghiên cứu hiện đại, bắp cải là loại rau thông thường nhưng các thành phần dinh dưỡng của nó lại rất đa dạng và độc đáo, có thể giúp chúng ta phòng tránh và hỗ trợ chữa nhiều bệnh lý quan trọng.
Xét trên 80 chất về thành phần dinh dưỡng và giá trị năng lượng của mỗi loại thực phẩm thì trong bắp cải có tới 58 loại.
Trong 100g bắp cải ăn được cung cấp cho cơ thể 03 Kcal, 125 KJ năng lượng, 90g nước, 1,8% protein thực vật, gluxit tổng số 5,4g, xenluloza 1,6g, pectin 1,6g, natri 48,2mg, kali 560,5mg, canxi 48mg, phốt pho 31mg, magiê 13mg, sắt 1,1mg, iot 20mcg, fluor 20mcg,
selen 23mcg, vitamin A 850 mcg, beta caroten 5.100 mcg, vitamin E 5,4 mg, vitamin B1 0,06mg, vitamin B2 0,05mg, vitamin PP 0,4mg, vitamin B6 0,35mg, vitamin C 30 mg, panthithenic axit 1.000mcg, polic axit 60mcg, biotin 0,5, axit béo 0,15g, lysin 53mg, metionin 18mg, tryptophan 18mg, acginin 141mg…
Lượng vitamin trong bắp cải nhiều gấp 4,5 lần so với cà rốt, 3,6 lần so với khoai tây, hành tây. Điều đặc biệt là vitamin A và P trong bắp cải kết hợp với nhau làm cho thành mạch máu bền vững hơn.
Trong bắp cải còn có các chất chống ung thư: sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol -33. Các nhà khoa học của Mỹ, Anh, Trung Quốc và Ba Lan cho rằng những phụ nữ ăn 4 - 5 bữa bắp cải/tuần sẽ giảm được 74% nguy cơ mắc chứng bệnh ung thư vú.
Trong bắp cải tươi có nhiều vitamin U có tác dụng chữa lành các ổ loét thực nghiệm được gây nên trên súc vật. Chất L-5-vinyl-2-thioxa-zolidon trong hạt bắp cải có tác dụng kháng giáp trạng. Chất sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và indol -33 carbinol có tác dụng chống ung thư…
Bắp cải cũng chứa chất có thể điều tiết sự trao đổi chất béo. Đường chứa trong cải bắp chủ yếu là đường gluco, hầu như không tồn tại tinh bột do đó phù hợp với người bị tiểu đường. Nó cũng có tác dụng làm giảm quá trình đồng hóa gluxit và giảm đường huyết nên dùng 100g/ngày, giúp phòng và trị bệnh tiểu đường type 2.
Bác sĩ Cao Hồng Phúc, Bệnh viện 103, nhấn mạnh bắp cải được đánh giá là loại rau của thế giới dinh dưỡng vì nó tương đối rẻ so với những loại rau khác nhưng lại có nhiều sinh tố bảo vệ sức khỏe con người.
Nó cũng là thực phẩm lý tưởng cho những người muốn giảm cân bởi 100 bát bắp cải chỉ chứa 15 calo và rất nhiều loại vitamin như: A, C, E, B, PP… có lợi cho sức khỏe.
Khoa học hiện đại cũng đã chứng minh giá trị chữa bệnh của bắp cải không chỉ tốt cho phòng chống ung thư, giảm mỡ máu, chữa xuất huyết, làm đẹp da, chữa ho đờm, gút, chống táo bón, tiểu đường...
Những bệnh lý cần kiêng bắp cải
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thái - Viện Y học phóng xạ và ung bướu quân đội, bắp cải có chứa nhiều chất sắt vì thế nó rất hữu ích trong điều trị thiếu máu cho những người đang thiếu máu do thiếu sắt.
Bắp cải cũng là loại rau giàu vitamin và dưỡng chất nên khá hiệu quả trong điều kiện bệnh viêm khớp, suy nhược thần kinh, các chứng viêm, khó tiêu, thị lực có vấn đề và bệnh béo phì...
Tuy nhiên, một số người cần chú ý khi ăn bắp cải:
- Người bị dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc: Ăn bắp cải làm cho tình trạng dị ứng, xuất huyết dưới kết mạc trở nên trầm trọng hơn, nhất là dưa bắp cải muối chua, vì có chứa histamine có khả năng gây ngứa, chảy nước mắt, xung huyết và chảy nước mũi.
- Người bị cường giáp, bướu cổ: Bắp cải thuộc họ rau chữ thập, rất giàu chất chống oxy hóa glucosinolate. Trong một số điều kiện, glucosinolate bị thủy phân chuyển thành isothiocyanate và thiocyanate có thể gây bệnh tuyến giáp. Bắp cải cũng chứa một hàm lượng nhỏ goitrin. Chất này có tác dụng chống oxy hóa nhưng lại có thể gây bướu cổ.
Vì vậy, người bị rối loạn tuyến giáp hoặc bướu cổ nếu ăn nhiều bắp cải sẽ có nguy cơ tuyến giáp hoặc bướu cổ phù to ra. Với những người này chỉ nên ăn một lượng vừa phải, trước khi ăn nên cắt từng lá, ngâm rửa rồi thái nhỏ, để khoảng 10-15 phút rồi mới chế biến bởi khi đó goitrin sẽ bị phân hủy hết.
- Người bị bệnh thận: Người bị sỏi thận nếu ăn nhiều bắp cải càng làm cho bệnh trầm trọng hơn vì bắp cải chứa nhiều acid oxalic, có thể làm tăng khả năng hình thành sỏi ở thận, gây ra sỏi thận. Những người suy thận nặng, phải chạy thận nhân tạo cũng không nên dùng bắp cải.
- Người hệ tiêu hóa kém, bụng lạnh: Bắp cải nhiều chất xơ, có tác dụng nhuận tràng, người bị tiêu chảy không nên ăn. Đặc biệt là không ăn bắp cải sống, muối xổi vì dễ sinh đầy bụng, nhất là những người bị đau dạ dày, người táo bón, tiểu ít. Cách tốt nhất đối với người có dấu hiệu bệnh trên, nếu ăn thì phải nấu chín.
- Người tạng hàn: Những người thuộc tạng hàn thường xuyên có biểu hiện lạnh bụng mỗi khi ăn đồ mát hoặc lạnh, đặc biệt là vào mùa đông. Hơn nữa, bắp cải lại là thực phẩm có tính mát. Vì vậy, khi chế biến, ăn nên kèm theo một chút gừng tươi để tăng cảm giác ấm và giảm cảm giác lạnh.
Nên kết hợp ăn cả lá xanh và trắng vì lá xanh có nguồn vitamin A lớn và lá trắng chứa tỉ lệ sắt cao…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận