27/10/2020 08:58 GMT+7

Bão số 9: Chạy đua sơ tán dân trước giờ G

D.HÒA - N.LINH - T.LỰC - L.TRUNG - Đ.TÀI - T.B.DŨNG - P.S.NGÂN
D.HÒA - N.LINH - T.LỰC - L.TRUNG - Đ.TÀI - T.B.DŨNG - P.S.NGÂN

TTO - Ghi nhận tại một số địa phương được dự báo bão số 9 sẽ đổ bộ, tất cả đều quyết tâm hoàn thành thực hiện việc sơ tán người dân trong ngày hôm nay 27-10.

Bão số 9: Chạy đua sơ tán dân trước giờ G - Ảnh 1.

Không chỉ sơ tán người dân, Đồn biên phòng A Xan (xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) cũng phải di dời - Ảnh: P.L.

* Hà Tĩnh: nắm số điện thoại từng hộ

Ông Trần Đức Bá - giám đốc Đài khí tượng thủy văn Hà Tĩnh - nhận định mưa, lũ kéo dài trong nhiều ngày qua, đất đã bão hòa nước nên nguy cơ bị sạt lở là rất cao. 

Kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 9 ngày 26-10, ông Trần Tiến Hưng - chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - yêu cầu các địa phương, đơn vị tuyên truyền cần rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại của chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để liên lạc, ứng cứu nếu có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ và đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân.

Rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ lịch sử vừa qua gây tê liệt hệ thống thông tin liên lạc tại một số vùng, ông Hưng cũng đề nghị các đơn vị viễn thông chủ động các phương án đảm bảo thông tin liên lạc, có các phương án dự phòng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, cảnh báo các thông tin quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới người dân qua hệ thống tin nhắn.

*  Huế: lên kế hoạch sơ tán 18.000 hộ dân

Theo báo cáo của văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, đến chiều 26-10 tỉnh đã lên kế hoạch sơ tán, di dời hơn 18.000 hộ dân với hơn 63.000 nhân khẩu. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu các đơn vị kiên quyết không để ngư dân ở lại trên tàu bè vào neo đậu ở các cảng, khu trú ngụ, lồng bè nuôi cá. Bảo đảm an toàn cho các trạm kiểm lâm khu vực miền núi.

Ngoài ra tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chú ý đến sự cố tràn dầu ở tàu Jakarta bị mắc cạn tại bờ biển thị trấn Lăng Cô và tàu Công Thành 27 bị chìm ở xã Vinh Hiền (đều ở huyện Phú Lộc).

* Đà Nẵng: sơ tán dân theo kịch bản

Các quận, huyện tại Đà Nẵng đã rà soát, lên danh sách sơ tán dân theo phương án đã được phê duyệt. Dự kiến số lượng sơ tán đối với kịch bản bão với gió cấp 8-11 là 72.136 người, gió bão cấp 12-13 là 140.868 người.

Cũng theo dự báo, nguy cơ cao xảy ra mưa rất lớn tập trung trong thời gian bão ảnh hưởng và đổ bộ gây lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, đặc biệt khu vực ven sông Túy Loan, sông Cu Đê. Ngoài ra còn gây ngập úng vùng trũng thấp các quận Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu.

* Quảng Nam: không để dân sơ tán quay về khi còn bão

Ông Lê Trí Thanh - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đề nghị các địa phương có phương án sơ tán dân ở vùng sạt lở, vì tình hình sạt lở đất thời gian gần đây diễn biến rất nguy hiểm, không được chủ quan. "Không để tình trạng sơ tán dân mà không kiểm soát, dẫn đến tình trạng họ đến nơi ở mới không đảm bảo, rồi quay về chỗ cũ" - ông Thanh yêu cầu.

Ngày 26-10, huyện Tây Giang đã sơ tán hơn 200 hộ, trong hôm nay dự kiến tiếp tục sơ tán hơn 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu. Tại huyện Nam Trà My, ông Trần Duy Dũng - chủ tịch UBND huyện - cho biết đã yêu cầu 10 xã kiểm tra những khu dân cư có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng di dời dân đến các điểm trường học, trụ sở kiên cố tránh trú, nhắc nhở người dân tích trữ lương thực, thực phẩm, nước uống.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Mỹ Hương - chủ tịch UBND xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, Hội An) - cho biết trên đảo hiện có gần 500 hộ dân, xã đã lên phương án di dời gần như toàn bộ dân trên đảo tới đồn biên phòng, trụ sở xã, các nhà bêtông kiên cố để đảm bảo an toàn.

* Khánh Hòa: 174 vị trí sạt lở ảnh hưởng 23.350 người

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết tại các địa phương của tỉnh Khánh Hòa hiện có 174 vị trí sạt lở có khoảng 23.350 người đang sinh sống, rải rác ở TP Nha Trang và các huyện Cam Lâm, Vạn Ninh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh... 

Tỉnh yêu cầu các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu dân cư, trụ sở cơ quan, nơi làm việc, nơi đóng quân của các đơn vị. Đồng thời phải kiên quyết sơ tán người và di dời phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đã được thống kê tại các địa phương để đảm bảo an toàn, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước.

* Quảng Ngãi: cưỡng chế nếu không chịu di dời

Ông Đặng Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, yêu cầu trước 17h chiều 27-10 phải hoàn thành công tác di dời người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, cưỡng chế buộc di dời đối với những trường hợp không chịu di dời. Quảng Ngãi sẽ di dời gần 54.000 hộ dân với hơn 200.000 nhân khẩu. Phương án di dời tại chỗ đến các nhà dân kiên cố, có sàn bêtông; di dời theo cụm đến trường học, UBND, đồn biên phòng... đảm bảo an toàn cho người dân. (T.MAI)

Bí thư Đà Nẵng đề nghị cấm đường trong thời gian bão số 9 đổ bộ Bí thư Đà Nẵng đề nghị cấm đường trong thời gian bão số 9 đổ bộ

TTO - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu UBND TP ra văn bản cấm người dân và phương tiện ra đường từ chiều tối 27-10 trong thời gian bão số 9 đổ bộ.

D.HÒA - N.LINH - T.LỰC - L.TRUNG - Đ.TÀI - T.B.DŨNG - P.S.NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên