Sáng 2-11, tỉnh Đồng Tháp tổ chức gặp gỡ các đơn vị đồng hành cùng đề án bảo tồn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Có đại diện lãnh đạo của hơn 60 doanh nghiệp, tập đoàn cùng tham dự hội nghị tại TP.HCM.
Nhiều giá trị đến từ sếu đầu đỏ
Ông Lê Quốc Phong - bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - chia sẻ sếu là loài chỉ thị cho rất nhiều giá trị sinh học, tự nhiên, tâm linh, văn hóa và gắn với đời sống tinh thần của người dân Đồng Tháp.
Năm 2024, nhiều loài chim và 4 cá thể sếu hội tụ về Tràm Chim, đây là tín hiệu vui, là kết quả bước đầu việc điều tiết nước và sự chuyển mình của hệ sinh thái. Làm sao môi trường sống của sếu được trả lại, đòi hỏi tư duy trong quản trị, bảo tồn, những người làm công tác quản lý.
Đề án đặt mục tiêu trong 10 năm, tuy nhiên hành trình này không đơn giản, chắc để có thể nhìn thấy được hàng trăm cá thể sếu trên cánh đồng Tràm Chim cần có sự chung tay của người dân địa phương và bạn bè trong nước, quốc tế.
"Tôi mong rằng người dân Đồng Tháp sẽ xem việc bảo tồn sếu là câu chuyện của chính mình, của chính nông dân Tràm Chim, bảo vệ và xem sếu như người bạn, người thân. Thực hiện chuyển đổi mô hình canh tác lúa sinh thái hướng hữu cơ và doanh nghiệp tham gia vào tiêu thụ.
Đề án áp dụng mô hình nuôi sếu từ Thái Lan đã nuôi và bảo tồn sếu thành công. Trong 10 năm sẽ có nhiều công việc phải làm và cần sự chung tay của cộng đồng", ông Phong nhấn mạnh.
Để sếu đầu đỏ có thể nuôi người
Bà Lê Nhật Thùy - phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam - cho biết công ty sẽ đồng hành cùng Đồng Tháp thực hiện đề án bảo tồn sếu với số tiền 1 triệu USD trong 5 năm. Sếu đầu đỏ là loài chim đặc biệt, qua dự án này sẽ góp phần nâng cao đời sống của người dân vùng đệm, gắn với phát triển du lịch địa phương.
"Được biết tỉnh Buriram, Thái Lan là nơi điển hình về bảo tồn sếu và đã nuôi thả sếu thành công, có thể nói "ban đầu là người nuôi sếu, sau này sếu sẽ nuôi người". Tôi mong rằng không chỉ C.P. mà sẽ có nhiều doanh nghiệp đồng hành với đề án này. Để trong tương lai chúng ta có thể nhìn thấy loài chim quý này trên quê hương Việt Nam của chúng ta", bà Thùy nói.
Tiến sĩ Trần Triết - giám đốc Chương trình bảo tồn sếu Đông Nam Á, Hội Sếu quốc tế (ICF) - cũng thông tin thực trạng đàn sếu về Việt Nam và Campuchia ngày càng giảm. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm đàn sếu giảm 8% số lượng cá thể, nhiều nhà khoa học đã tìm ra một vài lý do như: mất nơi sinh sản, chất độc trong quá trình sản xuất nông nghiệp khi sếu ăn thức ăn trên đồng bị ảnh hưởng làm suy giảm tuổi thọ.
"Mặt khác do việc quản lý nước trong rừng ngập nước làm thay đổi hệ sinh thái. Cho nên mục tiêu quan trọng nhất của đề án là phục hồi hệ sinh thái, tạo ra môi trường đa dạng sinh học để sếu có nơi sống quanh năm và sinh sản ngoài tự nhiên, đem lại nhiều lợi ích nhất cho nông dân góp phần vào mục tiêu phát triển nông nghiệp sinh thái của tỉnh Đồng Tháp", ông Triết nói.
Theo đề án chính thức được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt, trong vòng 10 năm (2022 - 2032) nuôi thả 100 con sếu, tối thiểu 50 con sống sót. Đàn sếu có thể tự sinh sản, tồn tại ngoài tự nhiên và có thể sinh sống quanh năm ở Vườn quốc gia Tràm Chim.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án gần 185 tỉ đồng. Trong đó gần 56 tỉ đồng dùng để tiếp nhận, nuôi dưỡng, nghiên cứu sinh sản và tái thả đàn sếu; cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống gần 25 tỉ đồng; xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững 36 tỉ đồng; thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền 17 tỉ đồng; đầu tư trang thiết bị cơ sở hạ tầng gần 52 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận