Trẻ em xem clip trên YouTube - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cộng đồng mạng từng dậy sóng khi trên YouTube xuất hiện những video mang tên "thử thách Momo" (Momo challenge) có nội dung hướng dẫn trẻ em tự sát. Và gần đây Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) thông tin về vụ một bé trai 8 tuổi tử vong vì "học" theo mạng.
Thông tin ban đầu, tối 21-11 cháu vào nhà tắm, người mẹ gọi cửa nhưng không thấy con trả lời. Nghi có chuyện không may, người lớn phá cửa nhà vệ sinh thì phát hiện cháu treo mình lơ lửng. Trước đó tại TP.HCM, một bé gái 5 tuổi đã mất mạng sau khi xem và làm theo video hướng dẫn trò "thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube... Những chuyện không hay tương tự luôn là nỗi lo với mọi gia đình.
Mặt trái, hậu quả của mạng xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến hầu như mọi gia đình khi trẻ tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm và nhiều khi không kiểm soát được. Ăn cùng mạng, ngủ cùng mạng và việc vui chơi của trẻ, nhiều người lớn cũng giao phó cho mạng làm thay. Và tác hại lại khó lường khi trẻ đang lệ thuộc vào mạng. Một buổi sáng cách đây vài tuần, mạng YouTube toàn cầu bị sập và không ít phụ huynh lên mạng kể rằng hôm đó đã không dỗ trẻ ăn sáng được. Có người còn kể bị con giận vì cho rằng đã lừa các cháu...
Chúng ta cũng phụ thuộc và lạm dụng mạng xã hội qua nhiều cách khác nữa. Vô tư đăng ảnh của con lên mạng là khá phổ biến, thậm chí dùng hình ảnh trẻ để quảng cáo, bán hàng... Có những người dẫn con ra công viên chơi nhưng lại dán mắt vào điện thoại, sự cố có thể xảy đến với trẻ (té ngã, bị bắt cóc) khi chính phụ huynh đang say mạng xã hội... Việc trẻ nói tục, chửi thề, ứng xử không chuẩn mực nhiều khi cũng do bắt chước trên mạng.
Thấy được lỗ hổng và lấp lỗ hổng đó để bảo vệ trẻ là việc làm cần thiết và có trách nhiệm cao. Cần xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn hơn với trẻ và hướng tới giáo dục kỹ năng để trẻ có thể tự bảo vệ mình, tự nhận diện các nguy cơ trên môi trường mạng...
Để bộ quy tắc phát huy hiệu quả cao nhất, chính cha mẹ phải có trách nhiệm nhiều hơn trước. Bởi tiêu cực hay tích cực trên mạng cũng sinh ra từ trong mái nhà, từ hành vi và thói quen dùng mạng, từ người lớn. Trẻ học cái xấu, vướng vào cái độc trên mạng có thể từ lỗi vô ý của người lớn. Cha mẹ, phụ huynh chính là lá chắn hiệu quả nhất để bảo vệ con trước hậu quả tiêu cực của mạng xã hội. Đó cũng là cách góp phần bảo vệ hạnh phúc của gia đình mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận