Ảnh: NỮ LÂM
Trong tác phẩm được bảo chứng bằng giải Pulitzer 2019 này, nhà văn Richard Powers không giấu tham vọng kiến tạo một câu chuyện lớn đòi hỏi sự bao quát lẫn chi tiết với chín tuyến truyện và nhân vật chính.
Chín cuộc đời, chín số phận xa lạ gắn kết nhau bằng những mối liên hệ tinh thần với cây cối. Đó là một dòng họ từ thế hệ này sang thế hệ khác thay nhau chụp ảnh một cái cây như thứ nghi lễ truyền đời.
Thiên tài máy tính, nhà sinh vật học lập dị hay những người nhập cư gốc Á…, như thiên định, cuộc đời họ gắn liền với cây cối, thực vật nơi họ cảm nhận mình như một cá thể trong cái vĩ đại của mẹ thiên nhiên.
Tiểu thuyết được cấu trúc như một cái cây, được che chở bởi mái "vòm" vĩ đại của sắc xanh vĩnh cửu với các phần được ghi rõ: "Gốc rễ", "Thân", "Ngọn" và "Những hạt giống".
Ở đó, bi kịch con người gắn với bi kịch thiên nhiên khi nhân loại mất đi tình yêu và lòng sùng kính với rừng, cũng như mất đi điểm tựa niềm tin vào lẽ sống.
Ở đó là một lịch sử tự nhiên bị văn minh con người hủy hoại, là cuộc đấu tranh (đến cực đoan) phải trả giá bằng sinh mệnh con người để bảo vệ sinh mệnh thiên nhiên.
Cho nên không ngạc nhiên, khi từ lúc mới ra đời, tiểu thuyết đã gây chia rẽ trong giới phê bình. Có người nói Richard Powers đã phóng đại và cố tình bi kịch hóa vấn đề, cũng có ý kiến cho rằng tiểu thuyết như một bài tập thiền chữa lành những thương tổn.
Nhưng dù khen hay chê, không ai phủ nhận được sức mạnh mà câu chuyện của nó gợi lên cùng với lời cảnh báo gửi đến nhân loại thời hiện đại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận