Bảo tồn sếu đầu đỏ ở châu Á: Thành công khiêm tốn

HỒNG VÂN 17/12/2020 04:12 GMT+7

TTCT - Các nước từng chứng kiến chuyện sếu đầu đỏ bỏ đi đã có nhiều nỗ lực để “đàn chim trở về”, nhưng không phải tất cả đều thành công trọn vẹn.

Các chuyên gia của sở thú Nakhon Ratchasima (Thái Lan) thả sếu đầu đỏ được ấp và nuôi dưỡng ở sở thú về tự nhiên. -Ảnh: Onnucha Hutasingh

Bảo vệ tổ chim

Một ngày trời quang mây tạnh đầu tháng 8-2020, một nhóm nhiếp ảnh gia người Myanmar ở Yangon đến vùng đồng bằng Ayeyarwady để chụp ảnh sếu đầu đỏ trong môi trường sống tự nhiên. Họ gặp 5 con sếu trong chuyến đi này, khi chúng đang tìm thức ăn trên cánh đồng và gần như không để ý đến những người nông dân đang làm việc cách đó vài mét.

Ngay từ trước khi sếu đầu đỏ biến mất ngoài tự nhiên, gần 25 năm trước, cơ quan lâm nghiệp Myanmar và các nhóm bảo tồn địa phương đã cùng nhau bảo vệ loài chim này, theo báo Myanmar Times ngày 27-8. Họ nói với nông dân về tầm quan trọng của sếu đối với hệ sinh thái và những gì cần làm để bảo vệ và bảo tồn chúng.

Một số nhóm bảo tồn thưởng tiền mặt cho người dân nếu họ phát hiện và bảo vệ tổ chim. Tình cờ là, ở nông thôn Myanmar, nhiều người dân tin rằng sếu đầu đỏ mang lại may mắn, nếu sếu đầu đỏ làm tổ trên ruộng lúa của họ, họ sẽ có một vụ mùa bội thu, vì thế họ rất hăng hái bảo vệ loài chim này.

Công tác bảo tồn sếu đầu đỏ của Myanmar đã đạt được một số thành công; số lượng của loài chim này đang ở mức ổn định, khoảng 600 con, tăng gấp 10 lần trong hơn 20 năm qua. 

Tuy nhiên, theo cô Daw Myo Sandar Win - giảng viên về động vật học tại Đại học Yangon, mức tăng này không đáng kể do các mối đe dọa môi trường khác, trong đó có cả những đe dọa do con người tạo ra.

Một cuộc khảo sát ngẫu nhiên của các nhà khoa học Myanmar trong năm nay tìm thấy ít tổ sếu hơn so với những năm trước, ngoài ra còn có nhiều ổ chim bị hư hỏng một phần. Họ cho rằng điều này dường như có liên quan đến lượng mưa ít hơn ở các vùng đất ngập nước trong năm 2020.

Và tại Myanmar, mối đe dọa lớn nhất đối với sếu đầu đỏ là các loại hóa chất nông nghiệp không được kiểm soát dùng cho cây lúa và hành vi phá tổ chim. “Sự tồn tại lâu dài của sếu đầu đỏ chỉ có thể được đảm bảo nếu cộng đồng địa phương và các cơ quan chính phủ phối hợp với nhau để tăng số lượng sếu đầu đỏ ở Ayeyarwady” - cô Win kêu gọi.

Làm mẹ của sếu đầu đỏ

Tại Thái Lan, sau nhiều năm biến mất ngoài tự nhiên, một vài cá thể sếu đầu đỏ đã xuất hiện trở lại hồi năm 2011. Đây là kết quả ban đầu của dự án thả sếu đầu đỏ về tự nhiên (Sarus Crane Reintroduction Project Thailand) có mặt rất lâu ở nước này.

Theo báo Bangkok Post ngày 14-9-2019, công lao này phải kể đến nỗ lực bảo tồn không mệt mỏi của Zoological Park Organisation (ZPO), tổ chức quản lý các vườn bách thú ở Thái Lan. Cơ quan này đã hợp tác với sở thú tỉnh Nakhon Ratchasima để ấp trứng sếu đầu đỏ trong điều kiện nuôi nhốt.

Dự án đầu tiên được tiến hành vào năm 1982 nhưng không thành công. Năm 1997, sở thú tỉnh Nakhon Ratchasima đầu tư xây dựng cơ sở nuôi sếu lớn nhất cả nước và áp dụng cả kỹ thuật sinh sản tự nhiên và nhân tạo. 

Một năm sau đó, vườn thú này nhận được cặp sếu đầu tiên do người dân dọc biên giới Thái Lan - Campuchia tặng cho dự án nhân giống sếu của vườn thú.

Đến năm 2007, khoảng 100 con sếu đầu đỏ đã chào đời. Vào năm 2011, vườn thú thả 10 con sếu đầu đỏ tuổi từ 5-8 ra tự nhiên lần đầu tiên. Năm sau đó, họ tiếp tục thả 9 con sếu đầu đỏ. Đến hết năm 2019, đã có 115 con sếu được ZPO ấp nở được thả về tự nhiên.

Con người chính là mối đe dọa lớn nhất đối với sự tồn tại của sếu đầu đỏ. Ở Thái Lan, loài chim này bị săn bắt để lấy thịt và trứng. Những hành vi săn bắn này đã giảm đáng kể nhờ các chiến dịch bảo tồn được quan tâm trong những năm gần đây, từ đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về số lượng sếu đang giảm dần.

Dù vậy, một mối đe dọa thường trực khác vẫn còn: việc sử dụng quá nhiều hóa chất trong nông nghiệp. Hóa chất gây nguy hiểm cho cả sếu đầu đỏ lẫn chuỗi thức ăn của chúng do dư lượng hóa chất thường bị trôi vào các ao hồ tự nhiên, giết chết thực vật và động vật nhỏ mà sếu ăn. Nếu không còn chuỗi thức ăn trong tự nhiên, sếu phải đi tìm kiếm thức ăn ở nơi khác.

Trên thực tế, sự biến mất của những vùng đất ngập nước tự nhiên do các hoạt động của con người đã buộc sếu đầu đỏ phải thích nghi bằng cách sống ở những vùng đất nông nghiệp thấp, trũng, ngập nước hoặc bỏ đi. 

Ngoài ra, tình trạng hạn hán cũng là áp lực với những vùng đất ngập nước có nguồn thức ăn của sếu. Điều này khiến việc bảo tồn, bảo vệ sinh cảnh tự nhiên đất ngập nước là cực kỳ quan trọng nếu muốn bảo tồn sếu lâu dài và hiệu quả.

Thái Lan đã mạnh tay thành lập Trung tâm bảo tồn sếu và đất ngập nước ở Buri Ram với nguồn vốn xã hội hóa huy động từ các doanh nghiệp và các tổ chức địa phương. Khu bảo tồn này vừa truyền thông về tầm quan trọng của việc bảo tồn sếu đầu đỏ, vừa là môi trường sống tự nhiên cho sếu, vừa là nơi tổ chức các hoạt động du lịch sinh thái. Khi tham quan khu bảo tồn này, du khách được yêu cầu giữ khoảng cách 200m để không làm phiền đàn sếu.

Dự án tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên đã nhận được sự ủng hộ của người dân ở Thái Lan, họ vui mừng khi thỉnh thoảng lại thấy sếu đầu đỏ - loài chim tưởng chỉ còn trong lời kể của ông bà - xuất hiện trên ruộng lúa nhà mình. 

Pratthana Ounchit, 49 tuổi, một người dân sống gần khu vực bảo tồn sếu đã đứng ra kêu gọi cấm xả rác, hạn chế dùng túi, hộp nhựa vì lo sợ sếu có thể ăn phải những mảnh nhựa từ loại rác khó phân hủy này.

Với chỉ hơn 100 con sếu được thả về tự nhiên, có thể thấy một khi đã mất đi, nỗ lực đưa đàn sếu trở về là không hề đơn giản, dễ dàng hay rẻ tiền.

Bạn của sếu đầu đỏ

Tại Ấn Độ, xương sống của Dự án bảo tồn sếu đầu đỏ, hoạt động rất tích cực ở 10 huyện nông nghiệp của bang Uttar Pradesh là lực lượng tình nguyện viên gọi là “Bạn của sếu đầu đỏ”, trong một chiến lược xây dựng mạng lưới “lực lượng bảo vệ sếu” ở các làng quê.

Dự án này thành lập những nhóm tình nguyện viên bao gồm người địa phương ở từng ấp, làng, hoạt động hoàn toàn bằng tinh thần nhiệt huyết. Những người này sẽ giúp nông dân hiểu mục đích bảo vệ sếu đầu đỏ, giải thích vì sao họ không nên xua đuổi hay phá tổ chim nếu chúng tình cờ xây tổ trên ruộng của mình.

Tổ sếu đầu đỏ ở bang Uttar Pradesh. Ảnh: Dự án Sarus Crane Conservation (Ấn Độ)

Những tình nguyện viên này và mạng lưới của họ cũng là những giám sát viên ở địa phương, ghi nhận những trường hợp săn trộm hoặc trộm trứng chim nếu có. Họ được tập huấn để theo dõi những con non và ghi lại tiến trình của sếu con. 

Mỗi ngôi làng “bạn của sếu” được tặng một cặp ống nhòm, một máy ảnh kỹ thuật số để làm tư liệu, đóng góp vào cơ sở dữ liệu khảo sát số lượng đàn sếu hằng năm.

Đến năm 2017, dự án bảo tồn sếu đầu đỏ của Ấn Độ đã xác định, giám sát và bảo vệ 493 tổ chim. Họ vẫn còn nhiều việc quan trọng khác cần làm: truyền thông về thực hành nông nghiệp tốt, giảm lượng hóa chất nông nghiệp để nước thải nông nghiệp không ảnh hưởng đến sếu đầu đỏ và chuỗi thức ăn của chúng, làm việc với cơ quan chức năng để cân bằng các nhu cầu bảo tồn sếu với các mô hình sử dụng nước khác của con người, tránh tháo nước đến cạn kiệt ở những khu vực lưu trú cuối cùng của đàn sếu.

Điều quan trọng nhất là họ đang thực sự hành động. ■


Làm việc sát sao với các cộng đồng trong bảo tồn nói chung và bảo tồn sếu nói riêng là chiến lược phổ quát ở nhiều nước.

Theo Wildlife Conservation Society - một tổ chức đang có dự án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Campuchia, để bảo vệ sếu đầu đỏ lâu dài, ta cần bảo vệ một cách nguyên vẹn nhất các địa điểm làm tổ và kiếm ăn còn lại của chúng. Thông tin, truyền thông tới người dân và có được sự ủng hộ của họ là rất quan trọng để bảo vệ tổ sếu, đặc biệt ở những nơi chim thường làm tổ, đẻ trứng.

Tại Campuchia, tổ chức này đang thực hiện một dự án dài hạn, tập trung vào việc xây dựng mạng lưới tại cộng đồng, phối hợp với cơ quan chức năng để ban hành các chính sách và hướng dẫn phù hợp.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận