Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Lúc 7h ngày 20-7, tâm bão ngay trên vùng biển phía nam của tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-120km/giờ), giật cấp 13. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 50km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 7h ngày 21-7, tâm bão trên đất liền phía tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên): phía bắc vĩ tuyến 19,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,0 đến 114,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được từ 5-10km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng tây nam, mỗi giờ đi được từ 5-10km và có khả năng mạnh lại thành bão. Đến 7h ngày 23-7, tâm bão trên vùng biển phía đông vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Trong 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển về phía đông đông nam, mỗi giờ đi được từ 10-15km.
Do ảnh hưởng bão, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động rất mạnh.
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh; khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,0m.
Khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang có mưa rào và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh.
Trên đất liền, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ nối với cơn bão số 3 kết hợp với hội tụ gió lên đến 5.000m nên trong ngày và đêm nay 20-7, ở phía Tây Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-100mm/24h, có nơi trên 150mm/24h.
Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và đêm). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ tại các tỉnh miền núi.
Trong khi đó, khu vực từ Nghệ An đến Phú Yên có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 12-16h.
Đợt nắng nóng này có khả năng kéo dài đến ngày 22-7. Từ ngày 23-7, nắng nóng có khả năng thu hẹp và dịu dần.
Nắng nóng có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao, nên người dân cần lưu ý khi ra ngoài trời nắng.
Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh nên trong chiều và đêm nay có mưa rào và dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 30-50mm, có nơi trên 80mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Bão nối bão hút gió tây nam, miền Nam mưa nhiều những ngày tới
Cơn mưa kèm gió lớn chiều 19-7 khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ. Trong ảnh: Một cây xanh bật gốc ngã đè lên đường dây cáp trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1 - Ảnh: LÊ PHAN
Ông Lê Đình Quyết, phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết hiện tại rãnh áp thấp nối bão số 3 và bão INFA ở phía đông nam đảo Đài Loan tiếp tục hoạt động mạnh và nâng trục nhẹ lên phía Bắc, khiến gió mùa tây nam hoạt động mạnh gây mưa lớn ở miền Nam.
Trong những ngày tới, rãnh áp thấp này tiếp tục được duy trì. Từ ngày 24 đến 25-7 rãnh áp thấp có xu hướng hạ dần xuống phía Nam.
Gió mùa tây nam trên khu vực miền Nam có cường độ trung bình đến mạnh, từ ngày 22-7 trở đi xu hướng hoạt động mạnh hơn.
Do đó thời tiết Nam Bộ phổ biến mây thay đổi, ngày nắng, chiều và tối có mưa rải rác, nhiều nơi có nơi mưa vừa, mưa to và dông, đêm có mưa vài nơi. Trong cơn dông cần đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh.
Từ ngày 22 đến 26-7, mưa gia tăng và xảy ra ở nhiều nơi tập trung về chiều tối, có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, lốc, sét.
Trong các ngày từ 22 đến 26-7, tại TP.HCM sẽ có mưa với lượng mưa dự báo đạt từ 30-50mm/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận