Trong bối cảnh đất đai ngày càng khô cằn và thu hẹp lại, việc ứng xử với đất dường như vẫn chưa được chú trọng thì việc nhìn nhận đúng vai trò của đất để tìm ra các giải pháp để bảo vệ đất là một điều cần thiết.
Nơi khởi đầu sự sống
Ông Patrice Burger - thành viên của Công ước chống sa mạc hóa của Liên Hiệp Quốc từng định nghĩa về “Đất” một cách đơn giản: có thể ví đất đai như lớp da của trái đất. “Mặt đất sống” là nơi sản sinh ra những gì sống động trên trái đất và sự sinh tồn của chính con người chúng ta. Bề dày của lớp da này là khoảng từ 30 cm đến 40 cm. Tầng đất mặt này là cơ sở của một nền nông nghiệp, nguồn thực phẩm căn bản của chúng ta, cơ sở của đời sống thực vật.
Có thể nói, đất đai là một loại tài nguyên vô cùng quý giá, bởi đó là nơi con người được sinh ra và lớn lên, là nơi động thực vật được nảy sinh và phát triển. Đất vừa là tư liệu sản xuất, vừa là điều kiện sống của con người.
Hình dung một cách chân thực nhất, đất đai là thứ hàng ngày chúng ta thường đi bên trên. Ở đô thị, nằm phía dưới lớp vỏ nhựa đường, bê tông hay gạch đá, đất đai dường như không phải là thứ đặc biệt quý giá, nếu như không phải là cái nền tảng bắt buộc cho mọi công trình xây dựng. Ở nông thôn hay nơi núi rừng, đất đai là nguồn sống của thực vật, động vật, nơi mà từ đó con người gieo trồng và làm nên những thực phẩm cần thiết cho cuộc sống của mình. Nhưng không chỉ là nơi tạo ra thực phẩm, bản thân đất đai cũng có một sự sống riêng, và chính bản thân sự sống của đất lại ảnh hưởng tới chất lượng không khí, nước và môi trường nói chung. Vấn đề là hiện nay, giá trị và sự sống riêng của tài nguyên đất thường bị xem nhẹ. Đất phải đối diện với sự xói mòn, nghèo chất dinh dưỡng, đất “chết” vì ô nhiễm, vì sa mạc hóa…
Đối mặt với suy thoái đất
Theo một số nghiên cứu của FAO, diện tích đất đai bị sa mạc hóa hay suy kiệt chiếm đến khoảng 40% diện tích bề mặt đất toàn cầu - nơi cư trú của 37% dân số nhân loại, trong đó một bộ phận lớn là những người nghèo khổ nhất.
Riêng tại Việt Nam, đất đai cũng ngày một thoái quá. Theo các nhà khoa học, tài nguyên đất của Việt Nam rất hạn chế. Trong gần 33 triệu ha đất chỉ có khoảng 10 triệu ha là đất được bồi tụ từ các con sông hình thành nên những vùng đồng bằng màu mỡ và hiện loại đất này đã bị khai thác tới hạn. Diện tích còn lại (hơn 22 triệu) là địa hình đất cao, dốc không có nhiều giá trị sử dụng. TS.Trần Đức Toàn, Viện thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết, trong số diện tích đất cao đó chỉ có 4,5 triệu ha là có thể sản xuất nông nghiệp do có độ dốc dưới 15 độ; 3 triệu ha có thể kết hợp sản xuất nông-lâm nghiệp do có độ dốc từ 15-25 độ và có tới 13,5 triệu ha đất dễ biến động khi có sự thay đổi về điều kiện sinh thái không thể sản xuất, có độ dốc trên 25 độ.
Theo thống kê, Việt Nam hiện còn khoảng hơn 9 triệu ha đất đồi núi trọc, đồi cát, trảng cỏ có liên quan tới sa mạc hóa, chiếm 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc. Trong đó, có trên 5 triệu ha đất trống trọc chưa sử dụng, khoảng 2 triệu ha đất đang được sử dụng nhưng đã bị thoái hóa nặng và 1 triệu ha đang có nguy cơ thoái hóa cao. Hàng trục triệu người ở miền Trung và đồng bào dân tộc ở miền núi đang phải chịu những hậu quả nặng nề do hiện tượng sa mạc hóa và suy thoái đất gây nên, trong khi những vấn đề suy thoái đất đai còn ít được mọi người đầu tư quan tâm để cải tạo.
Hiện nay, Việt Nam đã xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp trải dài dọc theo bờ biển miền Trung. Từ Quảng Bình đến Bình Thuận là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi còn nhiều vùng đồi núi trọc đang bị mưa lũ làm lở đất, xói mòn và suy thoái đến khô cằn hoang mạc. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp của nước ta hiện nay.
Hồi sinh cho những vùng đất khô cằn
Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, những hoạt động của con người và biến đổi khí hậu là 2 yếu tố tác động mạnh đến quá trình thoái hóa đất và hoang mạc hóa trên phạm vi cả nước. Bởi vậy, để bảo vệ đất, cần thay đổi hoạt động của người dân như tập quán canh tác, chăn thả gia súc, việc khai thác khoáng sản bừa bãi, phá rừng… và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong xu thế đất đai bị tàn phá muôn hình vạn trạng, từ đô thị hóa đến canh tác không đúng cách, lạm dụng phân bón công nghiệp, thuốc trừ sâu diệt cỏ, đến tàn phá rừng, các chuyên gia trên thế giới cho biết, có một xu thế mới đang bắt đầu xuất hiện, đó là cảm nhận giá trị của sự sống trong đất và quay trở lại với những gì mang lại một thứ đất đai màu mỡ, là nguồn gốc của một sự phát triển bền vững.
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Tấc đấc, tấc vàng”. Việc sử dụng đúng cách đất đai là bảo vệ một tài nguyên có giá trị đến muôn đời. Ngược lại, việc khai thác bừa bãi không chỉ hại đất, mà còn từ đó mang lại những ảnh hưởng tiêu cực dây chuyền. Để hồi sinh cho những vùng đất khô cằn, mỗi người cần hành động ngay bằng những việc làm thiết thực, bởi hiện tại và tương lai của con người phụ thuộc vào một nền đất đai giàu sự sống và vững bền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận