01/07/2014 09:56 GMT+7

Báo tin cho Tuổi Trẻ vì trách nhiệm công dân

N.T.PHÚC - Đ.QUYÊN
N.T.PHÚC - Đ.QUYÊN

TT - ““Xếp lịch” qua trạm La Ngà”, “Chung tiền qua trạm cân Đạ Hoai”, “Khi lớp có 100% học sinh yếu, kém”, “Vết nứt trên trụ cầu Lê Văn Sỹ...” là những thông tin của bạn đọc đã góp phần làm nóng trang báo Tuổi Trẻ trong tháng 5-2014.

OXNi6Ku4.jpg
Nguyễn Tấn Tài và Võ Bá Pháp - Ảnh: G.Tiến

Và khi được trân trọng trao giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ tháng 5-2014”, những bạn đọc này đều cho biết họ đã báo tin từ trách nhiệm của một công dân, báo tin để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Bức xúc với “cò vượt trạm”

Vấn nạn xe quá tải ngang nhiên bon bon trên quốc lộ 20 bất chấp đã có hai chốt trạm kiểm soát của cơ quan chức năng không chỉ là nỗi bức xúc của bạn đọc cả nước, mà chính các tài xế chân chính đang cầm tay lái mưu sinh hằng ngày cũng không chấp nhận được tình trạng này. Vậy nên hai tài xế N.V.S. (Đồng Nai) và P.T.H. (Lâm Đồng) đã gọi về đường dây nóng báo Tuổi Trẻ để cùng phản ảnh đường dây chung chi tiền thông qua “cò” một cách công khai, lộ liễu để vượt trạm cân ở Đạ Hoai (Lâm Đồng) và cầu La Ngà (Đồng Nai). Từ tin báo này, phóng viên báo Tuổi Trẻ đã vào cuộc điều tra để có loạt bài “” trong tháng 5-2014 thu hút sự chú ý rất lớn của bạn đọc cả nước.

Khi nhận giải thưởng “Làm báo cùng Tuổi Trẻ”, tài xế N.V.S. không giấu vẻ vui mừng: “Tôi vui không phải vì được nhận tiền thưởng mà vì báo Tuổi Trẻ đã vào cuộc nhanh chóng sau khi tiếp nhận phản ảnh của chúng tôi. Là bạn đọc lâu năm của Tuổi Trẻ, tôi đã không thất vọng khi tin tưởng vào báo Tuổi Trẻ trong công tác đấu tranh chống tham nhũng, sớm đem lại bình yên an toàn giao thông trên tuyến đường”.

Nghe hỏi là tài xế, phản ảnh lên báo như vậy có sợ bị trả thù hay không, bạn đọc S. đưa điện thoại của mình chỉ vào số đường dây nóng báo Tuổi Trẻ nói: “Ai cũng sợ vậy thì cứ để kẻ xấu tung hoành giữa ban ngày sao? Tôi vẫn sẽ tiếp tục báo tin cho báo khi thấy những vấn đề nhức nhối trong cuộc sống với niềm hi vọng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn”.

Cũng với niềm tin “báo tin để cuộc sống tốt đẹp hơn”, tài xế P.T.H. kể lại hoàn cảnh gọi điện đến báo Tuổi Trẻ của mình: “Hằng ngày hình ảnh “cò” lộng lành công khai dẫn các xe quá tải vượt trạm khiến người dân chúng tôi rất bức xúc.

Chính phủ đã thành lập các trạm cân di động để kiểm soát xe quá tải, nếu cứ để “cò” lộng hành qua trạm như vậy thì trạm cân hoạt động không thể có hiệu quả. Những tài xế làm ăn đàng hoàng cũng sẽ bị ảnh hưởng nên tôi đã quyết định gọi báo tin cho Tuổi Trẻ”. Tài xế H. cũng nói người dân mong muốn không chỉ là việc dẹp bỏ thực trạng “cò” qua trạm cân, mà mong sao trên các tuyến đường cả nước lực lượng chức năng sẽ làm việc trách nhiệm hơn để đem lại an toàn cho người đi đường.

Tuổi Trẻ hãy viết tiếp...

Sinh viên Nguyễn Tấn Tài (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) đầy băn khoăn sau khi đọc giải thích của thầy hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Cừ, huyện Hóc Môn, TP.HCM về tình trạng “” (Tuổi Trẻ ngày 26-5) ở trường này.

Tài đã báo cho Tuổi Trẻ thông tin kết quả cuối năm học vừa rồi, toàn bộ học sinh lớp 10C11 của trường này phải thi lại và 33/35 em lớp 10C10 của trường cũng cùng chung số phận với băn khoăn: “Theo như những gì tôi học ở Trường đại học Sư phạm thì một lớp có 35 học sinh thật sự là “sĩ số vàng”. Với sĩ số này, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn đều dễ dàng bao quát lớp. Vì thế, chuyện một trường có nhiều lớp 100% học sinh yếu kém là rất khó hiểu. Ngay cả lớp của người em họ tôi cũng chỉ có hai em lên lớp, 33 học sinh còn lại đều lưu ban”.

Tài chia sẻ: “Theo tôi, cách lý giải của thầy hiệu trưởng như thế chưa ổn. Lớp phải có học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu để các em học hỏi lẫn nhau chứ chia ra những lớp chỉ giỏi và những lớp toàn yếu chẳng khác nào phân biệt đối xử. Tôi chỉ mong thầy và nhà trường hãy xem lại cách chia lớp hiện nay và cho các em một bước đi vững chắc vào đời”.

Tài kể ngày trước cũng tại trường này, một lớp mà có 2-3 học sinh phải thi lại hoặc lưu ban đã là nhiều, là đáng lo cho tương lai của các học sinh này rồi. Vậy mà bây giờ có đến hai lớp lưu ban gần 100% thì các em ấy sẽ làm gì, sẽ mặc cảm ra sao? Cứ trăn trở như vậy nên sinh viên này đã bỏ không ít thời gian để gặp gỡ, trò chuyện với các em cùng chung số phận của em họ mình để hỏi thăm thì được biết nhiều em đã bỏ học, đi tìm việc làm, một số ít sẽ vừa làm vừa học ở trung tâm giáo dục thường xuyên.

Và Tài xem đó là “một tương lai không mấy sáng sủa” cho các em khi phải vào đời sớm, rồi “đặt hàng” tiếp: “Tuổi Trẻ hãy có thêm những bài báo khác để các thầy cô quan tâm hơn đến các học sinh yếu, kém, vực dậy tinh thần học tập, đặc biệt là đừng phân loại lớp như hiện nay vì dễ khiến các em nhụt chí, không còn ham thích học nữa”.

Vết nứt hay vết xước?

Là người dân sống gần cầu Lê Văn Sỹ (TP.HCM), bạn đọc Võ Bá Pháp đã phát hiện những vết rạn nứt ở một trụ bêtông ngay sau khi cầu này vừa được thông tuyến trở lại. “Tôi đi xem người ta câu cá ngay chân cầu và thấy trụ bêtông đầu tiên phía đường Trường Sa về hướng Tân Bình có vết rạn nứt. Tôi báo tin liền cho Tuổi Trẻ vì nghĩ đó là trách nhiệm của một người dân”, bạn đọc Pháp cho biết. Và với trách nhiệm ấy, sau khi báo Tuổi Trẻ đăng tin về sự kiện này, trong đó có giải thích của Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM: “” (Tuổi Trẻ ngày 2-5), bạn đọc Pháp đã băn khoăn là giải thích đó không hợp lý. “Việc rút lồng thép của trụ cầu không thể gây ra vết xước. Vả lại, vết xước không thể đi theo hàng xương cá như vậy mà chỉ có thể là vết nứt, vết rạn”, bạn đọc này phân tích và cho biết thêm sau khi báo đăng tin, khoảng một tuần sau trụ này cùng các trụ bêtông khác đã được trét hồ dầu nên bây giờ không còn nhận ra những vết rạn nữa.

N.T.PHÚC - Đ.QUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên