12/05/2022 09:16 GMT+7

Bảo vệ sức mạnh nội sinh của dân tộc

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TTO - Hội thảo "Không gian mạng và sứ mệnh bảo vệ biên cương văn hóa tư tưởng của tuổi trẻ" là lời cảnh tỉnh và một lần nữa xác nhận vai trò của giới trẻ trong việc giữ gìn, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam.

Bảo vệ sức mạnh nội sinh của dân tộc - Ảnh 1.

Âm nhạc dân tộc học đường nỗ lực đưa các giá trị văn hóa dân tộc cần bảo tồn vào trường học tại TP.HCM - Ảnh: Q.LINH

Được Trung ương Đoàn phối hợp cùng Ban Tuyên giáo trung ương và một số đơn vị tổ chức ngày 11-5, hội thảo góp thêm góc nhìn để tuổi trẻ Việt Nam nhận trọng trách xây dựng và bảo vệ giá trị văn hóa, đặc biệt trên không gian mạng trong bối cảnh toàn cầu và chuyển đổi số hiện nay.

Đảng, Nhà nước đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ. Mong các bạn tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại và có chiến lược lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Ông NGUYỄN TRỌNG NGHĨA (trưởng Ban Tuyên giáo trung ương)

"Văn hóa còn, dân tộc còn"

Khái niệm biên cương văn hóa có vẻ chưa quá quen thuộc với nhiều người, trong đó có người trẻ. Nhưng với thế giới, điều này được xem như sức mạnh mềm, nhất là khi người ta nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhắc đến chuyển đổi số với những tác động sâu sắc của nó trên mọi phương diện của đời sống xã hội.

Ai cũng biết văn hóa có sức ảnh hưởng, chi phối lớn đến toàn xã hội song nhận diện thực chất, đầy đủ về văn hóa là điều không dễ. 

Dẫn khẳng định "Văn hóa còn, dân tộc còn" của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị văn hóa toàn quốc cuối năm 2021, GS.TS Hoàng Chí Bảo nói những gì hướng đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ là văn hóa, còn những gì ngược lại đều là phản văn hóa.

Theo GS Hoàng Chí Bảo, không gian mạng chính là đặc trưng của thế giới hiện đại trong thời đại vũ bão của công nghệ thông tin. Nhưng cũng chính trong thế giới đó, con người có nguy cơ "chết chìm trong thông tin nhưng vẫn đói khát thông tin" bởi lẫn lộn giữa vô vàn thông tin thật - giả, đúng - sai! 

"Xã hội càng phát triển bao nhiêu càng cần đến sự phát triển của văn hóa bấy nhiêu để dẫn đường cho chúng ta" - GS Bảo phát biểu.

Ông Đinh Bá Thành (chủ tịch DatVietVAC Group Holdings) dẫn câu chuyện nhóm nhạc BTS biểu diễn và phát biểu bằng tiếng Hàn tại Liên Hiệp Quốc, được livestream trên toàn thế giới và bày tỏ ước mơ tại sao đó không phải là tiếng Việt! 

Chia sẻ nhiều thông tin, trong đó có trích thống kê một khảo sát của quốc tế rằng Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia có chỉ số văn minh trên mạng thấp nhất thế giới vào năm 2020, ông Thành bày tỏ: "Không gian mạng phải là nơi để quảng bá văn hóa, tư tưởng, niềm tin và sự kính trọng dân tộc chứ không phải nơi thể hiện tiêu cực".

Bí thư Trung ương Đảng - trưởng Ban Tuyên giáo trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng nếu không bản lĩnh, tỉnh táo, người trẻ sẽ dễ bị cuốn vào thông tin tiêu cực, dẫn tới tự diễn biến, tự chuyển hóa. 

Ông Nghĩa đánh giá cao các hoạt động Đoàn đã làm góp phần giáo dục văn hóa cho thanh thiếu nhi và nói không gian mạng đang bị lợi dụng, Đoàn càng phải chú trọng nhiều hơn các hoạt động này, giúp giới trẻ đủ nội lực chống lại cái sai, xấu, không phù hợp giá trị văn hóa dân tộc.

Giới trẻ nhận sứ mệnh

Khá nhiều lời cảnh báo từ các chuyên gia liên quan đến giải pháp cung cấp nội dung như hình ảnh, tin nhắn, gọi điện cho người dùng dựa trên việc tận dụng không gian rộng lớn Internet (viết tắt là OTT). 

Bên cạnh những tiện ích mang lại, OTT cũng chứa đựng nhiều nguy cơ, đó chính là những nội dung xấu độc, khiêu dâm, luận điệu chống phá... nhưng lại không được kiểm duyệt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tư duy của người trẻ khi tiếp cận không gian mạng.

NSƯT Xuân Bắc nói chúng ta có bộ đội biên phòng bảo vệ biên cương lãnh thổ, vậy cũng cần những "biên phòng bảo vệ biên cương văn hóa trên mạng". 

"Chúng tôi đi biểu diễn nhiều nơi, cố gắng sáng tạo để đưa những tác phẩm nghệ thuật đến công chúng nhưng vậy là chưa đủ. Cần quan tâm thật sự đến nhận thức của tuổi trẻ liên quan đến văn hóa. Chúng ta cần nhiều câu chuyện đẹp, tấm gương tốt hơn là ra rả tin nghệ sĩ này cưới, nghệ sĩ kia tát nghệ sĩ nọ trên các trang mạng" - anh Xuân Bắc nêu suy nghĩ.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy ban Văn hóa, giáo dục Quốc hội) nói cần hình thành bản lĩnh cho thanh niên vì khi đó họ sẽ đủ sức sáng tạo sản phẩm văn hóa, lan tỏa đến cộng đồng. 

GS.TS Từ Thị Loan kỳ vọng sẽ có nhiều trang thông tin tích cực, khích lệ văn nghệ sĩ, nhất là văn nghệ sĩ trẻ công bố các sản phẩm, ấn phẩm văn hóa sáng tạo, tích cực trên không gian mạng, thích hợp nhu cầu giới trẻ, lấy thông tin tốt đối lập thông tin xấu.

Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nói hơn 60 tham luận gửi đến hội thảo là chất liệu quý cho Đoàn trước thềm Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. 

Khẳng định thanh niên sẽ luôn nhận lãnh vai trò tiên phong, có sứ mệnh tiếp bước, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, anh Huy nói tổ chức Đoàn, mỗi cán bộ Đoàn có trách nhiệm trong việc giáo dục cái hay, cái đẹp trong thanh thiếu nhi để biết tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa phù hợp, phòng tránh những điều không phù hợp.

"Từ hội thảo này, Đoàn sẽ xây dựng báo cáo, đề xuất với Đảng, Chính phủ một số vấn đề để phát triển văn hóa thời gian tới" - anh Huy cho biết.

Công nghiệp văn hóa

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nói Việt Nam có nguồn tài nguyên di sản văn hóa lớn song chưa chuyển hóa thành công nghiệp văn hóa như một số nước đã làm được, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế.

Theo bà, nước ta đã coi trọng sức mạnh văn hóa, đổi mới thể chế, có khung pháp lý để công nghiệp văn hóa phát triển, đóng góp vào GDP nhưng chưa tương xứng.

Ý kiến này cũng nhận sự đồng tình của nhiều đại biểu. Một số phát biểu mong muốn Đảng, Nhà nước đầu tư hơn, có tầm nhìn xa hơn trong xu thế hội nhập sâu rộng để công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển mạnh mẽ, vươn tầm quốc tế.

"Hãy coi người trẻ là trung tâm, hạt nhân trong sự sáng tạo văn hóa vì các bạn có năng lực sáng tạo dồi dào, lực lượng chính ứng dụng công nghệ và giữ vai trò cầu nối giữa hiện tại và tương lai phát triển văn hóa Việt Nam" - TS Thu Phương phân tích.

Cô gái trẻ gìn giữ văn hóa người Dao Cô gái trẻ gìn giữ văn hóa người Dao

TTO - Hồi tưởng về năm 2018, Mẩy Hạnh kể mỗi khi thấy đoàn xe khách đi qua, khoảng 20-30 người Dao lại ào tới, người bán thổ cẩm, người bán cây thuốc. Có hôm, bà con không bán được gì còn mắng chửi khách.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên