58 người chết, 40 người mất tích do bão, sập cầu, mưa lũ
Theo báo cáo cập nhật 22h đêm 9-9 của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, mưa bão số 3, sạt lở đất, mưa lũ, sập cầu tại các tỉnh miền Bắc làm 58 người chết, 40 người mất tích.
Trong đó, nhiều nhất là Cao Bằng có 17 người chết và 16 người mất tích. Tỉnh Lào Cai có 17 người chết và 12 người mất tích.
Tiếp đến là Quảng Ninh có 8 người chết do bão và 1 người bị lũ cuốn. Sự cố sập cầu Phong Châu làm 8 người mất tích. Tại Hòa Bình sạt lở đất làm 4 người chết. Tỉnh Yên Bái có 3 người chết và 2 người mất tích do sạt lở đất...
Khoảnh khắc sập cầu Phong Châu ở Phú Thọ qua camera hành trình và nhà dân
Cao Bằng: Tìm thấy thi thể 17 nạn nhân thiệt mạng do sạt lở đất
Tính đến 20h ngày 9-9, lực lượng cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cao Bằng đã tìm thấy 17 nạn nhân thiệt mạng do bão lũ, sạt lở đất tại huyện Nguyên Bình. Lực lượng cứu hộ cũng đưa được 8 người bị thương đến cơ sở y tế điều trị, đang tích cực tìm kiếm 16 người còn mất tích.
Theo ông Đào Nguyên Phong, chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình, trên địa bàn huyện xảy ra nhiều điểm sạt lở, trong đó 3 điểm sạt lở có người tử vong, bị thương và mất tích gồm: xóm Khuổi Ngọa, xóm Lũng Lỳ, xã Ca Thành; xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc.
Tuy nhiên, đến nay lực lượng cứu hộ chỉ tiếp cận được hai điểm Khuổi Ngọa và Lũng Lỳ; còn tại điểm xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc hiện chưa thể tiếp cận được do khối lượng đất, đá bị sạt lở lớn, bị cô lập, khiến các lực lượng chức năng khó khăn trong công tác cứu nạn, cứu hộ.
Có mặt tại hiện trường chỉ huy công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, ông Hoàng Xuân Ánh, chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, yêu cầu các lực lượng tham gia cứu nạn, cứu hộ có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, hỗ trợ dân trong diện nguy cơ sạt lở; nhanh chóng, kịp thời thông tuyến, tiếp cận hiện trường, tích cực cứu chữa người bị thương, tìm kiếm người mất tích.
Đồng thời yêu cầu các lực lượng chức năng thông báo, cảnh báo các vị trí nguy hiểm; đẩy mạnh khuyến cáo thông tin về nguy cơ sạt lở đất tiếp tục xảy ra để hạn chế người và các phương tiện tham gia giao thông khi không cần thiết; thông báo cho người dân biết khu vực có nguy cơ sạt lở để di chuyển, sơ tán đến nơi an toàn.
Khoảnh khắc cả vạt đồi đổ ập xuống, vùi lấp 3 nhà dân ở Yên Bái - Video: MXH
Hiện nay, tình hình cứu hộ cứu nạn vẫn còn rất nhiều khó khăn. Tuyến quốc lộ 34 từ thị trấn Nguyên Bình đến xã Ca Thành (nơi xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng) có hàng chục điểm sạt lở, tắc đường, nên rất khó đưa máy móc, phương tiện đến hiện trường.
Mặt khác thời tiết vẫn chưa ổn định, thỉnh thoảng có mưa khiến cho mặt đường trơn ướt, nguy cơ tiếp tục sạt lở vẫn rất cao.
Theo báo cáo nhanh của Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đến 18h chiều 9-9, bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu sau bão ảnh hưởng tới 26 tỉnh thành từ khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa, gây mưa lớn 200 - 400mm (từ ngày 7 đến 9-9).
Các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên mưa từ 400 - 600mm. Một số nơi mưa rất lớn như: Nậm Xây Luông (Lào Cai) 760mm, Pú Dảnh (Sơn La) 614mm, Tân Phương (Yên Bái) 589mm, Yên Đổ (Thái Nguyên) 565mm…
Mưa lớn sau bão gây lũ, lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Cao Bằng (huyện Nguyên Bình), Lào Cai (Bát Xát, Sa Pa, Si Ma Cai, Bắc Hà), Hòa Bình (Đà Bắc), Yên Bái (Văn Chấn, Lục Yên), Tuyên Quang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang…
Lũ trên báo động 3 xuất hiện ở thượng lưu sông Lục Nam (Bắc Giang), sông Thao (Lào Cai, Yên Bái), sông Thương (Lạng Sơn), sông Gâm (Tuyên Quang). Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái tương đương lũ lớn năm 2008.
Qua tổng hợp từ các địa phương, đến 17h chiều 9-9 có 49 người tử vong, 22 người mất tích.
Cao Bằng là nơi hứng chịu hậu quả nặng nhất về người với 21 trường hợp tử vong, mất tích, trong đó chưa tính 16 người trên xe khách bị cuốn trôi (xe có khoảng 20 người, đã tìm thấy 4 người tử vong).
Tại Lào Cai có 18 người tử vong, 6 người mất tích. Quảng Ninh có 9 người tử vong…
Về nông nghiệp, trên 136.000ha lúa, 26.000ha hoa màu, khoảng 6.800ha cây ăn quả bị thiệt hại.
Trên 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi. Hơn 540.000 con gia súc, gia cầm ở Hải Dương và Hải Phòng bị chết.
Do ảnh hưởng của bão Yagi, các tỉnh thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng. Do gió mạnh, gió giật, trên 46.000 ngôi nhà tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn… hư hỏng, thiệt hại.
Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng. Rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gãy đổ, cây xanh đô thị bị bật gốc, ngã đổ la liệt trên các tuyến đường tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội…
Chèo thuyền chở thực phẩm, nước uống cho bà con vùng lũ
Tại huyện Tràng Định, Lạng Sơn, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu bão Yagi, UBND huyện Tràng Định chỉ đạo cơ quan chức năng chuẩn bị hơn 10.000 gói lương khô, hơn 3.000 gói mì tôm, 3.000 thùng nước uống, 6.000 gói bột canh gửi tới bà con các nơi bị ngập lũ, chia cắt.
Đến trưa 9-9, huyện còn khoảng 2.300 hộ dân ở trong vùng ngập nước.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện huy động hơn 900 cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, cán bộ thôn, khối phố tham gia ứng cứu, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Lực lượng chức năng dùng thuyền, xuồng, bè, mảng đưa thực phẩm, nước uống đến cho người dân tại những khu vực ngập bị chia cắt.
Huyện tiếp tục chỉ đạo đơn vị điện lực, viễn thông tập trung khắc phục các sự cố điện, viễn thông…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận