Việc báo tin giả không thể qua mắt cơ quan điều tra, nên người báo tin khó lòng "thoát nợ" bằng cách này. Thậm chí bị phạt tiền, phạt tù vì tin giả.
Bị bắt cóc, bị xịt thuốc mê, cướp táo tợn... đều là tin giả
Đầu tháng 4, người dân ở xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi xôn xao khi bà Trần Thị Hoa (xã Bình Dương) báo tin con gái 6 tuổi bị nhóm người (khả nghi chồng cũ) đến bắt cóc và yêu cầu 15 triệu đồng tiền chuộc, nếu không sẽ giết cả hai mẹ con.
Bà Hoa đến Công an xã Bình Dương trình báo vụ việc và cho biết do lo sợ đã vay mượn 10 triệu đồng bỏ vào túi xách rồi đến tuyến bờ kè phía bắc sông Trà Bồng bỏ ở vị trí người bắt cóc yêu cầu.
Tiếp nhận vụ việc nghiêm trọng, công an vào cuộc, sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, truy xét camera nhà dân, tìm nhân chứng... vẫn không thấy dấu hiệu khả nghi.
Nghi ngờ tin giả, Công an xã Bình Dương làm việc lại với bà Hoa. Quanh co không được, bà Hoa khai nhận con gái bị bắt cóc, tống tiền do bà bịa ra. "Do tôi thiếu nợ tiền của nhiều người, không có tiền trả nên tôi "dựng" chuyện để mượn tiền người thân trả nợ", bà Hoa khai.
Một vụ báo tin khác, bà Nguyễn Thị Thuyết (xã Nghĩa Thương, huyện Tư Nghĩa) đến Công an xã Nghĩa Thương trình báo bị kẻ lạ đến nhà xịt thuốc mê, thao túng tâm lý khiến bà Thuyết đưa hết tài sản tiền, vàng, điện thoại. Vụ việc gây sợ hãi trong dư luận.
Trước tính chất nghiêm trọng của vụ án, Công an xã Nghĩa Thương lập tức báo cáo tình hình với lãnh đạo Công an huyện Tư Nghĩa. Cán bộ điều tra, trinh sát tỏa đi. Người lấy lời khai nạn nhân, người truy vết, người đến hiện trường...
Rầm rập phá... án giả
Lấy lời khai bà Thuyết, bà này nói bị tấn công bất ngờ, không biết hình dáng, phương tiện gây án. Dù lời khai khá logic xong với con mắt nghiệp vụ, các điều tra viên kiểm tra hiện trường phát hiện nghi vấn về tính xác thực của vụ đánh thuốc mê cướp tài sản.
Các trinh sát cũng báo về, kiểm tra camera khu vực thời gian bà Thuyết nói xảy ra vụ việc khu vực hoàn toàn bình thường.
Nghi ngờ tin giả, điều tra viên làm việc với bà Thuyết. Biết bị bóc mẽ, bà này khai nhận không có vụ cướp như tin báo. Bản thân do nợ nần nên báo tin giả mất tiền để không bị chủ nợ đòi.
Rất nhiều tin giả được công an các địa phương tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận. Trong đó có những việc được dựng lên với tính chất táo tợn, gây hoang mang.
Với kinh nghiệm xử lý nhiều tin giả trên địa bàn, trung tá Võ Hữu Vi - đội trưởng đội cảnh sát hình sự Công an thị xã Đức Phổ - cho biết: "Sau khi tiếp nhận báo án, quá trình điều tra chúng tôi đã làm rõ các tin báo này là giả. Đa số người báo tin đã vướng nợ nần. Tạo tin giả để chủ nợ không gây áp lực đòi nợ. Công an thị xã đã răn đe, giáo dục, xử phạt người báo tin giả".
Nhẹ xử phạt hành chính, nặng coi chừng đi tù
Tin giả gây hoang mang dư luận, mỗi khi tiếp nhận lực lượng công an lại vất vả vào cuộc điều tra. Những người báo tin giả vừa qua nhẹ thì giáo dục, răn đe, nặng hơn thì phạt hành chính.
Công an khuyến cáo nếu người báo tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đề nghị người dân không tung tin thất thiệt vì bất kỳ lý do gì để không gánh hậu quả pháp lý.
Luật sư Mai Quốc Việt (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho biết: Theo quy định tại điểm c, khoản 3 điều 7 nghị định 144/2021/NĐ-CP, người báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ bị phạt hành chính từ 2 triệu đến 3 triệu đồng.
Riêng cán bộ, công chức, viên chức nếu báo tin giả về tội phạm thì áp dụng điều 23, nghị định 31/2019 (năm 2019) để xử lý. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc hình sự.
"Bên cạnh đó, nếu trong quá trình điều tra, cơ quan công an làm rõ thông tin giả tạo ra nhằm che giấu một hành vi phạm tội hình sự, thì người vi phạm sẽ bị xử lý với tội danh tương ứng", luật sư Việt nói.
Ngoài ra, nếu bịa đặt, tố cáo gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội vu khống. "Người báo tin giả phải bồi thường cho người bị tin giả gây thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự. Thậm chí tin giả nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Việt nói.
Luật sư Việt viện dẫn quy định tại điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017), người nào bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.
Ngoài ra, người báo tin giả nghiêm trọng còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.
Còn điều 9, pháp lệnh 02 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực từ ngày 1-9-2022), cá nhân báo tin tội phạm sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 1 - 30 triệu đồng. Tổ chức vi phạm sẽ nhân đôi mức phạt so với cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận