Một vị khách nước ngoài (đội mũ bảo hiểm) chi ra 1,8 triệu đồng để mua khẩu trang tại tiệm thuốc tây trên đường Hai Bà Trưng (Q.3) - Ảnh: BÔNG MAI
Dịch SARS năm 2003 kéo dài ở Trung Quốc suốt 6 tháng, khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm tới 2%, từ 11% xuống còn 9% trong năm diễn ra đại dịch.
Lần này, với đại dịch corona đang ngày càng bùng phát, được dự báo sẽ khiến cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm, chỉ còn ở mức 4 - 4,5%.
Việt Nam là nước có độ mở kinh tế lớn, lại nằm ngay cạnh Trung Quốc, có quan hệ thương mại sâu rộng với nước này, nên những ảnh hưởng và tác động của đại dịch đến nền kinh tế sẽ không nhỏ. Những ngày đầu năm vừa qua, hàng hóa nông sản của bà con nông dân đã bị kẹt lại tại cửa khẩu và không thể xuất hàng, do Trung Quốc tạm đóng cửa hai cửa khẩu.
Dù chưa có đánh giá cụ thể thiệt hại bao nhiêu, nhưng nếu thời gian dịch bệnh kéo dài và lan rộng, không chỉ là những ảnh hưởng trực tiếp từ quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, mà kinh tế Việt Nam còn chịu ảnh hưởng lớn từ kinh tế toàn cầu.
Việc cần chủ động hơn trong việc tìm thị trường thay thế, tận dụng hiệu quả các thị trường tiềm năng, khai thác tốt các FTA vừa ký kết, sẽ là "cửa ra" cần thiết cho Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng đại dịch.
Về lâu dài, việc nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có thế mạnh như hàng nông sản, để tái cơ cấu ngành sản xuất là cần thiết nhằm giúp hàng Việt Nam tránh phụ thuộc vào một thị trường Trung Quốc.
Quan điểm "chấp nhận thiệt hại về kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân" của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là phù hợp và đúng đắn trong bối cảnh hiện nay. Trong cơn đại dịch, thiệt hại là không thể tránh được, nhưng làm sao để hạn chế tối đa tác động tiêu cực, vượt qua đại dịch thành công.
Muốn vậy, Việt Nam cần làm tốt hơn những việc đang làm trong phòng chống dịch bệnh, kiên quyết chống dịch như chống giặc, để không xảy ra tình trạng bùng phát dịch bệnh.
Chính phủ đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch; Bộ Y tế thành lập các đội phản ứng nhanh, bệnh viện dã chiến, chuẩn bị đầy đủ thuốc men, vật lực, con người để ứng phó tốt nhất với tình huống xấu.
Ngành công thương cũng thành lập tổ công tác đánh giá tác động dịch bệnh tới nền kinh tế để có biện pháp ứng phó. Ngành công an, lao động cũng đang quản lý, kiểm soát chặt chẽ những người Trung Quốc và Việt Nam đi lại qua vùng dịch để tránh lây lan. Có thể thấy cả hệ thống chính trị đang vào cuộc mạnh mẽ để phòng chống, kiểm soát dịch bệnh.
Việc tạm dừng các lễ hội, tránh tụ tập đông người như chỉ thị của Thủ tướng vừa đưa ra chiều 31-1 cũng là điều cần thiết. Đồng thời, chấp nhận hi sinh kinh tế, thực hiện công khai minh bạch thông tin, để xây dựng hình ảnh một Việt Nam chủ động, kiểm soát tốt phòng chống dịch bệnh.
Hi vọng giữa tâm bão đại dịch corona, Chính phủ quyết tâm chủ động, linh hoạt ứng phó, người dân bình tĩnh, cẩn thận phòng ngừa theo khuyến cáo, tránh hoang mang, Việt Nam sẽ sớm kiểm soát được dịch bệnh này.
Với những nỗ lực xây dựng hình ảnh như vậy, Việt Nam mới trở thành nền kinh tế hấp dẫn, điểm đến hấp dẫn, an toàn và đáng tin cậy với nhà đầu tư, khách hàng và bạn bè quốc tế.
22 đường dây nóng tiếp nhận thông tin, tư vấn phòng chống corona - Đồ họa: N.THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận