Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, 18 trong số 20 trang phục triển lãm tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở TP.HCM có chú thích thiếu chính xác - Ảnh: Thái Lộc |
“Không nên coi bảo tàng là một thiết chế mang tính chính trị, mà hãy coi đó là một nơi đáp ứng “3E”: Education (giáo dục) - Enrichment of knowledge (làm giàu tri thức) - Entertainment (giải trí) cho cộng đồng |
TS TRẦN ĐỨC ANH SƠN nói: “Bảo tàng VN là “câu chuyện muôn thuở” với quá nhiều sự tồn tại và chưa hi vọng thấy được hồi kết tốt đẹp.
Những thực tế báo Tuổi Trẻ nêu, theo tôi, tự thân các bảo tàng không muốn như vậy. Đó là hệ quả từ quan niệm, từ nhận thức ở tầm cao hơn về bảo tàng và vai trò của hệ thống bảo tàng.
Đáng lưu tâm là hệ thống đào tạo những người làm công tác bảo tàng ở nước ta hiện nay đã quá lỗi thời, lạc hậu”.
* Lạc hậu như thế nào, thưa ông?
- Ở các nước tiên tiến, bảo tàng là những điểm đến hấp dẫn của du lịch, là những điểm sáng về văn hóa - giáo dục và cũng là điểm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Họ không đào tạo người làm bảo tàng như ở VN. Trong lĩnh vực bảo tàng học, họ không đào tạo bậc cử nhân. Họ chỉ đào tạo ở các bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành bảo tàng học.
Vì thế trong việc tuyển chọn nhân sự cho bảo tàng, nếu chọn người làm công tác trưng bày, họ tuyển dụng người tốt nghiệp ngành mỹ thuật; chọn người làm công việc nghiên cứu và sưu tầm thì đó là người học ngành lịch sử hay lịch sử mỹ thuật; chọn người làm công việc thuyết minh thì họ chọn người học văn hóa học hay ngoại ngữ; chọn người làm công tác bảo quản hiện vật thì đó là những người học các ngành lý, hóa, sinh...
Sau đó, những người này mới tiếp tục học ở bậc cao hơn trong lĩnh vực bảo tàng học theo đúng chuyên môn của mình. Nhờ vậy họ có trình độ chuyên môn cao và hành nghề chuyên nghiệp.
Trong khi đó ở VN, các trường đại học văn hóa có đào tạo cử nhân ngành bảo tồn - bảo tàng.
Họ được học đủ các kiến thức: lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật, trưng bày, bảo quản, bảo tồn và phát huy giá trị, truyền thông... theo kiểu nhồi nhét một mớ lý thuyết suông, rất ít có cơ hội tiếp cận thực tế và thực hành chuyên môn. Mỗi môn học chỉ vài chục tiết và cái gì cũng học.
Những cử nhân ngành bảo tàng học này được xem là cái gì cũng biết, nhưng thực tế thì không biết một cái gì đến đầu đến đũa nên khi bắt tay vào việc thì lúng túng, không làm được việc.
* Còn những mặt nào khác nữa theo nhận xét của ông?
- Nếu mổ xẻ câu chuyện bảo tàng thì còn có nhiều dẫn chứng về sự yếu kém, nhược điểm và đi ngược với sự phát triển của bảo tàng học thế giới.
Ở đây chỉ xin dẫn chứng cụ thể, đó là việc các trường đại học văn hóa thường mở các khóa học giám định cổ vật dành cho cán bộ ngành bảo tàng và những người công tác liên quan.
Tôi có tham dự lớp này và thấy nhiều giảng viên rất thiếu kiến thức về cổ vật và về bảo tàng nói chung do họ ít va chạm thực tế. Vì thế những kiến thức họ truyền đạt lổn nha lổn nhổn và sai lạc khá nhiều.
Học viên học xong được cấp chứng chỉ, nhưng dường như chẳng biết gì thêm và không thể giám định được hiện vật nào. Kết quả là đồ thật thì nói là đồ giả, đồ giả thì cho là bảo vật... vô cùng nguy hại.
Thứ hai, ngành văn hóa cũng đối xử không đúng mực đối với người làm công tác bảo tàng. Phụ cấp nghề nghiệp cho người làm công tác bảo tàng đứng hàng thứ 7 trên 8 bậc phụ cấp dành cho các đối tượng công tác trong ngành văn hóa.
Vì thế những người công tác trong ngành bảo tàng bị thiệt thòi, không yên tâm công tác, không thực sự yêu nghề, say mê nghề nghiệp.
Ngoài ra, còn có một thực trạng là thay vì xây dựng các sưu tập hiện vật trước rồi mới xây bảo tàng, nhiều bảo tàng ở VN lại làm ngược: xây một bảo tàng to lớn, hoành tráng nhưng không có hiện vật để trưng bày, hoặc có hiện vật thì cũng là “dạng vơ bèo vạt tép”, ít giá trị.
* Để không đi ngược với thế giới, theo ông cần làm gì?
- Trước tiên, nên thay đổi cách đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bảo tàng, nên dừng việc đào tạo bậc cử nhân ngành bảo tàng học theo cách mà VN đang làm.
Hãy tham khảo những bộ giáo trình về bảo tàng học hiện đại đang phổ biến ở các nước phát triển; cập nhật những nội dung quan trọng trong các công ước, hiến chương, văn kiện... do UNESCO ban hành có liên quan đến lĩnh vực bảo tàng để biên soạn bộ giáo trình mới về bảo tàng học, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và sử dụng nhân lực trong lĩnh vực này.
Thứ nữa, nên thay đổi quan điểm đối với ngành bảo tàng. Không nên coi bảo tàng là một thiết chế mang tính chính trị, mà hãy coi đó là một nơi đáp ứng “3 E”: Education (giáo dục) - Enrichment of knowledge (làm giàu tri thức) - Entertainment (giải trí) cho cộng đồng.
Tiếp đến, cần chỉnh sửa, bổ sung một số điều khoản trong Luật di sản văn hóa, cho phép hình thành thị trường mua bán, đấu giá cổ vật ở VN, mở cửa cho thị trường buôn bán cổ vật phát triển và liên thông với thị trường cổ vật quốc tế; điều chỉnh cơ chế hiến tặng và cơ chế giao nộp hiện vật cho phù hợp; luật hóa việc mỗi bảo tàng phải có một hội đồng giám tuyển gồm những thành viên có trình độ chuyên môn cao và không nhất thiết phải là người thuộc hệ thống công chức, viên chức nhà nước.
Nhân sự bảo tàng ở TP.HCM vừa thiếu vừa vướng Một thực tế là tại TP.HCM có trường hợp bảo tàng thiếu giám đốc trong hai năm vẫn chưa có người để bổ nhiệm như Bảo tàng Mỹ thuật, hoặc Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP.HCM cũng trống vị trí giám đốc cả năm qua. Còn biên chế nhân sự tại các bảo tàng được cấp có vẻ tùy hứng, bảo tàng phải tự xoay các khoản để trả cho nhân sự ngoài biên chế. Một vấn đề khác là công tác đào tạo nguồn đầu vào cho các bảo tàng tại TP cũng đang vướng: những sinh viên học các ngành di sản, lịch sử, bảo tàng hầu hết đều là sinh viên các tỉnh về TP.HCM. Thế nhưng khi tuyển dụng nhân viên cho bảo tàng thì cơ chế tuyển dụng vừa qua yêu cầu phải có hộ khẩu tại TP.HCM. Chính yêu cầu này làm cản trở, gây khó khăn việc tuyển dụng, trong khi nhân sự hiện tại của một số bảo tàng vẫn chưa đủ. Ông Hoàng Anh Tuấn - giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM - cho biết trong đề án quy hoạch vị trí việc làm tại bảo tàng là cần 71 người nhưng hiện chỉ có 46 người, “còn thiếu 1/3 nhân sự chứ không ít”. |
TP.HCM quyết định đầu tư cho bảo tàng Ngày 21-4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có văn bản khẩn chỉ đạo về triển khai các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo 5 bảo tàng: Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng TP.HCM. Công văn nêu rõ cần xem xét lại quy mô bảo đảm hợp lý, tránh lãng phí trong trường hợp TP thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới một bảo tàng tại khu công viên lịch sử văn hóa dân tộc, Q.9... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận