Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 6h sáng 7-9, tâm bão số 3 (bão Yagi) cách Quảng Ninh khoảng 160km về phía đông nam, cường độ bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17.
Gió mạnh, mưa tăng cấp ở huyện đảo Bạch Long Vĩ do ảnh hưởng bão số 3
Dự báo trong sáng đến chiều nay bão số 3 đi vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão (tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định) cấp 10-12, giật cấp 14. Khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.
Và từ nay đến sáng 9-9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến 100-350mm, có nơi trên 500mm. Nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực này.
Cơ quan khí tượng Việt Nam đã đưa ra cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 (rủi ro rất lớn) do bão số 3 gây ra đối với vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng. Cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 3 (rủi ro lớn) đối với khu vực vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.
Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định bão số 3 (Yagi) là cơn bão có cường độ mạnh nhất trong khoảng 30 năm gần đây hoạt động trên Biển Đông.
Do đó ông khuyến cáo người dân ở các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình - những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 3 - cần tuyệt đối không cố ra ngoài lúc mưa to gió lớn khi hoàn lưu bão ảnh hưởng trực tiếp (trong khoảng từ sáng đến chiều tối nay).
"Đối với các tỉnh, thành phố vùng núi, trung du Bắc Bộ, khu vực Thanh Hóa là những nơi đối mặt với nguy cơ ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là nhà ở, các công trình (nhà tạm, nhà cạnh các khai trường, hạ lưu hồ chứa...) và tổ chức di dời ngay người dân và tài sản khi thấy không đảm bảo an toàn.
Sau khi bão qua, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất vẫn còn hiện hữu những ngày sau đó nên cần hết sức đề phòng" - ông Khiêm nói.
Tâm bão số 3 mạnh cấp 14 đang áp sát bờ biển, đã sơ tán 47 ngàn người
Những cơn bão có cường độ và hướng đi tương tự bão số 3
Theo ông Khiêm, để hình dung mức độ nguy hiểm của cơn bão số 3, có thể dẫn chứng cơn bão số 2 năm 2014 (Rammasun) có đường đi gần tương tự, chỉ là lệch bắc hơn so với cơn bão số 3 nên tác động về gió và mưa cũng ít hơn so với dự báo của cơn bão số 3.
Bão Rammasun hình thành trên biển tây bắc Thái Bình Dương và di chuyển vào Biển Đông, cường độ bão lúc mạnh nhất đạt cấp 15, giật trên cấp 17.
Bão đã gây ra gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10 ở tỉnh Quảng Ninh; ở tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8; ở các tỉnh Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương có gió giật mạnh cấp 6-7. Đồng thời gây mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc.
Thống kê thiệt hại cho thấy mưa, lũ, sạt lở đất do bão số 2 làm 491 nhà bị tốc mái, 757 nhà bị sập đổ, hư hại và gần 6.000 nhà dân bị ngập và hơn 4.214ha lúa và hoa màu bị ngập, đổ.
Còn bão số 1 năm 2016 (bão Mirinae) khi tiếp cận bờ biển tỉnh Nam Định - Ninh Bình có cường độ bão mạnh cấp 12, giật cấp 13.
Bão Mirinae đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các tỉnh ven biển Bắc Bộ. Cụ thể đã có 3 người chết, 4 người mất tích, 30 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hơn 1.400 nhà bị tốc mái, hư hỏng và 12 tàu chìm. Hàng trăm cột điện cao thế ở nhiều tỉnh thành bị đổ gây nên sự cố mất điện toàn tỉnh tại ba tỉnh Nam Định, Hà Nam và Thái Bình.
Bão cũng làm các tỉnh "điêu đứng" với hơn 196.000ha lúa bị ngập, gần 21.000 diện tích rau màu bị hư hại và hơn 44.000 cây bị gãy đổ, trong đó Hà Nội nhiều nhất, gần 66.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận