Ông Lê Đình Quyết nhận định về bão số 1 - Ảnh: Q.KHẢI
Nói về cơn bão số 1 (tên quốc tế là Pabuk - một loài cá nước ngọt lớn, do Lào đề xuất), ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - nhận định: mưa bão đang có dấu hiệu dị thường, phá vỡ quy luật.
Ông phân tích những điểm dị thường của cơn bão này:
Có thể coi bão số 1 là cơn bão sót của mùa mưa bão năm 2018. Trước đây những cơn bão xuất hiện thời điểm đầu năm rất hiếm nhưng gần đây tần suất xuất hiện những cơn bão như vậy nhiều hơn.
Đa số những cơn bão này khi vào khoảng giữa Biển Đông thì suy yếu và tan trên biển như cơn bão Sonamu tháng 1-2013 hay Bolaven tháng 1-2018.
Nhưng cơn bão số 1 này càng về sau càng mạnh. Một số trang dự báo quốc tế còn nhận định sau khi qua mũi Cà Mau, bão có thể gây gió giật đến cấp 12-13.
Về diễn biến, đường đi của bão số 1 gần giống với bão Linda (tháng 11-1997) di chuyển hướng tây tây nam nhưng qua mũi Cà Mau thì ngóc lên tây tây bắc.
Nhưng xuất phát điểm của bão số 1 ở vĩ độ thấp hơn bão Linda cũng là một điều bất thường. Bởi theo quy luật, những vùng biển ở vĩ độ thấp ít khi xuất hiện bão, thậm chí vùng biển từ 0-5 vĩ độ gần như không hình thành thành bão, một phần do lực xoáy tạo ra bão rất yếu.
* Với những diễn biến khó lường này, có khả năng bão ngoặt mạnh lên hướng bắc đổ bộ vào đất liền các tỉnh giáp với Campuchia không?
- Theo các mô hình dự báo, bão ngày càng mạnh thêm là có nhưng đổ bộ vào đất liền các tỉnh miền Tây Nam Bộ là rất khó. Nhưng bão gây mưa to, gió giật vùng gần tâm bão đi qua đến cấp 11. Vì vậy thời tiết trên vùng biển Tây Nam rất xấu, khả năng bị ảnh hưởng của bão là khó tránh khỏi.
Chưa kể người dân vùng biển Kiên Giang, Cà Mau có nghề đóng đáy tại các cửa sông cửa biển hay hoạt động đánh bắt gần bờ. Nếu chủ quan với diễn biến cơn bão có thể bị thiệt hại nặng nề.
* Khu vực miền Đông Nam Bộ, TP.HCM có bị ảnh hưởng không, thưa ông?
- Hoàn lưu của bão số 1 khá rộng, được dự báo sẽ gây ra một đợt mưa to với lượng mưa trên đất liền tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang có thể đạt từ 150-200mm trong các ngày 3 và 4-1.
Nam Bộ đang trong giai đoạn mùa khô, lượng mưa trung bình tháng 1 hằng năm chỉ đạt 10-20mm nhưng do ảnh hưởng bão, một hai trận mưa đã vượt mức trung bình trên cũng là yếu tố phá vỡ quy luật thời tiết thông thường.
Riêng khu vực miền Đông Nam Bộ, TP.HCM khá xa với cơn bão nên khả năng ảnh hưởng rất ít. Tuy nhiên khả năng vẫn có mưa dông trong những ngày tới.
Mưa tăng dần từ Đông sang Tây Nam Bộ
Theo ông Lê Đình Quyết, tại TP.HCM và khu vực Đông Nam Bộ trong ngày 3 và 4-1 thời tiết se lạnh, trời nhiều mây, có mưa vừa. Nhiệt độ thấp nhất tại TP.HCM từ 22-23 độ C, khu vực Đông Nam Bộ từ 20-21 độ C. Khu vực miền Tây Nam Bộ nhiệt độ từ 22-24 độ C, se lạnh vào sáng sớm và chiều tối.
Mưa cũng sẽ tăng dần từ miền Đông sang miền Tây, tại các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh... có mưa, có thể đạt 80mm. Riêng tại Cà Mau, Kiên Giang có thể đạt mức 150-200mm. Với lượng mưa này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại mà còn có thể gây hư hại hoa màu của người dân chuẩn bị trong dịp Tết Nguyên đán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận