Nhiều cán bộ bảo vệ rừng tại Lâm trường Khe Giữa hiện tại phải “ôm” thêm một diện tích rừng rất lớn - Ảnh: QUỐC NAM
Từ đó, lực lượng bảo vệ hơn mấy chục ngàn hecta rừng tự nhiên còn lại ở vùng này vốn đã mỏng nay càng mong manh hơn. Và không chỉ ở Quảng Bình, những địa phương khác cũng đang đối mặt với tình trạng trên.
Theo nhau bỏ rừng
Lâm trường Khe Giữa và Lâm trường Trường Sơn (cùng thuộc Công ty TNHH MTV lâm công nghiệp Long Đại) là hai đơn vị đang bảo vệ vùng rừng tự nhiên rộng lớn ở phía tây tỉnh Quảng Bình. Diện tích bảo vệ mà hai đơn vị này được giao hơn 50.000ha. Nhưng cũng chính hai đơn vị này là nơi có số cán bộ bảo vệ rừng bỏ việc nhiều nhất.
Ông Ngô Hữu Thành, giám đốc Lâm trường Khe Giữa, cho biết diện tích rừng tự nhiên đơn vị đang quản lý là 24.000ha và cuối năm 2018 còn 33 cán bộ bảo vệ rừng. Nhưng mới chỉ nửa năm nay đã có 6 cán bộ giữ rừng xin nghỉ việc, 1 người nghỉ hưu.
Ông Thành nói khi nhận được đơn xin nghỉ, ban giám đốc lâm trường đều mời những cán bộ giữ rừng này đến để thuyết phục ở lại, nhưng tất cả đều lắc đầu. Họ không còn muốn gắn bó với rừng nữa.
Việc đồng loạt cán bộ giữ rừng "bỏ rừng" đã tạo áp lực cho những cán bộ còn lại, vì hiện mỗi người phải phụ trách, trông coi đến gần 1.000ha rừng.
Tương tự, Lâm trường Trường Sơn cách đó mấy chục cây số đường chim bay cũng rơi vào tình trạng như trên. Lâm trường này được giao bảo vệ đến gần 32.000ha rừng, nhưng hiện chỉ còn 27 người là cán bộ bảo vệ rừng. Bình quân mỗi người phụ trách đến gần 1.200ha.
Ông Châu Ngọc Dương, giám đốc lâm trường này, cho biết tới cuối năm 2018 có 6 cán bộ bảo vệ rừng bỏ việc. "Với lâm trường có chức năng bảo vệ rừng tự nhiên với diện tích lớn như thế này thì một người bỏ sẽ để lại một khoảng trống rất lớn. Việc bảo vệ được rừng sẽ càng khó khăn hơn trước sự nhăm nhe thường trực của lâm tặc" - ông Dương nói.
"Không bỏ mới lạ"
Phản ảnh với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tri Phương, tổ trưởng tổ cơ động thuộc Lâm trường Khe Giữa, nói thời gian qua, việc chi trả tiền lương cho cán bộ bảo vệ rừng vừa thấp vừa rất chậm trễ. Việc này khiến nhiều cán bộ bảo vệ rừng không đảm bảo được cuộc sống, nên quyết định bỏ việc đi tìm việc khác.
Nhiều cán bộ bảo vệ rừng khác ở Lâm trường Trường Sơn cũng cho biết họ không thể tiếp tục công việc vì không thể nuôi sống bản thân và gia đình. Theo những cán bộ này, ở Lâm trường Trường Sơn thậm chí có giai đoạn suốt sáu tháng liền từ tháng 10-2018 đến tháng 3-2019 cán bộ bảo vệ rừng không được nhận một đồng tiền lương nào.
"Làm việc với khối lượng và áp lực vô cùng lớn, nhưng lương đến cả sáu tháng không có đồng nào để nuôi vợ nuôi con thì không bỏ mới lạ" - ông H., cán bộ bảo vệ rừng, nói.
Ông Châu Ngọc Dương xác nhận có sự việc nợ lương liên tục sáu tháng và giải thích do cấp trên chi tiền nhỏ giọt. Tương tự, ông Ngô Hữu Thành cho biết Lâm trường Khe Giữa cũng trong tình trạng được chi trả nhỏ giọt tiền hỗ trợ bảo vệ rừng.
"Đầu năm rồi, cán bộ bỏ rừng nhiều quá, lãnh đạo lâm trường phải buộc lòng đi vay tiền riêng của một số cá nhân về để tạm ứng lương cho cán bộ bảo vệ rừng. Nếu không thì con số bỏ việc không dừng lại" - ông Thành nói.
Ông Phan Văn Khoa, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Quảng Bình, nói sở cũng đề xuất tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính có đề xuất cụ thể với Bộ Tài chính về việc đảm bảo chi trả hỗ trợ người giữ rừng, nhưng hơn nửa năm trôi qua vẫn chưa có biến chuyển.
Bộ Tài chính chưa chi trả "lương" năm 2018
Ông Châu Ngọc Dương cho biết việc công nhân giữ rừng bị nợ lương nằm ở nguồn tiền hỗ trợ bảo vệ rừng theo quyết định của Chính phủ. Nguồn tiền này do Bộ Tài chính làm chủ chi. Toàn bộ khoản tiền chi cho việc trả lương của cán bộ bảo vệ rừng đều được trích từ nguồn này. Nhưng thực tế đến thời điểm hiện tại, Bộ Tài chính mới thực hiện chi trả được 70% tổng số chi phí hỗ trợ bảo vệ rừng năm 2018 theo quy định của Chính phủ.
"Vừa rồi có thêm 60% trong tổng số chi phí hỗ trợ bảo vệ rừng năm 2019. Chúng tôi phải linh động cắt trong số này ra 30% để trả cho số tiền còn thiếu, nợ lương cán bộ từ năm 2018. Nếu sắp tới số tiền còn lại của năm 2019 không được Bộ Tài chính thanh toán kịp thời thì chắc chắn việc nợ lương dài kỳ sẽ tiếp tục. Và sẽ không ai đảm bảo được việc cán bộ bảo vệ rừng không tiếp tục bỏ rừng. Và đây là việc mà giám đốc các lâm trường khu vực khác cũng đang phải đối mặt" - ông Dương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận