Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM bị công trình xây dựng xung quanh gây ra tình trạng cổng hàng rào bị lún, tường nứt, nền nhà bong tróc... - Ảnh: TỰ TRUNG
Cuối năm 2019, công trình cao ốc ở tứ giác Bến Thành tiếp tục thi công sau một thời gian tạm ngưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu 3 tòa nhà hiện hữu của bảo tàng.
Trích báo cáo của Bảo tàng Mỹ thuật
Sở VH-TT TP.HCM vừa có văn bản đề xuất gửi đến UBND TP, Sở Xây dựng để yêu cầu chủ đầu tư dự án cao ốc tại khu tứ giác Bến Thành thực hiện các biện pháp khắc phục khẩn cấp những hư hỏng của Bảo tàng Mỹ thuật do việc thi công cao ốc gây ra.
Hư hỏng ngày càng nặng
Những năm gần đây, tòa nhà Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM (97-97A Phó Đức Chính, Q.1) xuất hiện nhiều vết nứt cả trong các khối nhà chính và hàng rào, nền sân. Theo Sở VH-TT TP.HCM, tòa nhà trở nên như thế là do tác động của việc thi công cao ốc tại khu tứ giác Bến Thành.
Hư hỏng nhiều và dễ thấy nhất là ở tầng 2 của khối nhà 1 (khối nhà nằm phía đường Lê Thị Hồng Gấm) với những vết nứt tường ngày càng rộng, kéo dài từ nền lên đến trần nhà.
Ở hành lang tầng 2 phía sau của khối nhà 1, có các vết nứt kéo dài trên nền từ bên này đến bên kia hành lang, "leo" lên bancông ra bên ngoài như muốn chia đôi dãy hành lang này.
Cũng khu vực này, nhiều góc tường có những vết nứt lớn, tường bị xé vị trí gần trần nhà. Một số vết nứt ngang cửa vòm, ở lan can các bao lơn, có chỗ gạch nền bị bong tróc…
Tường rào của bảo tàng phía đường Lê Thị Hồng Gấm cũng bị võng xuống và ngã ra phía lề đường do nền đất dưới chân bị lún.
Cổng số 1 Lê Thị Hồng Gấm bị lệch, hai cánh cổng không thể mở ra, vòm phía trên cổng bị cong lại. Lo sợ bức tường và cổng rào có thể bị đổ, bảo tàng treo băngrôn cảnh báo người dân không được đến gần.
Nền sân của bảo tàng phía đường Lê Thị Hồng Gấm - đối diện với công trình cao ốc tại khu tứ giác Bến Thành - bị lún, bong gạch nền. Nhà bảo vệ ở cổng số 1 Lê Thị Hồng Gấm bị nứt tường.
Theo lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật, không chỉ khối nhà 1 (gần công trình ở khu tứ giác Bến Thành nhất) mà các khối nhà khác cũng có nhiều vết nứt, xuất hiện ngày càng nhiều hơn và rộng ra. Việc lún nứt bắt đầu từ khi dự án cao ốc bên kia đường Lê Thị Hồng Gấm khởi công xây dựng các tầng hầm.
Nghiêm trọng nhất là vào tháng 3-2017, các phù điêu "cá hóa long" mỗi đầu các ống thoát nước trên tầng mái ở sân trong của khối nhà 1 bị nứt và rơi xuống, một số phù điêu ở trước tòa nhà cũng bị nứt.
Cao ốc bao vây
Trong văn bản gửi UBND TP và các cơ quan chức năng, Sở VH-TT kiến nghị với UBND TP yêu cầu chủ đầu tư dự án tại khu tứ giác Bến Thành phải thực hiện nhiều biện pháp để khắc phục, bảo quản, sửa chữa các hạng mục bị hư của trụ sở bảo tàng.
Cụ thể là khắc phục khẩn cấp theo nguyên trạng hạng mục tường rào, cửa cổng và nền của khuôn viên sân bảo tàng. Chủ đầu tư phải thuê đơn vị chức năng để kiểm định và đánh giá chất lượng công trình của các khối nhà 1, 2, 3 và nhà bảo vệ để có giải pháp xử lý, khắc phục triệt để…
Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM kêu cứu vì việc xây dựng cao ốc ảnh hưởng đến tòa nhà di tích nổi tiếng của TP này.
Một chuyên gia về chất lượng công trình tại TP.HCM cho biết việc lún nứt ở bảo tàng đã xuất hiện cách đây mấy năm và lãnh đạo đơn vị này cũng đã báo cáo cơ quan chức năng.
Thời điểm đó, Sở Xây dựng và các đơn vị kiểm định cũng đã vào cuộc để kiểm định chất lượng và tìm nguyên nhân.
Tuy nhiên, lúc đó có đến 3 công trình cao ốc và 1 nhà ga trung tâm metro ngầm đang xây dựng trong khu vực được cho là có thể ảnh hưởng đến di tích cấp thành phố này.
Vì vậy, đơn vị kiểm định không có cơ sở kết luận dự án cụ thể nào tác động xấu tới tòa nhà. Sau những cuộc thỏa thuận, thương lượng, bảo tàng tự sửa chữa.
Một cán bộ Sở Xây dựng cho biết sở đã nhận được văn bản báo cáo mới nhất của Sở
VH-TT và đã kiểm tra thực địa tại công trình cùng với những đơn vị chức năng khác. Trước mắt, Sở VH-TT hay bảo tàng cần phải mời một đơn vị kiểm định đánh giá lại mức độ hư hỏng của tòa nhà, từ đó có phương án xử lý cho phù hợp.
Trụ sở Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM được thiết kế vào năm 1929 và xây xong năm 1934. Đây là một trong những công trình do ông Hứa Bổn Hòa (người Sài Gòn còn gọi là Chú Hỏa) làm chủ ở trung tâm thành phố hiện nay cùng với các công trình nổi tiếng khác như khách sạn Majestic, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm cấp cứu Sài Gòn, chùa Phụng Sơn…
Năm 1987, tòa nhà được dùng làm Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và đi vào hoạt động năm 1992, được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp thành phố vào năm 2012. Tòa nhà bao gồm 3 tầng, trưng bày các tác phẩm hội họa, điêu khắc, cổ vật có giá trị mỹ thuật cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận