Hai loài khủng long Spinosaur mới được phát hiện ở đảo Isle of Wight, ngoài khơi nước Anh - Ảnh: ANTHONY HUTCHINGS
Dù bị hạn chế đi lại do đại dịch COVID-19, 300 nhà khoa học của bảo tàng vẫn kiên trì khám phá thêm nhiều loài mới, bao gồm cả những loài còn sống lẫn đã tuyệt chủng, theo thông tin đăng trên báo Guardian ngày 30-12.
"Đây là một năm tuyệt vời để mô tả các loài khủng long mới, đặc biệt là tại Vương quốc Anh", tiến sĩ Susannah Maidment - nhà nghiên cứu cổ sinh vật học tại bảo tàng - cho biết.
"Mặc dù chúng ta đã biết về di sản khủng long của Anh hơn 150 năm qua, việc áp dụng các công nghệ mới và dữ liệu mới từ khắp nơi trên thế giới đang giúp chúng tôi khám phá sự đa dạng của các loài khủng long ở Anh", bà Maidment nói thêm.
Eurythenes atacamensis - một loài mới có họ hàng với tôm - được phát hiện tại rãnh Atacama, ngoài khơi Peru và Chile - Ảnh: CNN
Theo Đài CNN, 4 trong số 6 loài khủng long mới được phát hiện tại Vương quốc Anh, trong đó có hai loài Spinosaur - những kẻ ăn thịt khổng lồ có hộp sọ giống cá sấu, có khả năng săn mồi dưới nước lẫn trên cạn, sống cách đây 125 triệu năm.
Các loài Spinosaur - được đặt tên là Ceratosuchops inferodios và Riparovenator milnerae - có thể dài đến 9m, trong đó hộp sọ dài khoảng 1m.
Ngoài ra, còn có 1 loài khủng long Iguanodontian với cái miệng bất thường và Pendraig milnerae - loài khủng long ăn thịt được biết đến sớm nhất ở Vương quốc Anh.
Impatiens versicolor - một loài thực vật mới được phát hiện ở đông châu Phi - Ảnh: EBERHARD FISCHER
Hơn nửa trong số các loài mới được phát hiện tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London năm nay là các loài giáp xác, những sinh vật nhỏ giống con tôm được tìm thấy trong các vùng nước mặn và nước ngọt.
Chúng là một phần quan trọng trong các sinh vật phù du, vốn là nguồn thức ăn của các loài nhuyễn thể, cá và các động vật khác, đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái và chu trình cacbon của hành tinh.
Theo Guardian, các nhà khoa học tại bảo tàng đã công bố 291 loài giáp xác mới trong năm 2021.
Rhabdophis bindi là một loài rắn mới tại Ấn Độ và Bangladesh, sinh sống trong các khu rừng thường xanh nhiệt đới - Ảnh: CNN
Các loài mới khác được xác định trong năm nay còn có 90 loài bọ cánh cứng, 52 loài ong bắp cày, 13 loài bướm đêm, 7 loài cua, 6 loài ruồi và 5 loài giáp xác mềm Amphipod, 1 loài dế tại khu vực Đông Nam Á, 5 loài cây mới ở đông châu Phi...
Đặc biệt, có cặp bọ có màu xanh lá và màu tím chủ đạo từ Ấn Độ, và một loài bọ đơn sắc có cặp hàm lớn ở Philippines.
Cặp bọ được phát hiện tại Ấn Độ - Ảnh: CNN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận