Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 143 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Hỗ trợ nhanh nhất, trực tiếp vào đối tượng bị ảnh hưởng
Nghị quyết đánh giá bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50.000 tỉ đồng (hơn 2 tỉ USD), dự báo có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8-7%. Vì vậy để khẩn trương khắc phục bão số 3, cần có giải pháp để ổn định tình hình, khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.
Người đứng đầu Chính phủ nêu quan điểm, các chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.
Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Không để người bệnh thiếu nơi cứu chữa; các cháu học sinh phải được đến trường sớm nhất có thể. Bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10 năm 2024; một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.
Chi ngân sách hỗ trợ cho người dân, khôi phục thiệt hại
Trên cơ sở đó, nghị quyết nêu ra 6 nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ bao gồm: Nhóm giải pháp về bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân như tìm kiếm người mất tích, di dời sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ cao, cứu chữa người bị thương, chống dịch và vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm...
Nhóm giải pháp khôi phục hoạt động đời sống, xã hội ổn định cuộc sống nhân dân, sẽ bố trí dự phòng ngân sách trung ương để hỗ trợ. Trong đó, nâng mức hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn bị sập, hư hỏng nhà với tinh thần "xác định thiệt hại đến đâu, hỗ trợ kịp thời đến đó".
Dồn toàn lực để khôi phục hạ tầng thiết yếu (điện, nước, viễn thông…); sửa chữa, sớm đưa vào sử dụng trở lại các công trình dân sinh, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế, thủy lợi…
Gia cố ngay các đoạn đê, kè xung yếu, bị hư hại nghiêm trọng; sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông. Khôi phục công tác khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, công tác dạy và học tại các trường.
Bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi. Miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên.
Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận. Ngăn chặn, vô hiệu hóa các hội nhóm trên không gian mạng núp bóng danh nghĩa "hỗ trợ, cứu trợ, tình nguyện" để tập hợp lực lượng, kích động gây rối an ninh, trật tự, phát thông tin xấu độc, lừa đảo trên không gian mạng.
Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế.
Các nhóm giải pháp tiếp theo là chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở; Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, giải pháp cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính để triển khai chính sách hỗ trợ; nhóm giải pháp về kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận