Vị trí và đường đi của áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương |
Hồi 17g ngày 24-6, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là khoảng từ 50 đến 60km một giờ), giật cấp 8-9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Đến 16g ngày 25-6, vị trí trung tâm vùng áp thấp trên khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, tối và đêm nay (24-6) ở khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Vân Đồn, Cát Hải) còn có gió giật mạnh cấp 8-10. Sóng biển cao từ 3-5m. Biển động rất mạnh. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định còn có gió giật mạnh cấp 7-9. Vùng ven biển Quảng Ninh-Hải Phòng có sóng biển cao từ 2-4m. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trước đó, trưa 24-6, bão số 1 đã đi vào địa phận Quảng Ninh-Hải Phòng gây gió giật cấp 10-12 trên vịnh Bắc Bộ (Cô Tô có gió giật mạnh cấp 10).
Ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định có gió giật mạnh cấp 7-8, riêng Quảng Ninh-Hải Phòng đã có gió giật cấp 9-10 (Bãi Cháy có gió giật mạnh cấp 10). Ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to.
Hồi 14g ngày 24-6, vị trí tâm bão trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh - Hải Phòng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là khoảng từ 60 đến 70km một giờ), giật cấp 10-11.
Hải Phòng: Nhiều nhà tốc mái
Cổng của một công ty ở Đồ Sơn được hạ xuống trước khi bão về - Ảnh: Thân Hoàng |
Chiều cùng ngày, Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP Hải Phòng, cho biết theo thống kê đến 15g cơn bão số 1 đã làm nhiều nhà tốc mái tại đảo Bạch Long Vĩ.
Thông tin từ UBND huyện đảo Bạch Long Vĩ cho biết trên đảo đang có mưa lớn kèm theo gió giật cấp 10. Cơn bão số 1 đã làm 3 tàu đang trú trong âu cảng bị đứt neo, bị đắm và trôi dạt mắc cạn sát bờ. Nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng, cây cối, cột điện bị gãy đổ, nhiều nhà dân bị hư hỏng, tốc mái. Rất may không có thiệt hại về người. Một ngư dân bị thương được đưa vào bệnh viện đa khoa Bạch Long Vĩ cấp cứu hiện sức khoẻ đã phục hồi.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, lúc 15g, tại khu vực nội thành Hải Phòng bắt đầu có mưa lớn kèm theo gió khoảng cấp 4, cấp 5. Tại khu vực quận Đồ Sơn (Hải Phòng) cũng có mưa vừa và mưa to nhưng biển khá êm. Một số cây xanh tại Đồ Sơn bị gãy đổ.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng), cho biết đã có kế hoạch di dời dân khỏi khu vực nguy hiểm tại phường Vạn Mỹ, Cầu Tre, Đổng Quốc Bình, đôn đốc 13 hộ dân xóm chài thuộc phường Máy Chai vào nơi an toàn tránh bão; sẵn sàng vật tư, phương tiện và lực lượng kịp thời ứng phó với bão.
Các tàu thuyền neo đậu tại bến Săm (Đồ Sơn, Hải Phòng) trưa 24-6 - Ảnh: Thân Hoàng |
4 sà lan, 1 đầu kéo cùng 10 thuyền viên trôi dạt trên biển
Khoảng 12g trưa 26-4, 4 chiếc sà làn và 1 đầu kéo (trên đầu kéo có 10 thuyền viên) đang trú tại khu vực tránh bão thuộc xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) bị đứt neo và trôi dạt trên biển. Sau khoảng hơn 1 tiếng lênh đênh trên biển với quãng đường khoảng 5 hải lý, đầu kéo và các thuyền viên đã được đưa vào đảo an toàn. Đến nay, lực lượng lực lượng biên phòng Ngọc Vừng đang tiếp tục các biện pháp tiếp cận để đưa 4 sà lan về nơi tránh trú bão an toàn, dự kiến sẽ vào trong chiều nay.
Theo ông Đoàn Văn Chỉnh, bí thư huyện ủy huyện Vân Đồn, sức khỏe của 10 thuyền viên khi được đưa vào bờ khá ổn định. Hiện, lực lượng biên phòng đang tiến hành xác minh danh tính những người trên.
Ông Chỉnh cũng thông tin thêm, do ảnh hưởng của bão số 1, tại huyện Vân Đồn có gió mạnh cấp 8-9, đến thời điểm này không có thiệt hại về người, những thiệt hại tài sản đang được thống kế và kiểm đếm.
Đến 16g chiều 24-6, cảng vụ nội địa thủy tỉnh Quảng Ninh vẫn chưa cấp lại giấy phép xuất bến cho các tàu thuyền do vẫn còn ảnh hưởng của bão số 1. Tại huyện đảo Cô Tô có gần 550 du khách trú lại, trong đó có 1 khách du lịch quốc tịch Trung Quốc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Bá Nam, bí thư Huyện ủy kiêm chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: “Chúng tôi đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch ở lại trên đảo cũng như thực hiện nghiêm công tác quản lý thị trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, vận động các cơ sở lưu trú, tàu thuyền giảm giá dịch vụ. Có nơi giá phòng giảm đến 50%, còn mức bình thường là 20%, thậm chí có khách sạn còn nấu cơm miễn phí cho du khách. Trong những ngày mưa bão, huyện đã quyết định giảm một số loại thuế cho các nhà hàng, khách sạn, tàu thuyền… với mức giảm cao nhất là 50%”.
Hải Phòng: 1 người chết do ngã khi chằng chống nhà cửa
Thông tin từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hải Phòng cho biết đến 18g ngày 24-6, tại các khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải đã tạnh mưa, gió giảm xuống còn cấp 4, cấp 5. Trong khu vực nội thành vẫn còn mưa nhỏ kèm theo gió do ảnh hưởng của hoàn lưu sau bão. Hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại sau bão.
Xác nhận với Tuổi Trẻ qua điện thoại, lãnh đạo thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) cho biết theo thống kê sơ bộ không có thiệt hại lớn về tài sản nhưng một người dân trên địa bàn chết vì bị ngã lúc chằng chống nhà cửa trước khi bão vào. Theo đó, khoảng 6g sáng 24-6, ông Dương Hải Long (51 tuổi, trú tại tổ 4, TT Cát Bà) trèo lên mái để chằng buộc nhà cửa nhưng không may ngã xuống và tử vong. Chính quyền địa phương đang hỗ trợ gia đình mai táng ông Long.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận