Trong 80.000-100.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hằng năm, có khoảng 30% là nữ.
Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài thường làm các ngành nghề như giúp việc gia đình, chăm sóc người già, công nhân điện tử, công nhân may, hộ lý, điều dưỡng…
Tuy nhiên, có một thực tế là lao động nữ vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi đi làm việc ở nước ngoài. Nữ lao động rất ít có cơ hội để tiếp cận được với những thông tin tuyên truyền chính thức về xuất khẩu lao động, nếu ai thiếu kỹ năng sống sẽ dễ dàng bị lừa gạt. Ngoài ra, khi hoàn thành hợp đồng làm việc ở nước ngoài trở về quê hương, họ không biết phải tìm công việc gì để ổn định, có cuộc sống ổn định.
Một trong những nguyên nhân khiến cho lao động nữ không được bảo vệ đầy đủ quyền lợi là do công tác quản lý thiếu chặt chẽ, không nắm được đầy đủ thông tin của lao động thường xuyên, không thực hiện các chế độ báo cáo thông tin một cách nghiêm túc. Không chỉ vậy, dù pháp luật hiện hành quy định về hợp đồng liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài khá đầy đủ, song vẫn chưa thể hiện được nguyên tắc bình đẳng giới.
Vì vậy, việc thực hiện nghiên cứu rà soát Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng dưới góc độ bình đẳng giới được xem là một trong những hoạt động quan trọng nhằm tạo công cụ pháp lý hoàn thiện hơn để bảo vệ tốt hơn lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã cùng thảo luận, đề xuất bổ sung nhiều chính sách bảo vệ lao động nữ.
Cụ thể, cần quy định rõ vai trò các cơ quan chức năng của Nhà nước trong bảo đảm quyền tiếp cận thông tin liên quan đến quá trình đi làm việc ở nước ngoài của người lao động, đặc biệt của lao động nữ.
Quy định rõ hơn trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, bao gồm cả ban quản lý lao động trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc.
Chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động cần đặc biệt chú trọng phổ biến cách thức phản ánh tình trạng quyền và lợi ích của người lao động khi bị vi phạm và quy trình bảo vệ họ.
Xem xét tăng thêm số lượng các ban quản lý lao động tại các nước tiếp nhận lao động Việt Nam, cũng như bảo đảm tỷ lệ hợp lý cán bộ nam và nữ; cần có quy định nâng cao trách nhiệm và khuyến khích các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức mở rộng các loại hình việc làm phi truyền thống đối với phụ nữ trong quá trình đàm phán các hợp đồng cung ứng lao động.
Việc giám sát chặt chẽ và thanh tra của các cơ quan chức năng của Nhà nước đối với hoạt động thu phí của các doanh nghiệp dịch vụ cũng phải được đề cập trong nội dung sửa đổi.
Đặc biệt, cần tăng cường truyền thông, thông qua chương trình bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động để cung cấp thông tin chi tiết và chính xác về các khoản cấu thành nên tổng chi phí đi xuất khẩu lao động theo quy định của pháp luật, tránh để người lao động vì thiếu thông tin mà bị các đối tượng lừa đảo lợi dụng.
Để chuẩn bị cho việc sửa đổi luật phù hợp với thực tiễn, bảo đảm các nguyên tắc theo quy định của pháp luật, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp với UN Women Việt Nam tổ chức nghiên cứu, rà soát pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ góc độ bình đẳng giới.
Hai cơ quan phối hợp tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia đến từ các tổ chức xã hội dân sự như: hội phụ nữ, hiệp hội xuất khẩu lao động, các cơ quan Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, các chuyên gia về luật và giới... để bảo đảm tốt hơn việc quản lý lao động đi làm việc ở nước ngoài và thúc đẩy bình đẳng giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận