Cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam - một trong các cuộc thi nhan sắc thu hút đông thí sinh tham gia - Ảnh: HỮU HẠNH
Trước thực tế này, Tuổi Trẻ có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Quang Vinh - chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội, nguyên quyền cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, người được coi là "linh hồn" của nghị định 144 (về nghệ thuật biểu diễn ra đời năm 2021) "cởi trói" cho các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, kinh doanh giải trí nói chung và các cuộc thi sắc đẹp nói riêng. Ông Vinh cho biết ông không lo ngại bởi đây chỉ đơn thuần là hoạt động giải trí:
"Nếu cuộc thi hoa hậu nhiều như nấm thật thì chắc chắn nhiều trong số đó sẽ nhanh chóng chết. Nhưng một số nấm ấy mà được chăm chút kỹ càng thì nấm ấy có khi quý như đông trùng hạ thảo.
Nhiều hay ít không quan trọng mà các cuộc thi này nên được tổ chức có chất lượng. Khi chúng ta trả hoạt động này về cho xã hội tự vận hành theo đúng quy định của pháp luật thì cuộc thi nào có chất lượng sẽ tồn tại, còn cuộc thi nào được tổ chức không tốt thì tự ắt sẽ chết".
* Nhưng thực tế vẫn đang tồn tại nhiều cuộc thi hoa hậu chất lượng ao làng, thậm chí bị chính người đẹp tố có mua bán giải?
- Người dân có quyền ngoảnh mặt với những cuộc thi như thế, không ai bắt. Thậm chí nếu cuộc thi nào đó có "bán" theo một hình thức trá hình nào đó và ai đó có nhu cầu "mua" thì cũng là quyền của thị trường, miễn là sự mua bán đó không vi phạm pháp luật.
* Từng là một nhà quản lý văn hóa, ông nhìn nhận thế nào về một xã hội bùng nổ các cuộc thi nhan sắc, còn các người đẹp thì cũng đầy những lùm xùm, tai tiếng? Ông có thấy bất thường không?
- Không có gì bất thường. Số lượng người đẹp sẽ chẳng bao giờ nhiều bằng hệ thống công chức, viên chức. Mình có mấy chục triệu dân sao mình lại không để cho 300 - 400 người muốn làm người đẹp?
Ai cũng muốn mình đẹp. Họ phấn đấu để đạt được danh hiệu người đẹp là tốt chứ. Còn tai tiếng thì cũng khó tránh. Một người nổi tiếng thì đau bụng người dân cũng biết nhưng một đồng chí khác có thể đau bụng hàng trăm lần dân không biết.
Ông Nguyễn Quang Vinh
* Các nhà nữ quyền còn phản đối các cuộc thi hoa hậu vì cơ thể phụ nữ được mang ra để... giải trí cho xã hội?
- Họ nghĩ đúng. Nhưng số này hiện nay trong xã hội còn rất ít. Còn số muốn đi thi hoa hậu, muốn xem thi hoa hậu lại đông hơn nhiều. Chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc đa số thắng thiểu số. Khi còn nhiều người thích thi, thích xem hoa hậu thì các cuộc thi nhan sắc còn được tổ chức để phục vụ nhu cầu ấy. Ai đó không thích các cuộc thi nhan sắc thì không xem.
* Một chuyên gia trong ngành giải trí Hàn Quốc từng chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng Hàn Quốc cũng từng có thời kỳ bùng nổ các cuộc thi nhan sắc nhưng hiện nay rất ít vì quan niệm trong xã hội cho rằng thi hoa hậu là ít tôn trọng phụ nữ và ông tin rằng Việt Nam cũng sẽ sớm tiến đến giai đoạn đó. Ông nghĩ sao?
- Đó là quy luật xã hội. Chúng ta sẽ bước tới giai đoạn đó nhưng sẽ còn lâu. Khi xã hội lựa chọn điều gì thì điều đó sẽ tồn tại, chứ không thể áp đặt.
* Nghị định 144 với những quy định cởi mở trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn được cho là "tác nhân" gây "bùng nổ" các cuộc thi sắc đẹp, ông nghĩ sao?
- Nghị định 144 cho phép mọi công dân đều có quyền tiếp cận và hoạt động nghệ thuật theo sở thích của mình miễn là không vi phạm pháp luật.
Trước đây người dân chỉ được làm những gì được phép, nghệ sĩ chỉ được diễn những bài được cấp phép, hay mỗi năm chỉ được thi 2 - 3 cuộc thi hoa hậu. Tại sao lại là 2 - 3 cuộc trong một năm chứ không phải là 1 hay là 10. Ta lấy căn cứ gì để cho rằng 2 - 3 cuộc thi hoa hậu trong 1 năm là đủ?
* Bất chấp những than phiền về "lạm phát" hoa hậu, ông cho rằng nghị định này là một tiến bộ lớn về chính sách?
- Nó là một bước tiến bộ lớn. Còn những than phiền kia là mặt trái của kinh tế thị trường mà chúng ta phải chấp nhận. Chúng ta không thể đòi hỏi có được sự giàu có của kinh tế thị trường nhưng lại đòi duy trì tư duy quản lý bao cấp. Đó là điều mâu thuẫn không bao giờ có.
Cơ chế thị trường là cơ chế tư nhân tự do, ta chỉ có thể cố gắng hạn chế mặt trái của nó chứ không thể muốn đầu tôi vẫn ở chỗ cũ mà chân tôi bước vào tương lai thì là chuyện viễn tưởng. Các nhà quản lý của chúng ta đang quen với việc là làm rập khuôn theo quy định, không cần phải nghĩ. Khi cơ chế cởi mở thì lại không nghĩ được gì và cảm thấy lúng túng.
Nhiều cuộc thi chỉ có 20 - 30 thí sinh tham dự
Nhẩm đếm sơ bộ, trong 6 tháng đầu năm nay đã có hơn chục cuộc thi nhan sắc được tổ chức, chưa tính các cuộc thi hoa khôi, người đẹp cấp tỉnh thành. Từ nay tới cuối năm cũng có hàng chục cuộc thi nhan sắc như: Hoa hậu Các dân tộc Việt Nam (chung kết 16-7), Hoa hậu Áo dài Việt Nam (30-7), Hoa hậu Thể thao Việt Nam (31-7), Hoa hậu Thế giới Việt Nam (12-8), Hoa hậu Hòa bình Việt Nam (11-9), Nữ hoàng trang sức Việt Nam (20-10), Hoa hậu Biển đảo Việt Nam (22-10), Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam (22-10), Hoa hậu Việt Nam (dự kiến ngày 15-12)...
Bên cạnh những cuộc thi uy tín là Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam... thu hút đông đảo thí sinh tham gia, rất nhiều cuộc thi chỉ có 20 - 30 thí sinh đăng ký. Cuộc thi Hoa hậu Áo dài Việt Nam sẽ thi chung kết vào cuối tháng 7 này nhưng đầu tháng 7 khi họp báo công bố thì mới có 25 thí sinh đăng ký, trong khi cuộc thi này chấp nhận thí sinh đã qua phẫu thuật thẩm mỹ và có độ tuổi từ 18 tới... 45 tuổi, cả người đã lập gia đình.
Siêu mẫu, diễn viên Vũ Thu Phương, người vừa tham gia chấm thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, trong cuộc gặp gỡ báo chí ở Hà Nội đầu tháng 7 cũng thừa nhận từ đầu năm tới nay có 16 cuộc thi hoa hậu là quá nhiều. Theo cô, số lượng nên giảm bớt để các thí sinh có "đủ thời gian chín".
Tuy nhiên, cô cũng nhìn nhận mặt tích cực của hiện tượng "bùng nổ" này là hoạt động giải trí sôi động trở lại sau thời gian dài đóng băng vì đại dịch COVID-19, kéo theo sự tăng trưởng của nhiều ngành nghề liên quan.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận