Bảo tàng kể chuyện tình

PHƯƠNG THẮNG 15/09/2012 18:09 GMT+7

TTCT - Bảo tàng của tương lai sẽ như thế nào? Đó sẽ không phải là những tòa nhà hoành tráng với những bộ sưu tập tầm cỡ nhưng lại khiến du khách cảm thấy xa lạ và thậm chí thấp kém bởi sự đồ sộ và tầm vóc của chúng. Bảo tàng của tương lai sẽ dung dị, gần gũi bởi chúng là nơi cất giữ câu chuyện giữa những con người, theo Orhan Pamuk.

Orhan Pamuk và bảo tàng mang tên “Museum of Innocence” - Ảnh: gluckman.com

1. Tháng 4-2012, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đoạt Nobel văn học 2006 Orhan Pamuk đã mở cửa một bảo tàng đặc biệt mang tên “Museum of Innocence” (tạm dịch: Bảo tàng của sự thơ ngây”), cùng tên với quyển tiểu thuyết của ông phát hành năm 2008. Các chuyên gia khẳng định đây là bảo tàng đầu tiên về loại này trên thế giới: trưng bày vật dụng của các nhân vật trong tiểu thuyết! 

 “Toàn bộ nghệ thuật của tiểu thuyết là ở chỗ độc giả sẽ tự hỏi liệu tác giả thật sự sống như thế hay ông ta chỉ tưởng tượng như thế. Không ít thì nhiều tôi đã làm điều tương tự với bảo tàng” 

Phát biểu của Orhan Pamuk nhân khai mạc bảo tàng ngày 28-4.

Tường thuật của nhà báo Michael Kennedy trên The New York Times (*) sau khi tham quan bảo tàng: hiện vật đầu tiên đập vào mắt người xem là... tàn thuốc. Chính xác là 4.213 tàn thuốc, mỗi cái - giống như những mẫu hiện vật của một nhà nghiên cứu - đều được ghi rõ ngày tháng, chú giải và đính trên giấy màu nicotine. Mỗi tàn thuốc này được giả định là nàng Fusun, nữ nhân vật của tiểu thuyết, từng chạm tay vào.

Đây là một khởi đầu kỳ lạ cho tour tham quan một bảo tàng cũng lạ kỳ không kém, nằm trong một tòa nhà thế kỷ 19 trên đường phố hẹp vùng Cukurcuma của Istanbul, giữa các cửa hàng bán thảm, đồ đồng cũ cùng những món trang trí khác. Kỳ lạ vì tất cả hiện vật trưng bày trong bảo tàng đều có một mối liên quan đặc biệt tới tiểu thuyết, được mô tả hoặc đề cập trong tiểu thuyết.

Truyện xoay quanh hai nhân vật chính, Kemal Basmaci, một người đàn ông thuộc giới thượng lưu Istanbul đã có gia đình, và người anh yêu - Fusun, cô gái đẹp có họ xa với anh thuộc tầng lớp thấp hơn.

Để xoa dịu nỗi đau từ mối tình vô vọng, Kemal thu thập tất cả vật dụng Fusun từng chạm vào và khi buộc phải chấm dứt cuộc tình, Kemal quyết định tất cả những vật này phải được trưng bày trong một bảo tàng với sự trân trọng như người ta đặt vào đền thờ của trái tim. Kemal muốn biến chuyện tình buồn và hổ thẹn của mình thành một điều gì đó có thể tự hào. 

Nhiều người trong chúng ta, đối mặt với những mất mát đau thương trong đời hay trong tình yêu, đã tìm sự nguôi khuây trong việc tìm tới các kỷ vật - Ảnh: turkey.setimes.com

2. Trong một bài viết mới nhất đầu tháng 9 này trên Newsweek (**), Orhan Pamuk cho biết ông đã thu thập hiện vật cho bảo tàng “Museum of Innocence” cùng lúc với sáng tác tiểu thuyết vào cuối thập niên 1990. Đây là bảo tàng kể chuyện của hai gia đình Istanbul: một thượng lưu và một trung lưu, cùng mối tình ám ảnh con cái họ. Một mặt, bảo tàng kể lại chuyện tình, nhưng mặt khác bảo tàng là nơi trưng bày những vật dụng thường nhật của Istanbul nửa sau thế kỷ 20.

Orhan Pamuk đã mất 15 năm và gần như toàn bộ tiền thưởng của Nobel 2006 (1,5 triệu USD) cho bảo tàng này. Đầu tiên, năm 1999 ông mua lại ngôi nhà bốn tầng ở Cukurcuma. Rồi tác giả tưởng tượng nữ nhân vật của mình, Fusun, sẽ sống như thế nào với cha mẹ cô trong tòa nhà.

Ông bắt đầu mua một số lớn vật dụng từ những cửa hiệu thủ công ở vùng chợ quanh đó. Thay vì mô tả các vật dụng, Pamuk thực hiện một quá trình mà ông cho là lôgic hơn: ông mua sắm chúng hoặc lấy từ những người bạn đang sử dụng chúng: đồ gỗ cũ, giấy bảo hiểm, các loại hồ sơ khác nhau, trát ngân hàng, và dĩ nhiên cả những tấm ảnh, với cái cớ là “cho bảo tàng và tiểu thuyết của tôi”.

Sau đó ông mới viết tiểu thuyết dựa trên những hiện vật này, việc làm mà ông kể là “vô cùng hứng thú”. Một cái đồng hồ tính tiền trên taxi mà ông mua được trong một cửa hiệu bán xe đạp trẻ em đã là niềm hứng khởi cho những chi tiết mới.

Nhưng cũng có những vật không tìm được chỗ của chúng trong tiểu thuyết cũng như trong bảo tàng, vì câu chuyện đã không tiến triển theo chiều hướng đó. Đó là trường hợp với các khung lồng đèn của cái đèn kéo quân cũ hay cái đồng hồ đo khí đốt... mà tác giả từng rất phấn khích khi mua. Và những vật dụng này đành phải bị bỏ sang bên.

Ảnh: NYT

3. Orhan Pamuk kể nhiều bạn bè đã hỏi ông vì sao lại xây một bảo tàng của những thứ mà ông đã mô tả rất chi tiết trong truyện. Họ hỏi: “Phải chăng anh không còn tin vào sức mạnh của con chữ và trí tưởng tượng của độc giả? Phải chăng anh không còn tin vào văn chương?”.

Pamuk đáp ông muốn nhắc mọi người: trong khi tiểu thuyết cung cấp cho chúng ta sự tưởng tượng bằng lời thì nghệ thuật và bảo tàng kích hoạt trí tưởng tượng thị giác của chúng ta: tiểu thuyết và bảo tàng liên quan đến hai mặt hoàn toàn khác nhau của cùng một câu chuyện.

 “Sự phát triển kinh tế 10 năm qua ở những nước không thuộc phương Tây đã giúp nổi lên một thế hệ nhân loại mới, hiện đại và phi phương Tây, mà những chuyện tình của họ chẳng bao lâu sẽ xuất hiện trong văn chương. Những bảo tàng của tương lai ở những đất nước này sẽ giúp chúng ta khám phá thế hệ nhân loại khác và hiện đại này”.

ORHAN PAMUK

 Orhan Pamuk cho rằng sự phát triển kinh tế 10 năm qua ở những nước không thuộc phương Tây đã giúp nổi lên “một thế hệ nhân loại mới”, hiện đại và phi phương Tây, mà những chuyện tình của họ chẳng bao lâu sẽ xuất hiện trong văn chương. Và những bảo tàng của tương lai ở những đất nước này sẽ giúp chúng ta khám phá “thế hệ nhân loại khác và hiện đại này”.

Theo tác giả, trong cuộc đời nhân vật Kemal của ông đã hiển hiện một sự thật rằng trái tim con người trên thế giới ở đâu cũng như nhau. Chúng ta ai cũng yêu, cũng đau khổ vì mất mát trong tình yêu và tìm nguôi khuây trong việc tìm tới các kỷ vật. Nhưng cách chúng ta trải nghiệm tình yêu cũng như sự thôi thúc lưu giữ kỷ vật thì khác nhau. 

Bảo tàng của ông nhắm vào những nhà sưu tập - có - trái - tim - tan - vỡ sống ở một quốc gia Hồi giáo cận hiện đại, khi mà nam và nữ giới độc thân ít có điều kiện tương tác, và thông tin họ trao đổi chủ yếu qua những cái nhìn, quà tặng và cả sự im lặng nhiều ý nghĩa...

Pamuk nói: “Mô tả cái giàu của người Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Iran, hay văn hóa và lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ, điều đó cũng phải làm và đây không phải là nhiệm vụ khó. Thách thức thật sự là dùng các bảo tàng để kể, cũng với sự lỗi lạc, sâu sắc và mạnh mẽ như thế, những câu chuyện về những con người sống trong những đất nước này bây giờ.

Vì thế, chúng ta cần hình dung một kiểu bảo tàng mới: thay cho những chế định được nhà nước phê duyệt, tọa lạc trên những tòa nhà hoành tráng chiếm ưu thế trong khu vực (như Bảo tàng Louvre ở Paris hay Metropolitan ở New York), kể lại lịch sử một dân tộc; chúng ta cần tưởng tượng một kiểu bảo tàng khiêm tốn, xoàng xĩnh hơn nhắm vào câu chuyện của những con người”.

Các bảo tàng này không tách rời khỏi môi trường nó đang sống mà biến khung cảnh đó, đường phố nó đang tọa lạc, những ngôi nhà, những cửa hàng lân cận nó thành những thành phần của toàn bộ cuộc triển lãm.

Orhan Pamuk kết luận: “Tương lai của các bảo tàng nằm trong những ngôi nhà của chúng ta”. 

Một góc bảo tàng - Ảnh: newshour.s3.amazonaws.com

___________

(*): http://www.nytimes.com/2012/04/30/books/orhan-pamuk-opens-museum-based-on-his-novel-in-istanbul.html (**): http://www.thedailybeast.com/newsweek/2012/08/26/orhan-pamuk-on-his-museum-of-innocence-in-istanbul (***): Đường link để “tham quan” bảo tàng: http://www.nytimes.com/slideshow/2012/04/30/arts/design/20120430PAMUK-3.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận