Sơ đồ dự báo bão số 6 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 16h ngày 10-11, vị trí tâm bão ở khoảng 13 độ Vĩ Bắc; 110,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa khoảng 150km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115 km/h), giật cấp 14.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên) do ảnh hưởng của bão và không khí lạnh: phía bắc vĩ tuyến 11 độ Vĩ Bắc.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh Quảng Ngãi đến Khánh Hòa với sức gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, tiếp đó là một vùng áp thấp.
Đến 16h ngày 11-11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 14 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông, trên đất liền phía đông bắc Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h).
Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh nên ở khu vực giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển phía bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14. Sóng biển cao từ 6-8m; biển động dữ dội.
Khu vực bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động.
Từ đêm nay (9-11), vùng biển ngoài khơi các tỉnh thành từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao từ 4-6m. Biển động dữ dội.
Từ chiều tối mai (10-11), trên đất liền các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-10, giật cấp 12. Gia Lai, Đắk Lắk gió mạnh cấp 6, giật cấp 7. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 1,5 - 2,5m
Cảnh báo mưa lớn: Do ảnh hưởng của bão số 6, từ đêm 9-11 đến ngày 12-11 ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa phổ biến cả đợt ở các khu vực:
- Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Đắk Nông, Lâm Đồng: 100-200mm;
- Bình Định đến Khánh Hòa: 200-350mm, cục bộ một số nơi trên 400mm;
- Khu vực Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk: 150-250mm.
Cảnh báo lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt: Từ đêm 9-11 đến 12-11, tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ.
Trong đợt lũ này, mực nước các sông ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên lên mức BĐ1-BĐ2, sông nhỏ lên trên BĐ2; các sông từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, vùng ven sông, khu đô thị các tỉnh/thành từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; riêng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng và ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa thủy lợi xung yếu.
Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.
Yêu cầu Quảng Ngãi khẩn cấp di dời 11.000 dân
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (giữa) thị sát ứng phó bão số 6 tại huyện Đức Phổ - Ảnh: TRẦN MAI
Trưa 9-11, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường có cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về công tác phòng chống cơn bão số 6, đồng thời trực tiếp đi kiểm tra các khu vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất.
Bộ trưởng Cường yêu cầu đến trưa 10-11 phải lên phương án và đưa toàn bộ 3.000 hộ với hơn 11.000 nhân khẩu vùng ven biển bị tác động bão trực tiếp đến nơi an toàn.
UBND tỉnh Quảng Ngãi báo cáo phương án đã được triển khai tổng thể ở các địa phương. Tuy nhiên bộ trưởng vẫn yêu cầu tổng rà soát bởi sức tàn phá của bão là rất lớn.
Trước đó, vào sáng cùng ngày tại UBND tỉnh Quảng Ngãi, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về công tác phòng chống cơn bão số 6.
Ông Nguyễn Tăng Bính, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, báo cáo nhanh về tình hình, công tác ứng phó bão số 6, theo đó, tại khu vực quần đảo Trường Sa có 96 tàu với 2.290 lao động Quảng Ngãi vào neo trú và đang tiếp tục giữ liên lạc. Ngoài ra có 11 tàu với hơn 300 lao động đang ở vùng biển Philippines trú bão.
Tại huyện đảo Lý Sơn có 38 lồng bè nuôi cá được di chuyển vào bờ, ngư dân nuôi cá lồng bè đều lên bờ, không ở lại bè.
Những lồng bè nuôi cá ở cửa biển Sa Huỳnh được neo cố định, ngư dân chuẩn bị rời khỏi lồng bè - Ảnh: TRẦN MAI
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận