Hải quân hướng dẫn ngư dân đưa tàu vào âu tàu Song Tử Tây tránh bão số 6 - Video: VĂN NINH
Trưa 8-11, trung tá Nguyễn Quốc Tuấn - chính trị viên phó đảo Song Tử Tây - cho biết từ rạng sáng nay, ở đảo này đã có những cơn gió giật mạnh cấp 6, cấp 7.
"3 ngày qua trên đảo mưa gió liên tục nhưng từ sáng tới giờ thì gió giật mạnh hơn. Cứ giật mạnh từng cơn rồi lặng rồi lại giật" - trung tá Tuấn cho hay.
Tại âu tàu Song Tử Tây hiện có 57 tàu cá, chủ yếu của ngư dân hai tỉnh Bình Định và Phú Yên với 678 người vào neo đậu tránh bão số 6.
Ông Tuấn cho biết hiện tại ngư dân vẫn ở trên tàu, chiều nay nếu gió lớn hơn thì chỉ huy đảo sẽ đưa toàn bộ ngư dân trên các tàu lên đảo trú bão.
"Anh em trên đảo sẵn sàng các phương án ứng phó bão như chằng chống nhà cửa, cơ quan, trường học… chắc chắn. Chúng tôi cũng chuẩn bị phương tiện, con người để sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra và khắc phục hậu quả cơn bão nhanh nhất" - trung tá Tuấn cho biết.
Theo thầy Nguyễn Hữu Phú, đang dạy ở đảo Song Tử Tây, do mưa gió lớn bởi bão số 6 nên từ sáng 8-11, tất cả các lớp học ở đảo này đều được cho nghỉ.
Cũng trưa nay, trung tá Lê Trọng Thông - chính trị viên đảo Trường Sa Lớn - cho biết do đảo này ở phía nam quần đảo Trường Sa nên bão số 6 chưa thấy gây ảnh hưởng rõ ràng như ở đảo Song Tử Tây. Gió trên đảo Trường Sa Lớn khoảng cấp 2.
Tàu hải quân hướng dẫn một tàu đánh cá Bình Định vào đảo tránh bão số 6 - Ảnh: VĂN NINH
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 10h ngày 8-11, tâm bão số 6 cách đảo Song Tử Tây khoảng 270km về phía Đông Bắc với sức gió gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14.
Dự báo đến 10h sáng 9-11, bão số 6 cách đảo Song Tử Tây khoảng 140km về phía Bắc với sức gió vùng gần tâm bão cấp 12, giật cấp 15.
Phú Yên: sơ tán 3.600 người nuôi hải sản
Sáng 8-11, ông Phạm Đại Dương - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết do dự báo tâm bão số 6 có khả năng đổ bộ trực tiếp vào tỉnh này nên chiều 7-11, tỉnh đã tổ chức họp triển khai công tác chủ động ứng phó.
Mối quan tâm lớn nhất của Phú Yên là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trước cơn bão lớn.
"Các địa phương đã tuyên truyền người dân nuôi trồng hải sản thực hiện các biện pháp chằng néo và tổ chức hướng dẫn người dân nuôi lồng, bè thả xuống sát đáy để đảm bảo an toàn. Tỉnh đã giao nhiệm vụ để địa phương và các ngành chức năng có phương án chủ động sơ tán khoảng 3.600 người trên các lồng bè nuôi hải sản" - ông Dương thông tin.
Tỉnh này cũng yêu cầu các địa phương chủ động sơ tán dân các vùng triều cường, trũng thấp, nhà ở không an toàn theo cấp độ gió cấp 10-12.
Ông Dương cho biết lực lượng tham gia ứng phó với bão, lũ trên địa bàn tỉnh khoảng 6.220 người.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 8-11, ông Nguyễn Thái Hải Anh - phó trưởng Phòng kinh tế thị xã Sông Cầu (Phú Yên), địa phương vùng tâm bão số 5 hồi cuối tháng 10-2019 - cho biết sáng cùng ngày, thị ủy, UBND thị xã đã triển khai khẩn trương ứng phó bão số 6.
"Khoảng 1.000 hộ dân vùng trũng thấp, triều cường, nhà yếu… sẽ phải di dời tránh bão số 6 nếu gió bão cấp 10, còn nếu dự báo lớn hơn thì số lượng này còn tăng hơn nữa" - ông Anh nói.
Bộ đội ở đảo Song Tử Tây giúp dân neo tàu tránh bão số 6 - Ảnh: VĂN NINH
Thị xã cũng giao Bộ đội biên phòng trên địa bàn phối hợp thị đội, công an thị xã lập phương án để đầu giờ chiều ngày 10-11 đưa toàn bộ trên 1.800 bè nuôi hải sản ở địa phương lên bờ tránh bão.
"Theo chỉ đạo của tỉnh, toàn bộ ngư dân trên tàu thuyền và người nuôi hải sản được nhắn tin báo về cơn bão này để chủ động tránh trú, những người cố tình không thực hiện sẽ bị cưỡng chế nghiêm khắc" - ông Hải Anh nói.
Còn ông Nguyễn Văn Hồng - phó chủ tịch UBND huyện Đông Hòa - cho hay ngay chiều 8-11 sẽ triển khai ngay phương án để trước 15h ngày 10-11, toàn bộ số người trên các bè nuôi cá trong vịnh Vũng Rô phải lên bờ tránh bão.
Bình Định: di dân 42 vùng sạt lở
Ngày 8-11, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức cuộc họp khẩn triển khai các phương án ứng phó bão số 6.
Tại cuộc họp, ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết bão số 6 là cơn bão mạnh có diễn biễn phức tạp, khả năng đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Bình Định, có mưa rất to gây lũ lớn trên các sông.
Ông Hồ Quốc Dũng, chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo các biện pháp phòng chống trước cơn bão số 6 - VIDEO: THÁI THỊNH
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, hiện nay trên địa bàn có 42 vùng với 14.400 dân nằm ở những vị trí có nguy cơ sạt lở cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các ngành chức năng, UBND huyện, thành phố, thị xã… tăng cường kiểm tra các khu dân cư vùng có nguy cơ sạt lở đất, vùng trũng thấp thường bị ngập nước, có kế hoạch sẵn sàng sơ tán dân.
Công tác sơ tán dân phải hoàn thành trước 12h ngày 10-11. Chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm, nước uống để người dân đến nơi tránh, trú có điều kiện sinh hoạt trước khi bão vào đất liền 12h.
Người dân gia cố lại bờ kè tại TP Quy Nhơn trước cơn bão số 6 - Ảnh: T.THỊNH
"Đây là cơn bão rất là mạnh, sau bão các lực lượng xung kích có mặt tại các nơi xung yếu hướng dẫn dân không đi lại ra sông suối vớt củi" - ông Dũng nói.
Ông Dũng đề nghị Sở GD-ĐT cho học sinh nghỉ học bắt đầu từ thứ 2 tuần tới, tùy vào diễn biến thời tiết để chủ động đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Cùng ngày, ông Phan Trọng Hổ, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Định cho biết với những nơi trọng yếu sau cơn bão số 5 vừa rồi như bờ kè Nhơn Hội, đã có phương án gia cố tạm thời, dùng các rọ đá và di dời 94 hộ dân ở sát bờ kè nguy cơ nguy hiểm.
Khánh Hòa: 9.700 tàu thuyền về nơi tránh trú bão
Ngày 8-11, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa cho biết đã thông tin đến 33.000 ngư dân trên khoảng 9.700 tàu thuyền hoạt động đánh bắt thủy sản chuẩn bị trở về nơi neo đậu, tránh trú bão số 6.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, trưởng Ban quản lý cảng Hòn Rớ, cho biết hiện tại đã có một số tàu thuyền từ các vùng biển bắt đầu vào cảng chuẩn bị neo đậu. Bà con ngư dân đa phần đã nắm được tình hình thời tiết trên biển, thường xuyên liên lạc với đài chỉ huy để nghe hướng dẫn tránh trú khi bão đổ bộ.
Các điểm trường trên địa bàn tỉnh được yêu cầu theo dõi sát diễn biến của bão số 6 để có phương án ứng phó. Ngoài ra, các hộ dân tại 88 điểm xung yếu tập trung chủ yếu tại TP Nha Trang từng bị sạt lở năm 2018 cũng đã được lên kế hoạch sơ tán khi có mưa lũ xảy ra.
Về tình hình du lịch, lãnh đạo sở này cho biết đã thông báo đến các cơ sở lưu trú, khu du lịch nằm ven biển và trên các đảo chủ động phòng tránh bão, đảm bảo an toàn cho du khách.
Đối với các công trình xây dựng trên địa bàn, ông Nguyễn Đắc Tài, phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, vừa qua cũng đã có chỉ đạo, yêu cầu các công trình xây dựng sử dụng cần cẩu thực hiện giải pháp đảm bảo an toàn trước khi bão vào đất liền, tránh để trường hợp cần cẩu chao đảo gây nguy hiểm cho người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận