02/07/2023 09:04 GMT+7

Bảo vệ con trong 'ngôi nhà mạng'

Không cần phải đợi đến khi một học sinh 15 tuổi bị chế nhạo trên mạng xã hội vì viết bài văn 21 trang trong vòng 120 phút thi và được chấm điểm cao, xã hội mới giật mình về thế giới mạng đầy bạo lực ngôn từ.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Luật bảo vệ trẻ em, Luật an ninh mạng... đủ cả, nhưng khi cần bảo vệ con em mình trước sự tấn công trên mạng xã hội, cha mẹ thường rất loay hoay, có phần cô độc, có khi co cụm bảo vệ con một cách đầy bối rối.

Người lớn tấn công một đứa trẻ là lý gì?

Lâu nay nhiều người dường như đã quá quen... với nạn tấn công, bắt nạt trên mạng xã hội, quá quen với việc nhóm người lớn này tấn công một người lớn kia, nhưng lần này cũng phải giật mình khi chứng kiến hiện tượng "bạo lực" ngôn từ với một thiếu niên.

Sự việc có thể gây tổn hại rất lớn cho tinh thần của một bạn trẻ đang chập chững bước vào đời, vào thế giới của người lớn.

Nhiều người vốn trước đó có thể từng tham gia những đám đông cuồng nộ trên mạng xã hội thì lần này cũng phải bất bình.

Không ít người ngao ngán, phẫn nộ. Những người khác thở dài cho văn hóa ứng xử của thời đại gì họ không hiểu nổi. Bởi văn hóa của người Việt là kính già, yêu trẻ, kính trên, nhường dưới, bao dung với người trẻ.

Mà đó không chỉ văn hóa của người Việt, đó còn là những giá trị phổ quát của loài người.

Trong khi đó, bằng một thứ "văn hóa" bắt nạt, tấn công trên mạng mà người lớn quen đối xử với nhau, có những người đã "phang" luôn từ người già tới trẻ em. Và bằng cách ấy, người lớn đang dạy cho con trẻ về một thế giới thật méo mó.

Mà đâu chỉ có những vết thương tâm lý hằn sâu ở tuổi vị thành niên rất lâu lành, nhiều cuộc tấn công vào trẻ em trên mạng xã hội đã gây ra hậu quả không thể cứu vãn khi các nạn nhân đã chọn cách tiêu cực để phản kháng.

Tại Việt Nam, mạng xã hội và Internet phát triển bùng nổ chưa bao lâu nhưng xã hội đã nhiều lần phải đau lòng nghe tin những cô bé học trò tự tử vì bị tấn công mạng xã hội.

Vài em gái bị tung video quay lén cảnh hôn bạn trai, bị ghép ảnh khuôn mặt vào một cơ thể ăn mặc "thiếu vải" rồi nhận về cả núi những lời thóa mạ, phỉ báng nặng nề trên mạng xã hội - mà phần nhiều là bình luận của người lớn, khiến tuổi trẻ non nớt, thiếu "sức đề kháng" đã chọn cách "đáp trả" thế giới khắc nghiệt một cách quá đáng tiếc và đau lòng.

Bảo vệ con từ gốc rễ văn hóa tới kiện ra tòa

Điều gì đã khiến một người lớn lại chọn lối hành xử thiếu chuẩn mực và thiếu khôn ngoan như vậy trên mạng xã hội? Không lẽ hấp lực của like, share đã trở nên mạnh mẽ đến vậy với nhiều người, ngay cả những trí thức cũng rơi vào mê mờ, tăm tối?

Ngoài chuyện càng chửi càng thu hút đám đông, càng nổi trên mạng xã hội, hiện tượng bắt nạt của người Việt nở rộ trên mạng xã hội gần đây có lẽ còn có căn nguyên sâu xa khác ở tính ưa phán xét của nhiều người Việt. Riêng ở giới trí thức thì còn thêm chứng vĩ cuồng mà giáo sư Cao Xuân Hạo từ vài chục năm trước đã thẳng thắn chỉ ra, cảnh báo.

Phân tích những điều này, từ góc độ văn hóa và tâm tính của người Việt, để mong có thể tìm ra những phương thuốc điều trị những chứng tật của xã hội mình, để bớt đi những chấn thương tâm lý nặng nề vì tấn công, nhục mạ trên mạng xã hội, đặc biệt là lên trẻ em.

Sửa từ cái gốc văn hóa vẫn sẽ là giải pháp có tính bền vững hơn cả, giống như xây nhà từ móng. Xã hội phải có văn hóa sâu dày, nền tảng đạo đức mạnh mẽ, có những công dân tốt, luôn chọn sống với lòng nhân ái, bao dung thì mới có thế giới mạng thiện lành, ích lợi.

Nhưng xây cái gốc là chuyện lâu dài, của cả cộng đồng, còn bảo vệ trẻ em khi bị bắt nạt trên mạng xã hội thì phải là hành động cụ thể, mạnh mẽ và nhanh chóng của cha mẹ và cả những tổ chức bảo vệ trẻ em.

Ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông - gợi ý cha mẹ của các em bị tấn công trên mạng xã hội hãy mạnh dạn kiện những kẻ xúc phạm con mình ra tòa.

Luật pháp bảo vệ trẻ em trên mạng xã hội hiện nay khá đầy đủ, kiện ra tòa để tòa án phán xử là một hành động văn minh để bảo vệ con mình, đồng thời góp tiếng nói đấu tranh loại bỏ dần những hành vi sai trái trong xã hội.

Việc tòa xử nêu gương sẽ có tác dụng lớn trong việc răn đe, ngăn chặn những hành động tấn công tương tự trên mạng xã hội. Còn nếu tiếp tục chọn cách im lặng như các nạn nhân của bắt nạt trên mạng thời gian qua thì câu chuyện sẽ không dừng lại mà có thể càng ngày càng nặng nề hơn.

Hiểu việc theo đuổi các vụ kiện khá mệt mỏi, ông Đồng cho rằng các tổ chức bảo vệ trẻ em nên tìm đến hỗ trợ các gia đình nạn nhân.

Gần đây, một số vụ việc vi phạm bản quyền đã được giải quyết văn minh tại tòa, nhưng những nạn nhân của tấn công trên mạng xã hội thì lại chưa có nhiều người chọn cách này vì những khó khăn, mệt mỏi của việc theo kiện.

Hỗ trợ các gia đình này trong các vụ kiện chính là cơ hội phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức bảo vệ trẻ em đang khá đông đảo ở Việt Nam.

Cần quy định cụ thể hành vi xâm hại trẻ trên mạng

Trả lời về vai trò của các tổ chức gắn với giới trẻ, anh Vũ Gia Dân - phó trưởng ban công tác thiếu nhi Trung ương Đoàn - cho hay thời gian qua, hệ thống các cơ sở Đoàn, Đội đã phát huy hiệu quả vai trò của câu lạc bộ tư vấn, tổ công tác trợ giúp trẻ em, xây dựng kênh thông tin tiếp nhận và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của trẻ em.

Qua đó, nắm bắt được nhiều vụ việc liên quan đến "xâm hại" trẻ em gồm cả trên môi trường mạng, đồng thời phối hợp với các chuyên gia, cố vấn, các cơ quan chức năng trong xử lý các vấn đề về trẻ em để lên tiếng, bảo vệ trẻ em...

"Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và các mức xử phạt tương ứng, các chính sách về xây dựng sản phẩm, dịch vụ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng; và quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ, các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ đối với sự an toàn của trẻ em trên môi trường mạng" - anh Gia Dân cho biết.

H.THANH

Lên mạng an toàn: bớt đọc tin độc hại, đừng khoe quá mức

PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội)

PGS.TS Phạm Mạnh Hà (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Việc tấn công, chia sẻ ác ý trên mạng nhắm tới trẻ em là điều có thể xảy ra, do đó một trong những cách thức đầu tiên là cha mẹ phải hướng dẫn cho con cách sử dụng mạng an toàn.

Hiện nay có nhiều mạng xã hội khác nhau hay diễn đàn, không gian để trẻ có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến, nên cha mẹ phải chọn lọc trang, mạng xã hội nào có sự kiểm soát hoặc an toàn để định hướng cho trẻ, cho con cơ hội để tham gia một cách chừng mực.

Nhưng nếu mạng xã hội quá tiêu cực, độc hại thì phải hạn chế đến mức tối đa. Ví dụ như TikTok hay Facebook là mạng xã hội gần như thiếu kiểm soát, trong khi YouTube đã có những chế tài hoặc biện pháp có thể giúp trẻ dễ dàng nhận diện cũng như tiếp nhận thông tin tốt hơn.

Cùng với đó, bảo vệ con trên không gian mạng cũng là việc kiểm soát những thông tin mà con mình đưa lên trên mạng, không phải cái gì cũng có thể đưa lên mạng.

Việc thể hiện quá nhiều về bản thân lên mạng bao giờ cũng tạo ra sự thu hút, đố kỵ, ghen ghét, thậm chí là sự so sánh sẽ dễ dàng dẫn đến tổn thương. Do vậy, tốt nhất "đừng khoe", không nên khoe khoang quá mức mà cần thể hiện khiêm tốn quan điểm và giá trị của bản thân.

Cùng đó, bản thân đứa trẻ cũng cần tránh tất cả cuộc va chạm trên mạng hay tránh đi tấn công người khác. Một đứa trẻ hay cha mẹ nhiều khi tham gia cuộc tranh luận hay "drama" trên mạng sẽ làm đứa trẻ cuốn theo, thậm chí sẽ là nạn nhân.

Trẻ cũng cần giảm bớt thời gian lang thang trên mạng, thay vào đó là hướng về những hoạt động có giá trị như phát triển nghề nghiệp, đam mê, phát huy giá trị bản thân. Nguyên tắc để bản thân không bị tấn công trên mạng là giảm bớt thời gian lên mạng, để bớt đọc thông tin độc hại.

Nhưng nếu khi con đã trở thành "nạn nhân", cha mẹ cũng cần chia sẻ, giải thích cho con hiểu rằng trong cuộc sống có rất nhiều người tốt và người xấu, chia sẻ điều tốt - điều xấu, điều quan trọng nhất là vượt qua bằng một tinh thần tích cực. Nếu lời nhận xét đó là đúng, hợp lý thì mình thay đổi. Nhưng nếu là "rác" thì quan trọng là mình có thể "nhặt rác, xử lý rác".

PGS.TS PHẠM MẠNH HÀ (Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) - HÀ THANH ghi

Body shaming tràn ngập mạng xã hội: "Đùa thôi" nhưng sao ác thế?Body shaming tràn ngập mạng xã hội: 'Đùa thôi' nhưng sao ác thế?

Body shaming tràn ngập mạng xã hội khi nhiều người mang ngoại hình người khác ra để bình phẩm, chê bai và làm tổn thương tinh thần đối tượng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên