Rạng sáng 17-2-1979, tiếng súng nổ vang trời biên cương phía Bắc, quân Trung Quốc tấn công vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc bùng nổ và trên thực tế đã kéo dài suốt 10 năm sau đó (từ năm 1979 - 1989).
May mắn trong chặng đường tìm về lịch sử cuộc chiến này, mối duyên đã đưa chúng tôi gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, giúp chúng tôi cảm nhận rõ hơn về một cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân và dân ta để bảo vệ từng tấc đất biên thùy.
Được tìm đọc các tư liệu quý, được gặp gỡ và đắm mình trong những câu chuyện kể của nhân chứng lịch sử về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, không ít những người đã rơi nước mắt xúc động.
Tôi nhớ lần đầu tiên được trò chuyện với thiếu tướng Nguyễn Xuân Năng - nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - cũng là nhân chứng lịch sử đầu tiên tôi tìm gặp để hiểu về cuộc chiến, cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng. Trong lòng dấy lên câu hỏi: "Tôi có nên tìm gặp các bác chỉ với kiến thức ít ỏi về cuộc chiến này?".
Như để tiếp thêm sức mạnh, tôi mở lại bài hát Về đây đồng đội ơi! của nhạc sĩ Trương Quý Hải. Những giai điệu da diết vang lên từ trái tim của người lính, về tình đồng chí đồng đội thôi thúc bước chân bao người trẻ tìm về những năm tháng hào hùng ấy.
"Hãy về đồng đội ơi, người lính chiến mãi đôi mươi, về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười. Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa...".
Trước cuộc trò chuyện, vị tướng già mắt ngân ngấn lệ khi đọc lại bài thơ của người anh khóa trên gửi tặng mình - người lính duy nhất của khoa ngữ văn Trường đại học Tổng hợp Hà Nội - xung phong vào chiến trường.
"Buổi em đi phượng chẳng đậu trên cành
Hoa đã cháy trong mùa hè tất cả
Bài học hôm qua chúng mình bỏ dở
Mấy môn thi rồi chưa biết điểm đâu em…
Em đi rồi, cái con số 35
Chẳng còn đủ khi nước nhà có giặc
Giờ hợp điểm là giờ ta gặp mặt
Em đi tiền trạm cho lớp mình trong cuộc trường chinh xa…".
Bài thơ được viết sau ngày 5-3-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ra lệnh tổng động viên toàn quân, toàn dân kháng chiến chống quân Trung Quốc ở biên giới phía Bắc.
Hàng ngàn sinh viên ưu tú của các trường đại học đã lên đường, để lại phía sau ngôi trường, thầy cô và bạn bè thân yêu. Lệnh tổng động viên xuống, lớp ngữ văn lúc bấy giờ mới ngỡ lớp mình có anh lính Hà Nội đã xung phong vào chiến trường biên giới Tây Nam theo lệnh động viên trước đó.
Ông kể ngày ấy khi họp lớp, mọi người cãi nhau không biết sĩ số lớp là 34 hay 35, nhưng nhờ bài thơ này mới biết chính xác lớp có 35 người. Ngày cậu sinh viên trẻ xung phong vào chiến trường, lớp vẫn giữ nguyên sĩ số như đợi bạn về.
Tháng 2-1979, tình hình biên giới phía Bắc rất căng thẳng. Những người lính Tây Nam rất lo lắng cho tình hình chiến sự ở biên giới phía Bắc. Được trên điều động, vậy là anh lính trẻ Nguyễn Xuân Năng cùng đơn vị cấp tốc từ chiến trường Campuchia lao ngay ra Bắc để cùng chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Rồi ký ức về cuộc chiến như dày thêm khi cơ duyên đưa chúng tôi tìm đến phòng truyền thống của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Dưới tấm bia "Tổ quốc ghi công" là một lá thư đặc biệt được lồng kính trang trọng với dòng chữ: Cho tôi trở lại quân đội bảo vệ Tổ quốc (Nguyễn Chiều), Sử 3Đ được viết bằng máu.
Lá thư đó của thầy giáo Nguyễn Chiều - nguyên giảng viên khảo cổ học, khoa lịch sử Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Ngày ấy, thầy Chiều vừa giải ngũ và đang theo năm thứ ba của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn).
Trong không khí sục sôi, hàng ngàn sinh viên đã xung phong lên đường bảo vệ biên giới Tổ quốc. Trường đại học Tổng hợp Hà Nội ngày ấy cũng sục sôi khí thế, dành cả một khoảng sân rộng phát động sinh viên lên đường.
Nghe phát động của trường, thầy giáo Chiều lấy giấy viết đơn xin tái ngũ. Với quyết tâm lên đường, ông cắn đầu ngón tay cho chảy máu, lấy chính máu của mình viết lên giấy xin trở lại quân ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Bây giờ, 45 năm sau cuộc chiến năm xưa, những ký ức không lãng quên. Ở nơi dặm dài biên cương, những người lính tuổi mười tám, đôi mươi đã mãi mãi nằm lại, máu của các anh đã hòa vào đất mẹ Tổ quốc.
Để đến hôm nay, lớp lớp người trẻ đã tiếp nối truyền thống anh hùng, xung phong lên biên giới làm nhiệm vụ để giữ bình yên cho nhân dân.
Tháng 2 về, nếu có dịp bạn hãy tìm về nơi vùng đất biên cương xa xôi, đứng lặng im trước những tấm bia liệt sĩ, tri ân những người anh hùng đã ngã xuống cho biên cương mãi xanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận