31/10/2024 09:02 GMT+7

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng

Tại Quốc hội ngày 29-10, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ bãi bỏ quyết định về việc miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) với hàng hóa dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử.

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 1.

Đánh thuế VAT hàng giá trị nhỏ nhập qua sàn sẽ tạo công bằng giữa hàng nội và hàng nhập khẩu. Trong ảnh: người dân mua sắm tại một cửa hàng đồng giá 19.000 đồng ở TP.HCM - Ảnh: NGỌC HIỂN

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng đây là việc cần thiết nhằm tạo sự công bằng đối với hàng hóa sản xuất trong nước, ngăn chặn tình trạng lách thuế bằng cách "xé" nhỏ đơn hàng, chống thất thu thuế.

Tạo sự công bằng, chống thất thu thuế

Theo báo cáo về thương mại điện tử (TMĐT) 9 tháng đầu năm 2024 của nền tảng số liệu TMĐT Metric, các sản phẩm dưới 200.000 đồng đang chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường TMĐT Việt Nam, trong khi người Việt chi khoảng 1 tỉ USD mua hàng online mỗi tháng.

Số liệu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính viễn thông cho biết tại thời điểm tháng 3-2023, mỗi ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn TMĐT.

Như vậy mỗi ngày có khoảng 45 - 63 triệu USD hàng giá trị nhỏ đã không được thu thuế nhập khẩu và thuế VAT.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Được - tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - cho rằng dù mỗi đơn hàng giá trị nhỏ 10.000 - 300.000 đồng nhưng mỗi ngày có khoảng 5 triệu đơn hàng, tính ra đó sẽ là con số khổng lồ và số thuế thất thu mỗi năm lên đến vài chục ngàn tỉ đồng.

Nếu bình quân giá trị nhập khẩu khoảng 900 tỉ đồng/ngày, mỗi năm sẽ có khoảng 328.500 tỉ đồng giá trị hàng hóa giao dịch được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT.

Chưa tính thuế nhập khẩu, giả sử thuế VAT là 10%, tổng số thuế VAT trong một năm lên tới 32.850 tỉ đồng! Con số này thậm chí còn cao hơn do doanh số TMĐT tăng mạnh trong năm nay.

Trong khi đó, theo ông Được, nhiều nước đã bãi bỏ việc miễn thuế với hàng nhập có giá trị nhỏ. Chẳng hạn từ ngày 1-1-2021, Liên minh châu Âu (EU) đã bãi bỏ việc miễn thuế với hàng giá trị nhỏ (22 EUR) đối với các quốc gia khác không phải là thành viên. Hàn Quốc và Singapore cũng đều thu thuế VAT và thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) với tất cả các hàng hóa không phân biệt giá trị đơn hàng.

"Tôi tán thành với các đại biểu Quốc hội, chuyên gia về việc yêu cầu phải đảm bảo sự công bằng, bình đẳng nghĩa vụ thuế giữa các đối tượng là nguyên tắc chung của pháp luật thuế. Do đó cần phải điều chỉnh quy định này là phù hợp và cần thiết trong bối cảnh hiện nay", ông Được nói.

Tuy nhiên, theo ông Được, việc bãi bỏ quy định này cần phải cân nhắc cho phù hợp với các cam kết quốc tế cũng như thực tế tại Việt Nam nhằm đảm bảo điều tiết vĩ mô, tạo sự công bằng giữa các hình thức kinh doanh, tránh thất thu ngân sách nhà nước nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo sự thuận tiện cho người nộp thuế, tiết giảm chi phí xã hội, nâng hiệu quả kinh tế.

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 2.

Hàng giá rẻ từ các ứng dụng mua sắm trực tuyến ồ ạt tràn vào thị trường Việt Nam - Ảnh: BÉ HIẾU

Cần kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu

Những năm gần đây, Việt Nam được coi là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT cao nhất toàn cầu và dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2023 tổng doanh thu từ giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng trên các nền tảng TMĐT đã đăng ký tại Việt Nam đạt khoảng 498.900 tỉ đồng.

Trong đó, tổng doanh thu của năm nền tảng TMĐT lớn như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop đã lên đến 233.200 tỉ đồng, tăng 53,4% so với năm 2022 (theo Metric). Như Amazon công bố, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới của Việt Nam tăng trưởng trên 20% mỗi năm và dự kiến đạt 256.100 tỉ đồng (11,1 tỉ USD) vào năm 2026.

"Sự phát triển mạnh mẽ của TMĐT đã và đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức mới đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm cả việc quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới" - Tổng cục Hải quan nhận định.

Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), đánh giá việc bãi bỏ chính sách miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ vận chuyển qua đường chuyển phát nhanh là vô cùng cấp thiết vì điều này đảm bảo công bằng, bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.

"Việc duy trì chính sách này thời gian qua khiến hàng Việt thua thiệt, kém cạnh tranh với hàng ngoại ngay tại thị trường nội" - bà Thảo nói, đồng thời khuyến nghị cần có chính sách quản lý đối với hàng nhập khẩu, nhất là đối với hàng hóa liên quan sức khỏe người dùng như thực phẩm chức năng, bánh kẹo... để tránh nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cũng đồng tình việc bãi bỏ chính sách miễn thuế VAT và thuế nhập khẩu đối với hàng nhập có giá trị nhỏ nhập khẩu qua các nền tảng TMĐT, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho rằng đã có tình trạng nhà nhập khẩu lợi dụng chính sách này, xé nhỏ đơn hàng để tránh thuế.

"Thiệt hại là rất rõ ràng khi ngân sách thất thu khoản tiền thuế rất lớn. Thêm nữa là chính sách này vô tình tạo sự không công bằng cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Mặt khác, người tiêu dùng chưa chắc được lợi vì giá hàng hóa bán ra chưa chắc đã rẻ hơn dù được miễn thuế", bà Cúc nói.

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

* ĐB Trần Văn Lâm (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách):

Đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật

Việc miễn thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ (dưới 1 triệu đồng) qua sàn TMĐT không có trong luật mà được quy định trong quyết định 78/2010 của Chính phủ. Do đó thẩm quyền ở đây thuộc về Chính phủ.

Việc Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ bãi bỏ quyết định 78 này là đúng theo kiến nghị của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và hoàn toàn phù hợp bởi nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ quy định về việc miễn thuế này.

Việc bãi bỏ này sẽ bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tạo ra cơ sở pháp lý cho việc thu thuế với TMĐT đang được sửa đổi trong dự thảo Luật Thuế VAT. Nó cũng giúp tăng số thu về thuế VAT từ các hoạt động kinh doanh TMĐT.

* ĐB Hoàng Minh Hiếu (ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật):

Bãi bỏ hoàn toàn chính xác

Theo số liệu thống kê vào thời điểm tháng 3-2023, hằng ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng TMĐT giá trị nhỏ, khoảng 200.000 đồng/đơn hàng, được vận chuyển qua biên giới về Việt Nam. Như vậy, tổng giá trị hàng hóa loại này lên tới 800 tỉ đồng/ngày. Con số này còn có thể tăng lên do TMĐT của Việt Nam nằm trong top 10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới.

Việc miễn thuế này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà sản xuất và ngành bán lẻ trong nước do hàng hóa nhập khẩu không chịu thuế nên có giá rẻ hơn, cạnh tranh tốt hơn. Nhiều nước cũng đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn TMĐT. Vì vậy, việc bãi bỏ miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ là hoàn toàn chính xác.

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 4.

Một cửa hàng ở TP Thủ Đức với các sản phẩm nhập khẩu được bán đồng giá 40.000 đồng - Ảnh: BÉ HIẾU

* Ông Nguyễn Đặng Hiến (tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Quang Minh):

Đừng để hàng không rõ nguồn gốc tràn vào VN

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 5.

Sự xuất hiện của các nền tảng TMĐT Trung Quốc như Temu, Taobao và 1688 đang tạo ra một cơn lốc hàng giá rẻ tại Việt Nam mà phần lớn là các sản phẩm có giá trị nhỏ được bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng.

Dù chưa có con số thống kê chính xác số lượng đơn hàng và tổng giá trị các hàng hóa Trung Quốc bán sang Việt Nam nhưng đây là con số không nhỏ, gây áp lực đến hàng hóa sản xuất trong nước. Ví dụ như ngành nhựa, dệt may, kim khí, giày da Việt Nam... vừa nhập khẩu nguyên vật liệu, vừa chịu nhiều loại thuế đầu ra đầu vào, trong khi hàng hóa nhập khẩu lại được miễn thuế. Do đó việc bãi bỏ chính sách này là hoàn toàn hợp lý.

Ngoài ra nhiều sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc bán sang Việt Nam là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thương hiệu, khó khăn trong khâu đổi trả, bảo hành... Cơ quan chức năng cần khuyến cáo người dân không nên mua hàng theo hình thức trả tiền trước mà cần nhận hàng, kiểm tra chất lượng rồi mới thanh toán để không bị thiệt thòi.

* Ông Phạm Văn Việt (tổng giám đốc Việt Thắng Jeans):

Tạo điều kiện đưa hàng Việt lên sàn ngoại

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 5.

Ngoài việc ngừng miễn thuế VAT cho các đơn hàng giá trị thấp dưới 1 triệu đồng để tạo ra sân chơi công bằng cho doanh nghiệp nội địa, theo tôi, cần có biện pháp mạnh tay xử lý những doanh nghiệp lũng đoạn thị trường và bán phá giá để xây dựng một thị trường minh bạch trong thời kỳ hội nhập kinh tế.

Ngoài ra cần có quy định yêu cầu các sàn TMĐT nước ngoài như Temu, Shein, Taobao... khi vào thị trường Việt Nam phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam lên sàn, chứ không thể để các sàn này bán 100% hàng ngoại. Với ưu thế công nghệ, hạ tầng đồng bộ và chiến lược giá rẻ của họ, nếu chúng ta không sớm có giải pháp, để hàng giá rẻ tràn vào Việt Nam thông qua sàn TMĐT thì doanh nghiệp Việt sẽ mất thị trường nội địa.

* Ông Nguyễn Quốc Anh (chủ tịch Hội Cao su nhựa TP.HCM):

Bảo vệ sản xuất trong nước, tăng thu ngân sách

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 5.

Việc thu thuế VAT với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp, dưới 1 triệu đồng sẽ có tác động tích cực đó là tạo ra sự công bằng về mặt chi phí giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu qua sàn online. Điều này vừa giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, vừa đảm bảo sự cạnh tranh, giúp các doanh nghiệp sản xuất nội địa vượt qua giai đoạn khó khăn.

Về chất lượng sản phẩm, thông thường hàng hóa khi bán qua một quốc gia khác phải có đăng ký về chất lượng, công bố hợp quy... song cái khó về quản lý đối với hàng qua sàn TMĐT là số lượng hàng hóa nhiều, mẫu mã đa dạng và sản phẩm giá trị thấp. Người tiêu dùng cần chọn lựa sản phẩm, đánh giá sản phẩm trước khi thanh toán.

* Ông Nguyễn Ngọc Đạt (CEO DidongViet):

Người tiêu dùng cũng được bảo vệ

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 5.

Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa để phân phối tại Việt Nam phải trải qua nhiều thủ tục, từ xin giấy phép nhập khẩu, đóng thuế cho đến việc chờ đợi cơ quan chức năng xét duyệt sản phẩm. Đây là quy trình khá tốn kém và kéo dài.

Trong khi đó, các mặt hàng trên các sàn TMĐT xuyên biên giới không phải đối mặt với những yêu cầu nghiêm ngặt này. Do vậy doanh nghiệp bán lẻ và phân phối trong nước đang phải chịu rất nhiều bất lợi. Hậu quả là tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam giảm sút nghiêm trọng. Ngay cả những mặt hàng phổ biến như điện thoại và phụ kiện như ốp lưng, sạc pin, dây sạc... vốn là nguồn thu nhập bổ sung cho các doanh nghiệp nay cũng gặp khó khăn khi đối đầu với các sản phẩm giá rẻ từ sàn TMĐT xuyên biên giới.

Người tiêu dùng dường như bỏ qua các yếu tố về chất lượng và an toàn, chỉ cần thấy mẫu mã đẹp và giá thành rẻ là mua ngay mà không biết rõ về tác động tiêu cực tiềm ẩn cho sức khỏe. Do vậy việc bãi bỏ quy định miễn thuế không chỉ đem lại môi trường kinh doanh công bằng mà còn góp phần bảo vệ quyền lợi và an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.

* Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng (giám đốc phụ trách thương mại điện tử, hệ thống bán lẻ 24hStore):

Thị trường sẽ công bằng, minh bạch hơn

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 5.

Việc bãi bỏ miễn thuế VAT cho hàng hóa có giá trị dưới 1 triệu đồng nhập khẩu qua các sàn TMĐT sẽ tạo ra một sân chơi công bằng hơn, giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.

Người tiêu dùng có thể sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng khi giá các mặt hàng giá rẻ tăng lên do chịu thêm VAT. Tuy nhiên, việc phải chịu thuế và quy trình kiểm tra nhập khẩu sẽ giúp hạn chế hàng giá rẻ kém chất lượng, có thể không rõ nguồn gốc hoặc không đảm bảo an toàn. Khi các sàn TMĐT phải kê khai và đóng thuế cho hàng giá rẻ nhập khẩu, người dùng sẽ nhận được thông tin đầy đủ hơn về các chi phí phát sinh và xuất xứ của sản phẩm. Cuối cùng là khuyến khích hàng chính hãng và dịch vụ tốt hơn.

Bởi nếu chênh lệch giá giữa hàng giá rẻ nhập khẩu và hàng chính hãng không còn quá lớn, người dùng có thể cân nhắc nhiều hơn đến hàng chính hãng vốn có bảo hành, dịch vụ hậu mãi và chất lượng đảm bảo hơn. Như vậy quyết định này không chỉ giúp đảm bảo một thị trường công bằng mà còn bảo vệ quyền lợi lâu dài của người tiêu dùng.

Bảo vệ hàng Việt, tạo sân chơi công bằng - Ảnh 10.Hàng dỏm bán theo kiểu ăn xổi, khó tồn lâu dài ở Việt Nam

Với 100 triệu dân, dư địa lớn để phát triển lớn, không chỉ doanh nghiệp trong nước mà cả nước ngoài cũng muốn khai thác thị trường Việt Nam, đặc biệt thông qua các sàn thương mại điện tử.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên