08/06/2019 17:26 GMT+7

Bảo tàng TP.HCM sẽ lưu trữ đường ray 100 tuổi của cầu sắt Phú Long

LÊ TỨ
LÊ TỨ

TTO - Liên quan đến bài viết 'Đường ray trăm tuổi… đem bán sắt vụn', ngày 8-6 các đơn vị liên quan đến việc tháo dỡ cầu sắt Phú Long, TP.HCM cho biết đã tìm lại được các đoạn đường ray hơn 100 tuổi.

Bảo tàng TP.HCM sẽ lưu trữ đường ray 100 tuổi của cầu sắt Phú Long - Ảnh 1.

Một phần đoạn đường ray hiện được bảo quản tại kho phế liệu ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) - Ảnh: LÊ TỨ

Theo đó, hiện một phần đoạn đường ray rỉ sét được tập kết về kho phế liệu trên đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh,TP.HCM). Phần còn lại (còn nguyên vẹn và ghi dấu nhà sản xuất Pháp) đã được chuyển về (cũ).

Ông Nguyễn Vĩnh Ninh - phó giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (UBND TP.HCM) - thông tin: đã phối hợp với Bảo tàng TP.HCM lưu trữ 1 đoạn ray đường sắt chiều dài khoảng 2m. Ngoài mục đích lưu giữ, bảo quản hiện vật cổ thì sẽ trưng bày tại bảo tàng.

Đại diện Bảo tàng TP.HCM cho biết vẫn để đoạn đường ray tại cầu sắt Phú Long (cũ) bảo quản. Khi việc tháo dỡ cầu hoàn tất, đơn vị sẽ đưa đoạn đường ray cùng với 2 nút dàn thép, bảng tên cầu từ năm 1913 và một phần mái vòm (đã xin lưu trữ trước đó) về bảo tàng cùng lúc.

"Đoạn đường ray này rất có giá trị về lịch sử. Bởi trên đây có ghi rõ nhà sản xuất - dấu tích thời gian, công nghệ thời bấy giờ. Đặc biệt, nó giúp chúng ta hiểu biết thêm về kỹ thuật làm đường sắt thời kỳ đầu của một trong những tuyến sắt đầu tiên Pháp làm ở Việt Nam", đại diện bảo tàng TP.HCM, nhìn nhận.

Bảo tàng TP.HCM sẽ lưu trữ đường ray 100 tuổi của cầu sắt Phú Long - Ảnh 2.

Vị trí phát hiện đoạn đường ray (phía tỉnh Bình Dương) - Ảnh: LÊ TỨ

Như đã thông tin, trong quá trình tháo dỡ cầu sắt Phú Long (nối TP.HCM và tỉnh Bình Dương), nhóm công nhân phát hiện đoạn đường ray khoảng 25m (khổ 1m) dưới lớp bêtông nhựa bản mặt cầu. Do không biết đây là những đoạn đường ray cổ nên họ vứt lăn lóc, sau đó mang chuyển về kho tập kết phân loại bán sắt vụn.

Theo BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, trước đó, trong quá trình khảo sát lên phương án tháo dỡ cầu, đơn vị tư vấn giám sát không đề cập đến chi tiết có đường ray cổ tại đây nên chỉ thống nhất với Bảo tàng TP.HCM lưu trữ một phần cấu kiện như đã nêu.

Có nên giữ lại toàn bộ đoạn đường ray?

Đại diện BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, sau khi thông tin được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ, phía Sở GTVT đã có yêu cầu tìm lại đoạn đường ray và bảo quản toàn bộ.

Tuy nhiên đến hôm nay, đơn vị này vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của Sở GTVT TP.HCM về việc xử lý cuối cùng nên cứ bảo quản tại kho và chờ.

Đường ray hơn 100 năm dỡ từ cầu sắt Phú Long bị bán phế liệu

TTO - Những đoạn đường ray này được nhóm công nhân thi công tháo dỡ cầu Phú Long tìm thấy sau khi đục lớp nhựa đường ở đầu cầu phía thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.

LÊ TỨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên