Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Họ & Tên.
Là một trong những tên tuổi nổi bật của văn chương Việt thời đổi mới, với cuốn tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt suốt mấy chục năm qua, nhưng Bảo Ninh khẳng định nếu ông không trải qua đời bộ đội thì chắc chắn không bao giờ viết văn.
Nhà văn rất kín tiếng với truyền thông này đặc biệt dành cho Tuổi Trẻ một cuộc đối thoại thẳng thắn và cởi mở, như những trang viết của ông.
* Có người nói Nỗi buồn chiến tranh hay văn Nguyễn Huy Thiệp được dịch nhiều vì nước ngoài có xu hướng thích đọc những tiếng nói chống đối.
- Đó không phải văn chương chống đối, đó là văn học nói thật. Một số nhà lý luận trong nước tạo cảm giác đó là văn học chống đối.
Ông Thiệp hoàn toàn khác nhà văn của lứa trước đổi mới. Ông không dính líu gì với lối văn chương trước ông. Làm văn chỉ vì văn chương. Sao lại gọi đó là văn chương chống đối?
* Nhưng chẳng phải ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên "xét lại" chiến tranh?
- Tôi chả xét lại chiến tranh. Đấy là lối nói áp đặt.
* Thế sao ông gọi Nỗi buồn chiến tranh?
- Thì chiến tranh là buồn chứ sao. Nhưng phải thế. Không muốn luồn cúi, không muốn chấp nhận quân Mỹ vào nước mình thì phải đổ máu. Còn một dân tộc sẵn sàng luồn cúi thì khác, khỏi phải đổ máu, khỏi phải buồn.
Cho nên bây giờ bằng mọi giá chúng ta phải giữ lấy hòa bình. Bằng mọi giá phải giữ cho con cháu chúng ta có cuộc sống yên ổn. Nghèo còn hơn là lâm cảnh ngộ chiến tranh.
Chiến tranh là từng cuộc đời vỡ vụn. Chạy loạn, chết chóc, mẹ xa con, vợ xa chồng... Đó là chiến tranh. Nên bằng mọi giá phải giữ hòa bình.
* Sau chiến tranh, anh lính Hà Nội Hoàng Ấu Phương (tên thật của nhà văn Bảo Ninh - PV) trở về thế nào với cuộc sống thời hòa bình?
- Hết chiến tranh tôi xuất ngũ. Bao cấp ngăn sông cấm chợ, cuộc sống vô cùng khó khăn.
Mỗi người được tiêu chuẩn 13 cân gạo. Nhà tôi năm người, bố tôi là giáo sư đại học, mẹ tôi là giáo viên, và ba đứa con, trong đó có tôi là cựu chiến binh.
Tất cả ở chung trong một phòng 20m2. Phải sống chồng chất, nằm sàn, mùa hè nóng như thiêu như đốt. Mà như nhà tôi còn là sang.
Người dân Việt Nam sau chiến tranh khổ lắm. Tôi cũng giống như nhiều cựu binh, phải "ba lô lộn ngược nhảy tàu Bắc - Nam" kiếm sống.
Nhưng nói lại chuyện cũ không phải để kể xấu. Mà để các bạn trẻ ngày nay nhìn vào mà thấy sự vươn lên của dân tộc này. Bố mẹ tôi, bố mẹ cô nghèo đói, nhưng người ta vượt lên được.
* Rồi cơn cớ gì dẫn ông tới chỗ ngồi viết Nỗi buồn chiến tranh?
- Đó là lúc bắt đầu Đổi mới, cảm thấy có thể viết được. Nếu không có Đổi mới thì cũng ngần ngại viết. Lúc đó có sự đổi mới của Đảng. Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh bảo cởi trói cho văn nghệ, viết gì thì viết, thì tôi viết, chứ không cũng ngại.
Ông Phạm Chuyên lúc còn làm giám đốc Công an Hà Nội kể với tôi rằng người ta gửi rất nhiều thư từ về tôi cho ông. Riêng về ông Thiệp, ông Chuyên bảo có cả một núi thư.
Lúc đó ông ấy nói với tôi: Công an chúng tôi cũng đổi mới chứ. Chúng tôi nhận những thư đó thì bảo với nhau sao những bài có tính phê bình như thế lại gửi lên công an. Chúng tôi trả lời họ là những chuyện như thế nên đăng báo về văn nghệ, chứ không nên chuyển cho công an.
* Hồi viết Nỗi buồn chiến tranh ông có bị gặp nhiều phiền phức với chính quyền?
- Không. Đổi mới rồi mà.
* Nhưng chẳng phải hồi đó cuốn sách gặp khó khăn khi xuất bản khiến phải đổi tên thành Thân phận tình yêu?
- Không phải, đổi tên là lý do khác. Lý do kinh tế thôi. Thời đầu Đổi mới, văn chương cũng phải theo xu hướng của người đọc mới bán được. Nhà xuất bản Hội Nhà Văn đề nghị với tôi là đổi tên, tôi đồng ý.
Giám đốc là nhà văn Nguyễn Kiên và biên tập viên là nhà văn Nguyễn Phan Hách đều nói với tôi lúc này bạn đọc có xu hướng không muốn đọc mãi về chiến tranh nữa, họ nhìn cái tên sách lại đoán toàn chuyện anh hùng lính lác, người ta sẽ không đọc. Xu hướng thời mở cửa họ thích đọc chuyện ái tình.
Thời ấy văn chương không có mấy chữ kiểu tình yêu, thân phận, số phận... thì khó bán. Khoảng 10 năm sau chiến tranh đất nước có nhiều chuyện quái gở. Nên đổi mới cái là người ta thích đọc những chuyện cá nhân hơn, về tình yêu, số phận.
Tên Thân phận tình yêu cũng chỉ dùng hai lần. Sau khi nó được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải năm 1991 thì năm 1992 Nhà xuất bản Hội Nhà Văn tái bản, trả lại tên Nỗi buồn chiến tranh. Tôi cũng không hỏi họ chuyện đổi tên này. Đổi lại tên gốc càng tốt, tên kia thì cũng được, chẳng sao.
Cuốn đó chẳng bao giờ bị cấm. Tất nhiên nó có bị phê bình dữ dội, nhưng là do trong ngành với nhau, chứ không có can thiệp nào từ chính quyền hay công an. Khi nó bị phê bình dữ dội thì lúc đầu giới xuất bản ngại tái bản.
Nhưng cũng ngay lúc ầm ĩ nhất thì Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp tôi vào hội. Hồi đó chủ tịch hội là ông Hữu Thỉnh.
* Ông dành nhiều lời khen ngợi cho văn chương của Nguyễn Bình Phương, nhưng thật tiếc tác giả này chưa được thế giới dịch nhiều như văn của ông và Nguyễn Huy Thiệp.
- Văn chương được thế giới dịch cũng chẳng nói lên điều gì. Văn học Việt trước tiên là phải để người Việt đọc.
Nguyễn Bình Phương chưa được dịch nhiều vì nhiều nguyên nhân, như văn khó dịch, chưa tới lúc... Còn tôi vẫn nghĩ nhà văn Việt Nam thì viết tiếng Việt phải hay, phải vì tiếng Việt, vì người đọc Việt. Từ đó mới ra thế giới.
Nước mình thời này văn xuôi ai bằng được của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương.
* Không có Bảo Ninh?
- Không. Tôi viết quá ít và chỉ giới hạn trong đề tài bộ đội.
* Người ta bảo trong giới văn nghệ thuật rất ít thừa nhận nhau, nhưng ông cứ đi khen người khác.
- Tôi với ông Thiệp chỉ sơ giao, ít gặp nhau, văn chương thì "tông" cũng khác nhau. Ông Nguyễn Bình Phương có tư duy của một nhà viết tiểu thuyết. Còn ông Thiệp tuyệt vời ở mảng truyện ngắn.
Nhưng tiểu thuyết của ông Thiệp cũng hay chứ. Tuổi hai mươi yêu dấu rất hay, rất độc đáo, rất nhân văn. Có thể truyện ngắn của ông át tiểu thuyết, nhưng không có nghĩa tiểu thuyết của ông dở.
Thi pháp tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương thì độc nhất vô nhị. Văn của ông ấy hay, tiếng Việt rất giỏi.
Nhà văn có mỗi tiếng Việt làm công cụ, ông Phương đặc biệt không chen một tí tiếng Tây tiếng Tàu nào. Nhà văn phải sống bằng tiếng Việt chứ bằng gì.
Trước đây chúng ta có ông Thiệp, giờ có Nguyễn Bình Phương là văn chương không giống ai.
* Có Bảo Ninh nữa chứ?
- Cô nhầm. Cuốn Nỗi buồn chiến tranh được bộ đội thừa nhận bởi vì họ thấy đúng là cuốn ấy viết thật về bộ đội. Còn một số nhà văn thích bởi họ bảo trước chưa có cái gì giống thế. Thì là vì dạo trước chẳng mấy ai chịu viết kiểu đó. Thật ra viết thật về cuộc chiến có gì là khó. Chỉ là không dám thôi.
Ngày trước văn chương kiểu gì cũng đều có nét tô hồng. Trong chiến tranh cần làm nhiệm vụ tuyên truyền thì lối viết đó được chấp nhận. Nhưng hòa bình rồi mà vẫn bài ca anh hùng theo lối tô hồng thì đáng trách.
* Còn hiện nay, ngoài Nguyễn Bình Phương ông còn thích ai?
- Nguyễn Ngọc Tư. Sau này cũng có nhiều tên tuổi nữa nhưng tôi chưa biết nhiều.
* Người ta nói ông là một nhà văn một tác phẩm, ông thừa nhận điều này?
- Đúng thế. Tôi chơi với nhà văn, có những người bạn văn chương gần gũi, nhưng tôi không phải nhà văn. Tôi không phải là người của giới nhà văn. Tôi thuộc về giới cựu chiến binh.
* Vậy tại sao ông viết?
- Đói. Viết thì mới có tiền mà sống.
Và vì tôi là cựu chiến binh. Không trải qua đời bộ đội thì chắc chắn tôi không bao giờ viết văn, không nghĩ đến chuyện trở thành nhà văn. Tôi trở thành nhà văn vì tôi là cựu chiến binh.
Tôi viết vì mục đích kể chuyện thời mình, thời chiến. Nó không có mục đích văn học theo nghĩa kể những câu chuyện có tính nhân sinh rộng rãi.
* Ông có lời khuyên gì với người viết trẻ?
- Những người trẻ đừng học thế hệ trước, đừng xơi lại những món của thế hệ trước. Phải có con đường riêng.
Nhưng ngược lại, những người già cũng đừng lấy tuổi tác ra "uy hiếp", chê bai người trẻ. Đừng lấy thời của mình ra dạy dỗ.
------------------------------------------------------------------------------------------------
Vui lòng nhập Tên hiển thị
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Vui lòng nhập Email
Email Không đúng định dạng
Mật khẩu không đúng.
Thông tin đăng nhập không đúng.
Tài khoản bị khóa, vui lòng liên hệ quản trị viên.
Có lỗi phát sinh. Vui lòng thử lại sau.
Nhập mã xác nhận
Đóng lạiVui lòng nhập thông tin và ý kiến của bạn
XThêm chuyên mục, tăng trải nghiệm với Tuổi Trẻ Sao
Từ ngày 1-1-2023, Tuổi Trẻ Online giới thiệu Tuổi Trẻ Sao - phiên bản đặc biệt dành riêng cho các thành viên với nhiều chuyên mục và trải nghiệm thú vị, bao gồm: Tư vấn pháp luật, Hỏi chuyện sức khỏe; Xem nhật báo sắc nét trên mạng (E-paper), Tuổi Trẻ Live (trực tiếp các sự kiện thời sự nóng bỏng, hấp dẫn).
Tuổi Trẻ Sao được thiết kế thông thoáng với tất cả các trang, chuyên mục và video đều không có quảng cáo hiển thị, không làm ngắt quãng sự tập trung của bạn đọc.
Bằng cách đóng góp Sao, thành viên Tuổi Trẻ Sao có thể tham gia các hoạt động và tương tác trên nền tảng Tuổi Trẻ Online như tặng Sao cho tác giả và các bài viết yêu thích, đổi quà lưu niệm trong chương trình, đăng ký quảng cáo, mua sắm trực tuyến.
Báo Tuổi Trẻ phát triển Tuổi Trẻ Sao nhằm từng bước nâng cao chất lượng nội dung, tăng khả năng kết nối, tương tác và thực hiện các nội dung mới theo nhu cầu của số đông công chúng.
Chúng tôi hy vọng Tuổi Trẻ Sao sẽ góp phần chăm sóc, phục vụ và mang lại những trải nghiệm mới mẻ, tích cực hơn cho cộng đồng độc giả của Tuổi Trẻ Online.
TTO
Tuổi Trẻ Sao
Thông tin tài khoản ngày
Tài khoản được sử dụng đến ngày | Bạn đang có 0 trong tài khoản
1 sao = 1000đ. Mua thêm sao để tham gia hoạt động tương tác trên Tuổi Trẻ như: Đổi quà lưu niệm, Tặng sao cho tác giả, Shopping
Tổng số tiền thanh toán: 0đ
Thanh toán
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận