13/08/2013 07:36 GMT+7

Bão Utor vẫn có khả năng vào VN

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Ngày 12-8, bão Utor đã vượt qua đảo Luzon (Philippines) đi vào phía đông khu vực bắc biển Đông trở thành cơn bão số 7 của VN. Sau khi vào biển Đông, bão đã hút năng lượng làm áp thấp nhiệt đới suy yếu và tan dần.

* Liên tục xuất hiện bão, áp thấp hiếm gặp

Lrcaecf1.jpgPhóng to
Vị trí và đường đi của bão - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương (NCHMF) tối 12-8, bão số 7 còn cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 580km về phía đông, đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (từ 134-149km/giờ), giật cấp 15-16.

Mạnh lên thành siêu bão

Ông Lê Thanh Hải, phó giám đốc NCHMF, nhận định sau khi được tiếp thêm năng lượng từ áp thấp nhiệt đới, bão số 7 sẽ mạnh thêm 1-2 cấp. Cụ thể ngày 13-8, bão số 7 gây ra gió cấp 14 (cấp 14 trở lên gọi là siêu bão), giật cấp 16-17.

Bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa tây tây bắc và tây bắc và đi chậm lại (10-15km/giờ).

Với những diễn biến hiện tại, ông Hải cho rằng khả năng bão đổ bộ vào khu vực đông đảo Lôi Châu (Trung Quốc) chiếm khoảng 70%. Hàng loạt trang dự báo quốc tế như Hải quân Mỹ, Nhật Bản... cũng đều có những nhận định tương tự. 30-40% khả năng còn lại bão sẽ vào phía Bắc của các tỉnh Đông Bắc bộ.

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương chiều tối 12-8, ông Hải cho biết nếu bão số 7 vào bán đảo Lôi Châu và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với sức gió cấp 14 thì gió mạnh cấp 10 vẫn bao trùm phía đông bắc vịnh Bắc bộ và một phần phía bắc tỉnh Quảng Ninh. Còn gió mạnh cấp 6 phổ biến trên vịnh Bắc bộ và các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thái Bình.

Bão số 7 sẽ gây mưa to trên diện rộng ở khu vực Đông Bắc bộ, vùng núi phía Bắc và các tỉnh trung du phía Bắc. Lượng mưa tập trung từ ngày 15 đến hết ngày 17-8.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông khu vực bắc biển Đông, khu vực quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 9-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17. Biển động dữ dội. Khu vực giữa và nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, các tỉnh Nam bộ và Tây nguyên có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và rải rác có dông.

Trước diễn biến của bão, ông Cao Đức Phát - bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trưởng Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương - đề nghị giám sát, điều tiết hồ chứa chặt chẽ vì các hồ chứa ở miền Bắc đã tích đến 80-90% dung tích (10 hồ đã đầy hoặc xả tràn). Các địa phương có sự cố đê điều trong đợt mưa bão số 6 vừa qua phải khẩn trương khắc phục, đề phòng đợt lũ mới trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình...

Đến chiều 12-8, các lực lượng chức năng và chủ tàu từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã thông báo được cho 68.457 tàu thuyền cùng 295.604 người biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Trong đó có 76 tàu và 981 người hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa (có thể bị nguy hiểm bởi bão).

Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương cho biết trong ngày 12-8 đã xảy ra một trường hợp mất tích là thuyền viên Bành Quang Mười trên một tàu của Bình Định bị rơi xuống biển khi tàu đang đánh bắt tại vùng biển cách Nha Trang khoảng 41 hải lý về hướng đông nam.

Philippines: ít nhất 3 người chết,13 người mất tích

Tính đến chiều qua 12-8, bão Utor đã gây thiệt hại nặng về người và của cho cư dân trên đảo Luzon.

Cơ quan Khí tượng Philippines cho biết Utor là cơn bão có cường độ mạnh nhất quét qua Philippines trong mùa bão năm nay. Philippines đang trong thế sẵn sàng ban bố tình trạng thiên tai khẩn cấp.

Theo báo điện tử ABS-CBN của Philippines, đã có ít nhất ba người chết trong khi số người mất tích vẫn chưa rõ ràng. Hội đồng quản lý và giảm nhẹ rủi ro thảm họa Philippines (NDRRMC) cho hay vẫn còn 13 ngư dân mất tích trong khi nguồn tin của quân đội Philippines ở đảo Luzon nói có 21 người mất tích.

Tại tỉnh Aurora, báo cáo ban đầu cho biết 600 ngôi nhà và 12 trường học đã bị phá hủy. Mất điện xảy ra trên diện rộng ở bắc đảo Luzon do gió quật ngã các cột điện. Tại thủ đô Manila, nhiều khu vực ngập trong biển nước, các trường học phải đóng cửa đến khi bão tan. Hai hãng hàng không nội địa cũng đã phải hủy 18 chuyến bay, trong khi giao thông đường biển và xe buýt công cộng tạm ngưng hoạt động.

Nếu còn bão nữa, tháng 8 sẽ lập kỷ lục

Liên tục từ đầu tháng 8 đến nay trên biển Đông đã xuất hiện ba cơn bão (số 5, 6, 7) và một áp thấp nhiệt đới, trong đó hai cơn bão số 5, số 6 ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, đây có phải là hiện tượng bất thường? Ông Lê Thanh Hải cho rằng thời điểm tháng 8 đến tháng 10 là thời gian xuất hiện nhiều của bão. Tuy nhiên theo ghi nhận, trong khoảng từ tháng 8-10 vào các năm 1973 và 1995 mới xuất hiện liên tục ba cơn bão, áp thấp nhiệt đới/tháng. Vì vậy bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện liên tục trong nửa đầu tháng 8 là hiếm gặp chứ không phải bất thường. “Cũng không loại trừ trong tháng 8 còn 1-2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới nữa thì đây sẽ là kỷ lục mới, chưa từng thấy” - ông Hải nói.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên