Các khu rừng đặc dụng có tổng diện tích khoảng 64.500 ha bao gồm: Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.
Song song với đó, tỉnh Lào Cai đã có nhiều công trình nghiên cứu, điều tra khảo sát đánh giá của các tổ chức khoa học trong và ngoài nước về đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn.
Ngoài ra, Ban quản lý các khu bảo tồn thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, phát tờ rơi, hình ảnh các loài động, thực vật quý hiếm, đặc hữu cho người dân để tuyên truyền và có biện pháp bảo vệ.
Các đơn vị còn thành lập các chốt gác cố định tại những khu vực giáp ranh để kiểm soát việc vận chuyển gỗ lậu và tổ chức các chốt lưu động nằm sâu trong rừng đặc dụng để phát hiện và xử lý các trường hợp xâm lấn, khai thác lâm sản trái phép…
Hiện nay, vấn đề được tỉnh Lào Cai ưu tiên là tạo sinh kế và nơi ở mới bền vững cho các hộ dân đang sống trong vùng lõi các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia…
Được biết, theo kết quả các nghiên cứu chỉ ra rằng: Hệ thực vật các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh khá phong phú và đa dạng, phân bố trên nhiều sinh cảnh khác nhau, như trảng cỏ, cây bụi, các loài cây gỗ trên núi đất và núi đá.
Bước đầu thống kê được hệ thực vật các khu rừng đặc dụng Lào Cai có 6 ngành, 2 lớp, 231 họ, 1.254 chi và 3.864 loài thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, mộc lan là ngành đa dạng nhất với 193 họ, 3.326 loài. Tại các khu bảo tồn đã phát hiện 354 loài thực vật đặc hữu, quý hiếm, trong đó có 7 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới cần được ưu tiên bảo vệ đặc biệt.
Ngoài ra, các khu bảo tồn trên địa bàn tỉnh cũng có hệ động vật rừng đặc dụng rất phong phú về thành phần loài, với 955 loài động vật, thuộc 106 họ và 29 bộ, 5 lớp. Trong đó có 155 loài quý hiếm, 20 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới, 22 loài đặc hữu điển hình cho vùng núi cao Hoàng Liên Sơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận