11/11/2013 09:52 GMT+7

Bảo vệ "nhà máy sản xuất testosteron"

LÊ THANH HÀ 
LÊ THANH HÀ 

TT - Bệnh ung thư tinh hoàn có thể khiến “nhà máy sản xuất testosteron”bị cắt mất. Chưa kể, lứa tuổi bị ung thư tinh hoàn nhiều nhất thường gặp là 25-35 tuổi, trong khi đây là giai đoạn đẹp nhất đời người.

rGBqN73X.jpgPhóng to

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng, trưởng khoa nam học Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM), cho biết trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận từ 4-5 bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn. Bệnh viện đang lập đề án xin thực hiện chương trình tầm soát ung thư tinh hoàn như các nước phương Tây để phát hiện sớm ung thư tinh hoàn ở nam giới.

Không đi khám ngay

"Để phát hiện ung thư tinh hoàn, nên tự kiểm tra tinh hoàn ít nhất mỗi tháng một lần, nếu thấy có cục cứng, nhỏ thì cần đến bác sĩ chuyên khoa tiết niệu và sinh dục khám ngay"

Bác sĩ Mai Bá Tiến Dũng

Trong tháng 10 vừa qua, Bệnh viện Bình Dân đã phẫu thuật cắt khối u ở một bên tinh hoàn to gần bằng quả bưởi cho bệnh nhân N.H.N. (36 tuổi, Q.4, TP.HCM).

Theo lời kể của bệnh nhân, trước đó bốn tháng ông phát hiện có một nốt nhỏ, cứng ở tinh hoàn nhưng nghĩ không sao nên bỏ qua. Nốt nhỏ này chỉ trong vài tháng đã lớn rất nhanh nên đầu tháng 10-2013 bệnh nhân đi khám và được xác định bị ung thư tinh hoàn giai đoạn T3 (bệnh có bốn giai đoạn) với khối u rất lớn, đã có hạch.

Ngoài ra, bệnh nhân N.H.N. còn có bệnh tinh hoàn ẩn bẩm sinh nhưng không được phát hiện và điều trị. Theo bác sĩ Tiến Dũng, sau khi cắt khối u tinh hoàn một tháng, bệnh nhân sẽ quay lại tái khám và hóa trị.

Trước đó, vào tháng 9-2013 Bệnh viện Bình Dân cũng mổ cắt khối u ung thư tinh hoàn cho một nam sinh 18 tuổi. Khi đến khám, bệnh nhân cho biết khoảng tháng 7-2013 thấy một bên tinh hoàn hơi đau, sờ vào thấy có một nhân cứng nhỏ.

Tuy nhiên, bệnh nhân không nói cho cha mẹ biết để đi khám ngay. Đến đầu tháng 9-2013 cả gia đình đi chơi Vũng Tàu, trong lúc cùng thay đồ tắm, người cha mới phát hiện nên đưa con đến Bệnh viện Bình Dân khám. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, siêu âm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn.

Thậm chí có bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn một bên nhưng không tái khám, hóa trị theo chỉ định của bác sĩ nên di căn sang bên tinh hoàn còn lại như bệnh nhân T. (32 tuổi, TP.HCM).

Theo bác sĩ Tiến Dũng, bệnh nhân T. sau khi lập gia đình, chưa kịp có con thì một năm sau phát hiện bị ung thư tinh hoàn phải. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ bên tinh hoàn bị ung thư.

Bệnh viện hẹn đến hóa trị nhưng bệnh nhân không đến. Hai năm sau, bệnh nhân quay lại khám vì bên tinh hoàn còn lại xuất hiện một cái bướu.

Bác sĩ phải cắt bỏ tinh hoàn bên còn lại cho bệnh nhân. Do bệnh nhân đến quá trễ nên toàn bộ cấu trúc của bên tinh hoàn còn lại đã bị tế bào ung thư xâm lấn, bác sĩ không tìm ra tinh trùng để gửi bệnh viện lưu trữ, bệnh nhân phải chấp nhận việc không thể có con.

Phát hiện sớm, 90% điều trị khỏi

Bác sĩ Tiến Dũng cho biết ung thư tinh hoàn chiếm tỉ lệ khoảng 5% các bệnh lý về ung thư đường tiết niệu ở nam giới.

Ung thư tinh hoàn có thể gây ra những biến chứng rất nặng nề vì tinh hoàn là cơ quan duy nhất trong cơ thể sản xuất nội tiết tố testosteron, và là cơ quan ngoại tiết duy nhất sản xuất tinh trùng để thực hiện việc duy trì nòi giống.

Giai đoạn đầu của ung thư tinh hoàn thường không có dấu hiệu gì đặc biệt. Khi dùng đầu ngón tay sờ nắn chỉ thấy tinh hoàn hơi to và rắn, có thể không đau hoặc hơi đau. Đôi khi bệnh nhân còn có cảm giác hơi nặng ở bìu...

Yếu tố nguy cơ gây ung thư tinh hoàn, theo bác sĩ Tiến Dũng, là những người có bệnh lý tinh hoàn ẩn (tinh hoàn không xuống bìu trong tuổi thiếu niên) nhưng không được phẫu thuật điều trị; gia đình có tiền sử ung thư; viêm tinh hoàn do quai bị sau tuổi dậy thì; người mẹ có điều trị bằng hormone trước khi sinh.

Ung thư tinh hoàn cũng có liên quan đến tế bào mầm, những hóa chất, môi trường độc hại. Lứa tuổi bị ung thư tinh hoàn nhiều nhất thường gặp ở độ tuổi 25-35.

Tuy nhiên, bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời (phẫu thuật và hóa trị đúng phác đồ) ở giai đoạn T1, T2, tỉ lệ sống còn là 90%. Tuy nhiên khi đã có di căn hạch sau phúc mạc, di căn ở phổi và đã vào giai đoạn T3, T4 thì khả năng tiên lượng sống của bệnh nhân rất thấp, chỉ còn 30-40% trong năm năm.

Về điều trị, đối với những bệnh nhân trẻ, chưa lập gia đình, ngoài việc phẫu thuật cắt bỏ bên tinh hoàn bị ung thư, bác sĩ còn phải làm thêm công việc tìm xem bệnh nhân có tinh trùng hay không.

Nếu bệnh nhân chưa lập gia đình, hoặc lập gia đình rồi nhưng chưa có con thì phải lấy tinh trùng của bệnh nhân gửi đi trữ lạnh để tránh sau này không có con do bị ung thư.

Trường hợp bệnh nhân không còn tinh hoàn, dễ có mặc cảm do cơ quan sinh dục “trống trơn”, bác sĩ sẽ phẫu thuật đặt tinh hoàn giả cho bệnh nhân.

Ngoài ra, với những bệnh nhân bị cắt bỏ hết tinh hoàn thì “nhà máy sản xuất testosteron” cũng bị cắt hết, ảnh hưởng đến chức năng tình dục.

Để giúp bệnh nhân không bị suy giảm tình dục, bác sĩ sẽ cho chích thuốc nội tiết tố thay thế mỗi ba tháng một lần. Biện pháp điều trị này giúp bệnh nhân vẫn có cảm giác ham muốn tình dục, vẫn cương và xuất tinh được nhưng không có con vì không có tinh trùng.

LÊ THANH HÀ 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên