TTCT - Jonathan C. Eames đã dành một phần lớn đời mình để quản lý và huy động nguồn lực cho thiên đường bảo tồn động vật của anh ở đông bắc Campuchia. Nội đi được tới đó thôi đã là cả một cuộc thám hiểm. Đại tiệc kền kền. Ảnh: N. Cornet Sáng sớm ở Phnom Penh, trên cầu tàu Sisowath, Jonathan Eames mua vội ít bánh mì ngọt và cà phê mang đi từ một hiệu bánh Pháp xuất sắc. Không có thời gian để ăn uống thong thả. Anh sẽ phải lái xe tám tiếng đi Siem Pang, cùng tôi và anh Meng, doanh nhân khởi nghiệp tài tình và thành công người Campuchia. Jonathan sẽ giới thiệu "Khu bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ rừng Siem Pang" với Meng để mời anh tham gia dự án.Đường mòn vào rừngTrên quốc lộ số 11, chiếc xe bán tải màu xám xanh đang hướng về phía bắc. Nhờ Trung Quốc hỗ trợ, tuyến đường nhựa đã được mở bám theo dòng Mekong về hướng Kampong Cham, qua vùng đồn điền cao su đã nhiều thế kỷ cắt xẻ như ô bàn cờ của tỉnh Kratie, dòng sông mẹ lúc ẩn lúc hiện. Thời gian nghỉ ăn trưa ở Kratie cũng là cơ hội để thảo luận chi tiết dự án của Jonathan.Doanh nhân Meng rất quan tâm tới môi trường và những dự án giúp đất nước Campuchia của anh có thể phát triển bền vững. Khả năng lại được nhìn thấy cọp sống trong tự nhiên làm anh rất phấn khích. Còn Jonathan là dân gốc Leicester, Anh quốc. Anh học ngành nghiên cứu phát triển ở Đại học East Anglia và đã lang thang ở châu Á từ những năm 1990. Lúc đầu sống ở Hà Nội, anh đã thành lập chương trình Đời sống chim quốc tế cho Campuchia, Myanmar và Việt Nam trước khi chuyển sang Phnom Penh. Hiện anh hoạt động ở Campuchia qua Công ty Rising Phoenix, mở theo quy định luật pháp nước sở tại.Chủ tịch Rising Phoenix là doanh nhân khởi nghiệp người Anh khá tên tuổi ở Việt Nam Dominic Scriven. Nói tiếng Việt lưu loát và là nhà sáng lập kiêm đồng chủ tịch Dragon Capital, Dominic cũng rất quan tâm tới công tác bảo tồn và đặc biệt hứng thú tìm hiểu những hoạt động bảo vệ lâu dài với thiên nhiên hoang dã.Rời Phnom Penh, Jonathan lại lên đường tới Stung Treng ở đông bắc Campuchia, vùng vẫn còn bầu không khí "Viễn Tây hoang dã" của đất nước này. Đây là khu vực biên giới Lào - Campuchia. Người Trung Quốc cũng xuất hiện ngày càng nhiều, gom mua đất đai và dựng nên hàng rào. Xa hơn về phía đông, các công ty Việt Nam khai thác rừng và trồng cao su.10 năm qua, Jonathan đã đeo đuổi chương trình đầy tham vọng nhằm bảo vệ và phát triển Khu bảo tồn hoang dã Siem Pang: 135.000ha rừng khô cây lá rộng và cây xanh quanh năm, với hệ động thực vật phong phú gồm nhiều loài được phân loại "bị đe dọa nghiêm trọng" theo Tổ chức Sách đỏ quốc tế (IUCN).Dải rừng màu lục bảoSau khi vượt sông Sekong, ngay trước khi tới biên giới Lào, anh rẽ vào con đường mòn nhằm hướng đông bắc. Mấy căn nhà sàn gỗ khiêm nhường thỉnh thoảng hiện ra bên những cánh đồng lúa. Xa xa, giữa những chân rạ và đường chân trời, dải rừng màu lục bảo hiện ra, vạt rừng dày đặc, vươn cao mãi lên đến bầu trời.Con dù dì hung (phải) và Jonathan Eames. Ảnh: Nicolas CornetSiem Pang có hai diện mạo: vào mùa mưa, những trận mưa như trút cuốn trôi nhiều đoạn đường đất, biến lối vào rừng thành một vũng bùn. Trong khi mùa khô nắng cháy da thịt, đất đai nứt nẻ, đường sá bụi mù. Ở ven rừng, khu trại của Rising Phoenix hiện ra giữa những tán cây dầu. Khu lán trại vừa đậm vẻ tương lai vừa giống một cứ địa miền biên viễn, có lắp tấm pin mặt trời, hai căn nhà gỗ và bốn túp lều rộng rãi bố trí dạng nhà sàn, có những lối đi bằng gỗ qua lại giữa các thân cây.Jonathan nhảy ra khỏi xe, vừa chào vừa bắt tay hai người bảo vệ ở khu lán trại. Chưa kịp dỡ hành lý, anh đã đi về phía khu chuồng chim. Trong chiếc lồng khổng lồ, mở hờ là một con dù dì hung, cặp mắt lóe ánh vàng - nó được nuôi ở đây lúc còn nhỏ xíu. Buổi tối nó bay đi săn mồi, nhưng lúc này đang ở trại, nó đã quen mặt Jonathan.Hoàng hôn buông xuống vào khoảng 6h chiều. Trong lúc ăn vội bữa tối, Mem Mai, một trong 110 nhân viên của Rising Phoenix - báo cáo nhanh cập nhật tình hình khu bảo tồn. Từng là thợ săn và hiện vẫn làm nông ở đây, anh đã làm cho khu bảo tồn được 20 năm. Tiếng Anh của anh bập bõm nhưng anh lại biết tên tiếng Anh của mọi loài vật và chim trong rừng.Anh có thể cho Jonathan hay gần đây đã thấy những con vật nào, địa điểm và tình trạng của chúng, cũng như tình trạng các ao nước tự nhiên trong rừng, còn nước hay không, điều tối quan trọng với công tác bảo tồn vào mùa khô. Anh cũng kể lại nếu gặp thợ săn hay người lấy gỗ bất hợp pháp. Hai ngày trước, một tay săn trộm bị một con gấu xé rách nửa mặt khi đang tìm cách bắt con của nó. Lúc con dù dì cất cánh đi săn, chúng tôi cũng dập lửa vội vàng, mai sẽ là một ngày bận rộn.Trong rừng, đêm ồn ã hơn ngày. Bản giao hưởng rừng làm lộ ra những tầng lớp sự sống hiện diện nơi đấy. Từ lều, ta có thể nghe thấy giai điệu không ngừng nghỉ như một dàn nhạc khổng lồ đang đồng loạt tinh chỉnh nhạc cụ. Ve sầu và dế đang độc quyền sân khấu, rồi bầy ếch đột ngột tham gia. Xa xa, chim ăn đêm đánh dấu lãnh thổ bằng những tiếng kêu trầm đục, thỉnh thoảng tiếng "sủa" rụt rè của một con mang Ấn Độ lan đi trong màn đêm.Trong Vườn Địa đàng5h sáng ngoài hiên nhà, Mem Mai đang lật qua một cuốn danh mục các loài chim. Jonathan pha cà phê Ý, Meng xuất hiện, ngáp dài. Sau một ly espresso, mọi người lại nhảy lên chiếc xe bán tải. Mục tiêu ngày hôm nay là khảo sát bầy nai cà tông và chuẩn bị cho "tiệc kền kền" ngày hôm sau: mang xác động vật chết bỏ vào rừng để tạo thêm nguồn thực phẩm cho thú.Sếu Sarus. Ảnh: Jonathan EamesCò quăm săn mồi bên bờ nước. Ảnh: Jonathan EamesChiếc xe bán tải lừ lừ đi qua lối mòn bụi bặm, ngoằn ngoèo giữa những thân cây, băng ngang các lòng rạch khô cạn rồi dừng lại ở một bãi cỏ tím ngắt hoa cây nắp ấm. Mem Mai, bằng cặp mắt thợ săn tinh tường, nhanh chóng nhận ra ba con nai cái đang ăn cỏ ở mảng rừng bên cạnh. Đang là đỉnh mùa khô, mùa bắt cặp của nai cà tông, cũng là mùa những người bảo tồn có thể đánh giá tương đối chính xác số lượng cá thể.Nai cà tông ở SPC. Ảnh: N. CornetRồi chiếc xe đi tiếp, dừng lại cạnh một ao nước. Nơi đó, chúng tôi thấy những con chim khổng lồ săn ếch và lươn ở rìa nước: một cặp cò quăm với bộ lông xám lấp lánh, rồi thêm ba con cò quăm lông trắng nữa. Trên đường đi Veal Kriel, tức cánh đồng sếu, Mem Mai nhìn thấy một con sếu sarus, bộ lông xám điệu đà, cái mào đỏ kiêu hãnh, nhô lên từ vùng cỏ lau vàng ươm. Nó có vẻ cô đơn và u sầu, một mùa kết đôi vắng bạn.Tiếp tục hành trình, Jonathan nhìn thấy một người đàn ông đi xe máy vây quanh là bầy chó. Một cuộc rượt đuổi bắt đầu. Sau vài phút, người đàn ông buộc phải dừng xe. Mem Mai thông báo khu đất này cấm săn bắn và yêu cầu người đàn ông giải thích tại sao lại có lũ chó đi theo. Người đàn ông nói ông sống ở một làng khác gần đây. Cuộc nói chuyện trở nên căng thẳng. Jonathan đầy ngờ vực, cao giọng khi người đàn ông giả vờ không biết là không được mang chó vào khu bảo tồn, việc thường thấy ở những kẻ săn trộm sống quanh vùng này. Với những con vật sống trong tự nhiên, một cuộc rượt đuổi kiệt sức với bầy chó nhà thường đồng nghĩa án tử hình, và càng là như thế vào mùa khô, khi thức ăn và nước uống khan hiếm. Sau lời cảnh cáo cuối cùng, Jonathan leo lại lên xe: "Tôi ghét chó, tôi ghét con người!".Tiệc kền kềnSau giấc ngủ trưa, chúng tôi lên đường đi mở tiệc kền kền. Một miếng da lớn đã được căng ra trên một khoảng đất trống. Xác một con bò chết trương phềnh trên đó đã hai ngày. Bầy kền kền rú rít trên không trung. Rising Phoenix tổ chức những bữa tiệc kền kền này mỗi tuần, là cách tốt nhất để họ giám sát số lượng cá thể và tình trạng của loài này. Đây cũng là dịp tốt để cung cấp thêm thức ăn cho chúng, bởi xác động vật hoang dã ngày càng hiếm hoi vì hoạt động săn bắt của con người.Một góc SPC vào mùa khô. Ảnh: N. CornetVũ điệu kền kền diễn ra bên bữa đại tiệc chính xác như được mã hóa. Cuộc tấn công đầu tiên là của đám kền kền mỏ nhỏ và kền kền Bengal. Nhờ những chiếc cổ dài, chúng luồn sâu vào xác con bò và rứt những phần nội tạng mềm ra trước. Jonathan thản nhiên quay sang Meng, lúc này đang bịt kín mũi miệng bằng chiếc khăn rằn Campuchia krama bởi thứ mùi hôi thối nồng nặc xộc lên từ bữa đại yến: "May cho chúng là khứu giác chúng rất kém phát triển".Tham gia bữa tiệc sau cùng là đám kền kền đầu đỏ. Món khoái khẩu của chúng là xương và sụn động vật chết. Chúng bu kín phần tai, mũi, lưỡi, mắt, và cổ họng của xác con bò. Sau khi đã no nê, đám kền kền tụ tập lại thành từng bầy trên những cây cao xung quanh, lặng lẽ đợi bộ máy tiêu hóa phi thường của chúng làm việc.Trở lại trại, chúng tôi mở toang mọi cửa sổ. Sau khi tắm rửa, lúc 5h30 chiều, tới lượt nghi thức của con người, cụ thể là của dân Anh sống ở vùng nhiệt đới: rượu gin và tonic pha đá, mua trong làng. Mem Mai và Hour Pok - người phụ trách hậu cần ở trại - họp với Jonathan. Họ nói đủ thứ chuyện: kiểm lâm của khu bảo tồn sắp cán mốc 200 chiếc cưa máy tịch thu được của những người khai thác gỗ lậu, kế hoạch đưa bò banteng trở lại khu bảo tồn, những nơi cần làm hàng rào để ngăn bọn săn trộm, kết quả chương trình Ibis Rice và 1.100 gia đình được hưởng lợi từ đó. Điện thoại của Pok có rất nhiều ảnh chuyến đi gần đây của họ tới Malawi. Jonathan, qua Công ty Rising Phoenix, đã mời họ và hai quan chức của tỉnh Stung Treng và Bộ Môi trường Campuchia tham quan Khu bảo tồn linh dương Majete. Họ trở về với lòng hăm hở xây dựng một khu bảo tồn như vậy ở Campuchia.Nếu bò banteng trở lại, các giống hươu nai được bảo vệ tốt và bò tót được bổ sung thêm thì khả năng đưa hổ trở lại môi trường tự nhiên ở Siem Pang là một tương lai mê hoặc với Jonathan và người của anh. Từng chút một, sau mười năm, giấc mơ khôi phục thiên đường đã mất không còn là ảo vọng. Một chương trình đưa cá sấu Xiêm trở lại đang được triển khai. Jonathan mới đây đã đi coi hổ ở Công viên quốc gia Kaziranga, Ấn Độ. Giấc mơ của anh là một ngày nào đó, chúng sẽ lại săn mồi ở Campuchia. ■ Khu bảo tồn Siem Pang (SPC) có thỏa thuận 15 năm với chính quyền Campuchia. Nhiệm vụ bảo tồn thuộc về Công ty Rising Phoenix. Còn chương trình The Siem Pang Experience do Meng Hieng phụ trách sẽ xây dựng phần du lịch sinh thái cao cấp. SPC muốn đảm bảo một tương lai bền vững cho khu bảo tồn bằng cách biến nó thành một tài sản kinh tế quan trọng, và tạo công ăn việc làm qua du lịch sinh thái, trong khi vẫn bảo tồn và khôi phục đa dạng sinh học. Lấy ví dụ, năm 2022, Rising Phoenix đã thả 19 con cá sấu xiêm vào vùng đất ngập nước của khu bảo tồn, bước đầu tiên trong kế hoạch dài hạn đưa loài này trở lại với hệ sinh thái ngập nước của cả vùng. Tags: Bảo vệ rừngVườn địa đàngBảo tồn động vậtKhu bảo tồn thiên nhiênPhát triển bền vữngNghiên cứu phát triểnThiên nhiên hoang dãBảo tồn thiên nhiênĐộng thực vậtĐộng vật hoang dãVùng nhiệt đớiMôi trường tự nhiênDu lịch sinh tháiĐa dạng sinh họcCampuchiaKhu bảo tồnXác động vậtCông viên quốc giaHệ sinh thái
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Bài ca không quên lần đầu tiên biểu diễn ngoài trời, đường đi bộ Nguyễn Huệ rực cờ hoa HOÀI PHƯƠNG 22/12/2024 Nhiều ca sĩ như Cẩm Vân, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng, Phan Mạnh Quỳnh... góp giọng trong chương trình nghệ thuật đặc biệt Bài ca không quên nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mừng Giáng sinh tưng bừng, trung tâm TP.HCM đông nghịt người đến khuya NHẬT XUÂN 22/12/2024 Trong không khí se lạnh, nhiều người dân TP.HCM tranh thủ cuối tuần để tận hưởng không khí Giáng sinh tại các điểm vui chơi khu vực trung tâm thành phố.
Bournemouth nhấn chìm Man United ngay tại Old Trafford HOÀI DƯ 22/12/2024 Khuya 22-12, Man United tiếp tục chuỗi trận bất ổn khi để thua đậm Bournemouth 0-3 ngay trên sân nhà ở vòng 17 Giải ngoại hạng Anh (Premier League).
Huế, Hà Nội lọt top 50 thành phố ẩm thực năm 2024 của TasteAtlas, TP.HCM 'rớt' đáng tiếc TÔ CƯỜNG 22/12/2024 Chuyên trang ẩm thực TasteAtlas vừa chốt danh sách 50 thành phố ẩm thực đáng trải nghiệm nhất thế giới, Việt Nam có đến hai địa danh lọt vào top.