Cận vệ Canada chạy theo bảo vệ Thủ tướng Justin Trudeau khi ông chạy bộ ở bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tối 9-11 - Ảnh: HỮU KHOA
Ngay trước khi ông nhậm chức thủ tướng cách đây hai năm (ngày 4-11-2015), nhà báo nữ Marie-Ève Dumont đã viết bài trên báo Le Journal de Montréal cho rằng tân thủ tướng trẻ tuổi này sẽ làm khó các cận vệ vì lý do ông thích gần gũi đám đông.
Thủ tướng Trudeau đã tạo ảnh hưởng mới trong phương thức điều hành đất nước. Ông ấy mong muốn đến với mọi người và được người dân đón nhận
Chuyên gia truyền thông VICTOR HENRIQUEZ
Cực thân cho đội cận vệ
Khác với người tiền nhiệm Stephen Harper, Thủ tướng Justin Trudeau có thể bất chợt dừng lại trên đường trò chuyện với sinh viên hay công nhân, khiến đội cận vệ phải bở hơi tai. Họ phải quan sát xem có gì bất thường trong đám đông. Sáng 20-10-2015, ngay sau khi biết tin chiến thắng trong bầu cử, ông Trudeau đã ra trạm xe điện ngầm Jarry ở Montréal để cảm ơn cử tri. Một tháng sau, vào ngày 19-11-2015, vừa rời khỏi cuộc họp báo sau Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila (Philippines), ông Trudeau đã trở thành tâm điểm cho các nhà báo và nhân viên hội nghị.
Họ gọi tên ông và vây quanh ông chụp ảnh. Số người ái mộ từ vài chục tăng lên hàng trăm. Ông mỉm cười, bắt tay một số người. Một cô gái hét lên: "Ông ấy nắm tay tôi". Một cô gái khác chen lấn đến mức muốn ngã. Đến khi ông bắt đầu lộ vẻ căng thẳng, đội cận vệ đã cố gắng kéo ông khỏi đám đông rồi rời trung tâm hội nghị lên xe. Sĩ quan an ninh Rico Mojica trong lúc cản đám đông cũng ráng nhờ một người bạn quay phim với thủ tướng. Anh nói: "Mọi việc ngoài tầm kiểm soát, nhưng chúng tôi đã lường trước bởi ông ấy là một trong những đại biểu đẹp trai nhất". Nhà báo nữ Katherine Imson (người Philippines) thỏ thẻ: "Ông ấy rất dễ thương và còn thông minh nữa".
Cựu cảnh sát từng bảo vệ thủ tướng René Lévesque (nhiệm kỳ 1976-1985) Luc Hébert nhận xét: "Ông ấy còn trẻ, có nhân cách tốt và quan hệ gần gũi với mọi người. Khi ông ấy ra ngoài, công tác an ninh phải được tổ chức theo tình huống". Đây có lẽ là "truyền thống" của gia đình Trudeau. Ông Pierre Trudeau, thân phụ ông, đã hai lần giữ chức thủ tướng, cũng hay lẻn qua cửa sau ra ngoài để tránh đội cận vệ.
Phân đội bảo vệ thủ tướng
Trực tiếp bảo vệ Thủ tướng Justin Trudeau và gia đình trong quá trình di chuyển trong và ngoài nước là phân đội bảo vệ thủ tướng. Quân số của phân đội là điều bí mật. Đài phát thanh Canada chỉ có số liệu về phân đội này năm 2012 là 117 người.
Phân đội được thành lập trong thập niên 1970, hoạt động độc lập trong Hiến binh hoàng gia Canada (trực thuộc Bộ An ninh công cộng). Hiến binh hoàng gia phụ trách đánh giá các nguy cơ và nhân sự cần thiết trong công tác bảo vệ thủ tướng, đồng thời triển khai các biện pháp an ninh dựa theo tin tình báo.
Nhắc lại vụ tấn công tòa nhà Quốc hội Canada ngày 22-10-2014 của hung thủ Michael Zehaf-Bibeau, cựu cận vệ Marc Parent từng bảo vệ ba đời thủ tướng Canada cho rằng khi xuất hiện mối đe dọa như thế, đội cận vệ phải có trách nhiệm bảo vệ thủ tướng trước tiên. Một khi đã đưa thủ tướng đến nơi an toàn, họ phải nhận diện mối đe dọa và xác định biện pháp tránh xa mối đe dọa đó. Các biện pháp bảo vệ có lúc công khai và cũng có lúc bí mật.
Hai cựu sĩ quan Maurice Bezombes và Mario Berniqué giải thích mỗi ngày, phân đội bảo vệ thủ tướng đều phải đánh giá công tác bảo vệ và sẽ thay đổi mức độ bảo vệ tùy thuộc tình hình chính trị và xã hội, hoặc sau khi chính phủ đưa ra thông báo gây bất bình dư luận.
Thủ tướng là người quyết định
Mỗi khi thủ tướng di chuyển, phân đội bảo vệ phải đưa thiết bị đến địa điểm trước để rà soát và bảo vệ an ninh. Trong một số sự kiện, Hiến binh hoàng gia phải điều động chó ngửi chất nổ. Trong chuyến công du nước ngoài của thủ tướng, phân đội bảo vệ cử người tháp tùng. Khi cần, máy bay vận tải sẽ chở ôtô bọc thép đi theo thủ tướng. Hiến binh hoàng gia Canada sẽ tiếp xúc với nước sở tại để chốt phương án bảo vệ, sau đó nêu các phương án bảo vệ cho thủ tướng biết, đồng thời đề nghị cách thức và phương tiện di chuyển.
Các chuyên gia an ninh Canada khẳng định cuối cùng chính thủ tướng là người quyết định về an ninh. Thông thường, các nhà lãnh đạo không thích có quá nhiều cảnh sát lộ diện, vì điều này tạo cảm giác rằng chính phủ lo sợ.
Thủ tướng Justin Trudeau thích gần gũi người dân, nhưng đây cũng là yếu tố làm gia tăng chi phí bảo vệ. Hiến binh hoàng gia đã công bố chi phí bảo vệ thủ tướng và gia đình theo Luật tiếp cận thông tin. Chi phí gồm 50% trả lương cho hiến binh, 50% còn lại chi làm thêm giờ và các chi phí khác. Các khoản chi phí khác gồm đi lại, huấn luyện và trang bị cho phân đội bảo vệ và các dịch vụ làm theo hợp đồng.
Năm nay, chi phí bảo vệ thủ tướng Canada tốn hơn 28 triệu đôla Canada (19 triệu euro), so ra vẫn ít hơn 80 triệu USD chi bảo vệ Tổng thống Donald Trump và gia đình, song tăng gấp đôi so với nhiệm kỳ trước. Mối quan tâm đặc biệt hiện nay là nguy cơ sử dụng máy bay không người lái ám sát nguyên thủ. Hiến binh hoàng gia Canada phải chi tiền lập dự án thí điểm ngăn chặn máy bay không người lái trong công tác bảo vệ thủ tướng.
Xe BMW-7 series bọc thép bảo vệ Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull trong các chuyến công du - Ảnh: VĂN PHÒNG THỦ TƯỚNG
Xe bọc thép bảo vệ thủ tướng Úc
Tại Úc, đội xe limousine phục vụ Thủ tướng Malcolm Turnbull là loại xe BMW-7 series do Đức sản xuất. Trị giá mỗi chiếc khoảng 6,3 triệu đôla Úc. Xe thủ tướng mang biển số C1 đã được cải tiến để tăng cường chức năng bảo vệ. Cửa, kính và sàn được bọc thép. Trong trường hợp xe bị hư hại vì bom, bình xăng vẫn không hề hấn gì.
Cơ quan Comcar trực thuộc Bộ Tài chính Úc chuyên cung cấp xe cho thủ tướng, toàn quyền, nghị sĩ, thẩm phán và khách mời quốc tế của chính phủ. Comcar quản lý xe, nhưng tài xế lại là người của cảnh sát liên bang. Thông thường, xe sẽ được vận chuyển theo thủ tướng Úc đến nơi ông công du. Máy bay đưa thủ tướng công du là phi đội 34 Không lực hoàng gia với hai máy bay Boeing Business Jets 737 và ba máy bay Bombardier Challenger 604s.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận