Điều tra chống bán phá giá với thịt gà Mỹ không dễ thực hiện, do Hiệp hội Chăn nuôi và các doanh nghiệp chưa có sự chuẩn bị cần thiết - Ảnh: THUẬN THẮNG |
Sau khi gửi đơn, các hiệp hội chăn nuôi VN mới “té ngửa” khi biết rằng không phải cứ có đơn kiến nghị điều tra chống bán phá giá là được Nhà nước đứng ra làm, mà bản thân hiệp hội phải có đầy đủ chứng cứ, số liệu chứng minh ngành chăn nuôi gà trong nước bị thiệt hại ra sao vì gà Mỹ nhập khẩu.
Điều này cho thấy tính chủ động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của một phần lớn doanh nghiệp trong nước vẫn là một khái niệm rất xa vời. Cũng không thể dùng khái niệm “nước đến chân mới nhảy” cho trường hợp này của ngành chăn nuôi, bởi “nước hội nhập” đã tràn vào kể từ khi VN chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới cách đây 10 năm.
Việc lãnh đạo của hai hiệp hội nói trên tỏ ra khá lúng túng trong việc chuẩn bị những chi tiết “hậu cần” cho các bước tiến hành khởi kiện như khảo sát lại số lượng hội viên, tổng đàn vật nuôi, thống kê thiệt hại sau thời gian thua lỗ... cũng là điều dễ hiểu, bởi lâu nay tình huống này thường không nằm trong suy nghĩ của đa số doanh nghiệp trong nước.
Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, cái yếu nhất của doanh nghiệp trong nước nói chung là luôn mang tâm lý “không việc gì liên quan đến mình”, hoặc “nếu mình có bị gì thì chắc chắn Nhà nước sẽ hỗ trợ” nên thường nảy sinh tâm lý ỷ lại, thiếu thói quen tìm hiểu thông tin liên quan.
Trong khi thực tế lĩnh vực phòng vệ thương mại lại không giống như một số lĩnh vực cần được Nhà nước “cầm tay chỉ việc”, mà phụ thuộc hoàn toàn vào tính chủ động, chuyên nghiệp của doanh nghiệp, của hiệp hội.
Sự chuyên nghiệp từ cách thức tổ chức hội đoàn, năng lực tài chính đến nguồn lực nhân sự để có thể ứng phó với mọi tình huống, chứ không phải đến lúc “gặp chuyện” mới hỡi ôi: không có kinh phí đóng góp, không có kinh nghiệm thu thập dữ liệu thông tin, không tập hợp được đầy đủ hội viên cần thiết, không biết bắt đầu từ đâu...
“Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều buổi hội thảo, tuyên truyền các tình huống tranh chấp thương mại mà doanh nghiệp trong nước có thể phải đối mặt. Nhưng rất tiếc dường như các doanh nghiệp không quan tâm, không tìm hiểu dù các thông tin cần thiết trong lĩnh vực phòng vệ thương mại đã được chúng tôi cung cấp đầy đủ trên website của cục” - một cán bộ Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) chia sẻ.
Thực tế Nhà nước hoặc cơ quan chức năng chỉ có thể hỗ trợ bằng cách tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc tiếp cận thông tin, dữ liệu, hướng dẫn các thủ tục cần thiết, vào cuộc cùng với doanh nghiệp, hiệp hội ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện hợp lệ và xúc tiến làm những phần việc liên quan đến trách nhiệm quản lý của Nhà nước.
Vì suy cho cùng, pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào VN đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2002, nghĩa là doanh nghiệp đã có “bửu bối” để phòng vệ cho mình trong trường hợp bị hàng hóa nước ngoài “xâm lấn”, chứ không phải Nhà nước không có công cụ để bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Nhưng giữa “bảo vệ” với “bảo bọc” là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau và không phải lúc nào cũng được doanh nghiệp lựa chọn cách hiểu cho đúng.
Chính vì vậy, dù không thể phủ nhận ngành chăn nuôi trong nước đã đầu tư công nghệ chăn nuôi hiện đại của các nước tiên tiến để giảm giá thành sản phẩm, có thể cạnh tranh được với các cường quốc về chăn nuôi nhưng trước thực tế thịt đùi gà Mỹ bán rẻ tới mức không tưởng khi nhập khẩu vào VN, rõ ràng đây cũng là cơ hội quý báu để ngành chăn nuôi trong nước thấy rằng việc cải tiến công nghệ lẫn kỹ thuật chăn nuôi từ con giống, thức ăn đến quy trình nuôi... là vô cùng quan trọng nếu muốn đứng vững và tồn tại được trên sân nhà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận