15/11/2009 19:44 GMT+7

Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống

PHẠM THÀNH NHÂN - TRUNG TÂN
PHẠM THÀNH NHÂN - TRUNG TÂN

TTO - Đã 4 năm trôi qua kể từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, công việc bảo tồn di sản này phần nhiều vẫn chỉ là đang và sẽ...

Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống

Sau đêm khai mạc lễ hội cồng chiêng quốc tế 2009 nặng tính trình diễn, hơn 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã ngồi lại với nhau vào ngày 14-11-2009 để bàn về “Sự thay đổi đời sống kinh tế, xã hội và bảo tồn văn hóa cồng chiêng ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”. Hội thảo do Viện Văn hóa nghệ thuật VN phối hợp cùng Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai tổ chức.

TTO - Đã 4 năm trôi qua kể từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, công việc bảo tồn di sản này phần nhiều vẫn chỉ là đang và sẽ...

ImageView.aspx?ThumbnailID=375323
Thạc sĩ Linh Nga Niê K'Đăm phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Thuận Thắng

Không gian hay cái cồng, cái chiêng?

Một vấn đề lớn được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm và bàn thảo sôi nổi là đối tượng thật sự cần được bảo vệ. Không gian sinh sống của đồng bào các dân tộc Tây nguyên nơi núi rừng hùng vĩ với bến nước, nhà rông... hay bảo vệ những chiếc chiêng, chiếc cồng cổ mà chúng ta cho là quý giá?

Cồng, chiêng cổ tuy vô giá nhưng nếu mất vẫn có thể tìm lại được hoặc đúc chiếc khác, nhưng nếu không còn không gian sinh sống, không còn những lễ tục gắn liền với đời người, cây trồng thì nền văn hóa cồng chiêng cũng sẽ mất đi bởi không còn nền tảng nơi chúng tạo sinh và được nuôi dưỡng qua bao thế hệ.

Người dân Tây nguyên hôm nay nhiều người vẫn biết đánh chiêng, nhưng như thạc sĩ Linh Nga Niê K’Đăm cho biết thì một phần trong số họ chỉ đánh để phục vụ du khách chứ không phải trong những sinh hoạt hằng ngày. Để rồi khi cồng chiêng chỉ còn là một nghệ thuật trình diễn thì nghệ thuật này, theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thông, lại không có gì đặc sắc.

Việc chỉ phục dựng lễ đâm trâu tại công viên Đồng Xanh sáng 14-11 mà không đâm trâu có thể vì lý do kinh tế hoặc lý do khác, nhưng việc không tái hiện lễ bỏ mả (Pơthi) do lễ hội này liên quan đến người đã khuất - là điều cấm kỵ đối với nhiều tộc người.

Từ việc không nhận thức đúng đối tượng, chúng ta đã phạm liên tiếp sai lầm trong công tác bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Việc cấm đoán một số lễ tục vì bị xem là mê tín chính là những ví dụ điển hình cho sai lầm trong nhận thức. Giáo sư Phạm Đức Dương than phiền ngay cả các nhà khoa học cũng chỉ mới nghiên cứu như “chuồn chuồn thấm nước” thì việc bảo vệ hiệu quả di sản e còn là chuyện xa vời.

Nhiều giải pháp, nhưng...

ImageView.aspx?ThumbnailID=375324
Các đại biểu thảo luận trong giờ giải lao - Ảnh: Thuận Thắng

Đề xuất các giải pháp để bảo vệ không gian văn hóa cồng chiêng, ông Shine Tosgihiko đề nghị nên phát hành chính thức các đĩa CD có chất lượng về cồng chiêng bởi trong những ngày “đi lang thang” tại Gia Lai ông đã không thể tìm được đĩa nhạc nào, chỉ toàn đĩa lậu thu lại những buổi biểu diễn cồng chiêng đó đây. Ý kiến xác đáng ấy nhận được lời hứa sẽ thực hiện, song dẫu cho có thực hiện thì liệu sẽ có bao nhiêu người tìm nghe cũng là cái cần suy nghĩ.

Việc đưa cồng chiêng vào giảng dạy trong học đường cũng tạo ra các cuộc tranh luận giữa một bên hi vọng giáo dục sẽ giúp giải quyết phần lớn vấn đề và bên kia cho rằng không thể cái gì cũng nhét vào đầu học sinh, chưa nói đến việc thiếu cơ sở vật chất, thiếu giáo viên đủ chuyên môn nghiệp vụ, đặc trưng âm nhạc cồng chiêng của các dân tộc...

Cử tọa đã vỗ tay khen ngợi đề xuất của ca sĩ Bạch Yến về việc nên cấp kinh phí cho những nghệ nhân cồng chiêng già để họ thảnh thơi truyền nghề cho giới trẻ. Bà nhấn mạnh nếu những danh hiệu như NSND, NSƯT chỉ là danh hiệu, một tấm giấy thì nên chăng đặt ra một danh hiệu khác có chế độ đãi ngộ. Giáo sư Yamaguchi giới thiệu kinh nghiệm ở Nhật và đồng thời là một đề xuất tiết kiệm - xây dựng website về văn hóa cồng chiêng để mọi người quan tâm có thể tìm hiểu.

Giáo sư Trần Quang Hải khuyên nên lập ra giải báo chí dành cho những tác giả, bài báo có đóng góp trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc bởi theo ông, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong nâng cao ý thức cộng đồng. Thế nhưng tất cả đều vướng phải vấn đề nan giải: tiền đâu? Một vấn đề khác được giáo sư Tô Ngọc Thanh đặt ra là ai sẽ thực hiện tất cả công việc đó nếu không nhận được sự bảo trợ. Ông nhấn mạnh: “Nếu Nhà nước không vào cuộc thì chúng ta, những giáo sư, nhà nghiên cứu ngồi đây chỉ nói cho nhau nghe mà thôi”.

Đã nói, đã bàn, đã đề xuất và... đã qua 4 năm. Những giá trị di sản của đồng bào Tây nguyên vẫn đang biến đổi từng ngày và đứng trước nguy cơ mai một, trong khi đó vẫn có những câu hỏi về phương án khai thác du lịch trên di sản. Khai thác du lịch không hẳn đã xấu, nhưng như tiến sĩ Steve Dery cảnh báo điều đó cũng tiềm ẩn rủi ro khi chúng ta quá lệ thuộc vào nó.

Phải làm gì với Tây nguyên? Nói như giáo sư Trần Văn Khê và nhiều học giả thì phải bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng trong chính đời sống của nó để nó tự biến đổi với chính những giá trị nội tại và đừng áp đặt lên nó cái ta nghĩ là sẽ tốt hoặc cái ta muốn nó trở thành.

PHẠM THÀNH NHÂN - TRUNG TÂN

 ------------------------------------

* Tin bài liên quan:

>> Phố núi đợi hội cồng chiêng >> Festival cồng chiêng đã sẵn sàng >> Giữ rừng cho cồng chiêng >> Cồng chiêng không còn chức năng thiêng liêng trong lễ hội >> Phố núi đợi hội cồng chiêng>> 40 đoàn tham dự Festival cồng chiêng quốc tế>> Đêm nhạc Âm vang cồng chiêng>> Cồng chiêng Tây nguyên qua ảnh tư liệu của Pháp>> Học đánh cồng chiêng>> Người giữ tiếng chiêng cho đời sau>> Hội tụ văn hóa cồng chiêng>> Phố núi đêm khai hội cồng chiêng>> Khai mạc Festival cồng chiêng quốc tế 2009>> “Chiêng nhí” vào hội>> Âm thanh tre nứa Tây nguyên

PHẠM THÀNH NHÂN - TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên