06/11/2017 10:50 GMT+7

Bảo vệ cơ quan công quyền đừng hạch sách dân, được không?

BẢO THOA
BẢO THOA

TTO - Mỗi khi có việc đến các cơ quan công quyền, một trong những điều người dân "ngại" nhất là phải qua cửa mấy anh bảo vệ! Tại sao vậy?

Bảo vệ cơ quan công quyền đừng hạch sách dân, được không? - Ảnh 1.

Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo trích đăng những điều tai nghe mắt thấy của bạn đọc Bảo Thoa.

"Một lần vào một cơ quan nhà nước, tôi vừa tắt máy, xuống xe đã nhận ngay câu hỏi cộc lốc của anh bảo vệ: "Gặp ai?".

Nghe câu hỏi ngắn củn của anh bảo vệ, tôi cũng khó chịu trong lòng. Dù thế, tôi vẫn cố kiềm chế và trình bày rõ ràng họ tên, địa chỉ công tác, chức vụ và mục đích đến. 

Nhưng anh bảo vệ vẫn rắn: "Lãnh đạo chưa đến, gặp làm gì?". Tôi tiếp tục nhẫn nhịn nói lại một lần nữa về mục đích đến và đã hẹn trước rồi.

Nghe tôi nói đã hẹn trước, anh bảo vệ lại nói: "Để gọi điện đã. Cứ ngồi chờ thêm đi". Ngồi nhìn anh bảo vệ gọi điện hết phòng nọ đến phòng kia, tôi chỉ biết thở dài.

Thú thật, trước thái độ coi thường khách đến làm việc của anh bảo vệ khiến tôi rất tức tối, bực bội. "Làm việc" với bảo vệ hơn nửa tiếng, tôi mới được phép lên phòng gặp lãnh đạo của cơ quan ấy…

Lần khác, tôi đến một công ty để gửi giấy mời. Vừa dắt xe đến cửa đã bị bác bảo vệ bắt bẻ: "Chị kia, đi đâu?". Tôi trình bày rõ ràng nhưng vẫn bị truy vấn: "Ở phòng nào, tầng mấy nhỉ? Lên đó phải để chứng minh nhân dân tại đây".

Tôi ngoan ngoãn trình chứng minh nhân dân nhưng vẫn bị thắc mắc: "Sao chứng minh nhân dân cũ kĩ thế này? Có làm giả không đây?".

Chuyện bị bảo vệ ở các cơ quan "hạch sách" không còn là chuyện lạ. Tôi cũng từng chứng kiến ông bảo vệ ở một khu chung cư nhất định không cho một cụ già gửi xe đạp với lý do: "Ở đây chỉ nhận gửi ô tô, xe máy, có gì đem sang khu đối diện". 

Mặc dù cụ già đã cố năn nỉ chỉ lên một chút thôi nhưng vẫn không ăn thua đành phải quay đầu dắt xe gửi ở khu nhà đối diện.

Thực tế, chuyện bảo vệ nhắc nhở nếu như khách đến làm việc có sai sót như chưa tắt máy, không xuống xe dẫn bộ, bịt mặt kín mít… không có gì đáng bàn. Nhưng tôi nghĩ, nhắc nhở cũng cần có văn hóa. 

Thú thật, có không ít người cho mình cái quyền "giữ cổng" nên "hành" đủ điều, nói năng cộc lốc rất khó nghe. 

Có lẽ đến làm việc ở các cơ quan, tôi ái ngại nhất khi phải chạm trán với những ông bảo vệ khó tính như thế. 

Có lẽ, không chỉ một số bác bảo vệ mà ngay cả việc đến nhiều đơn vị, bệnh viện, ngân hàng… nhân viên nói trống không hoặc mải miết xem điện thoại, để khách ngồi đợi không phải chuyện lạ, chuyện hiếm.

Tôi nghĩ, chào hỏi một cách văn hóa với người khác cũng là tôn trọng chính mình. 

Chỉ một lời chào thôi, sao người ta có vẻ khó khăn với nhau như vậy? Có ai từng gặp chuyện bị nói cộc lốc, thiếu chủ ngữ như tôi hay không?"

Bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả. Còn bạn, có bao giờ bạn gặp phải các 'bác" bảo vệ như thế chưa? Theo bạn, làm gì để giảm tình trạng nói năng cộc lốc, chứng tỏ quyền hành của những "vị" này ở các cơ quan công quyền? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc gởi về email: [email protected]. Cảm ơn bạn!

BẢO THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên