Bảo mẫu chăm sóc trẻ bằng tình yêu thương như thế này là những tình cảm đầu đời quan trọng của trẻ - Ảnh: Mỹ Dung |
Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại quận Tân Bình (TP.HCM) khẳng định: bây giờ mà học ngành mầm non (giáo viên, bảo mẫu), đảm bảo ra trường là có việc làm ngay vì các trường luôn trong tình trạng thiếu người. Một mặt do đào tạo không đủ nhu cầu, mặt khác do nghề chăm trẻ con quá cực, không phải ai cũng gắn bó được lâu.
Theo nhiều hiệu trưởng, đội ngũ này trong các cơ sở mầm non tư thục không phép thường là những người tay ngang, không được đào tạo hoặc chỉ có trình độ sơ cấp. Việc “có lửa với nghề” hay không phụ thuộc cả vào lãnh đạo nhà trường và môi trường làm việc.
Quần quật gần mười một tiếng mỗi ngày
Cô hiệu trưởng nói trên kể, mỗi lớp học ở trường cô đều có một bảo mẫu. Là chủ trường và cũng là hiệu trưởng, nhưng cô thừa nhận: “Làm bảo mẫu quá cực đi. Công việc thì không đếm xuể, lương thì không cao”.
Cụ thể, mỗi ngày, các bảo mẫu phải đến trường từ 6 giờ 30 phút và rời trường vào lúc 17 giờ. Họ phải làm rất nhiều việc, như: dọn dẹp vệ sinh trong lớp, cọ toilet, chăm sóc cho bé ăn, uống, vệ sinh; chơi với trẻ, can thiệp không cho trẻ đánh nhau, dành giật đồ chơi với nhau.
Trong các trường mầm non tư thục, số lượng trẻ/lớp không nhiều như ở mầm non công lập (chỉ khoảng 20 trẻ), nên mỗi lớp thường chỉ có một giáo viên và một bảo mẫu.
Theo lịch, giờ nghỉ của giáo viên, bảo mẫu và học sinh thường được ghi từ 11 giờ đến 14 giờ nhưng “nếu trong thời gian đó, có trẻ ho, ói, khóc, buồn đi vệ sinh…, thì bảo mẫu cũng không được nghỉ gì hết. Và ngay cả những lúc không có “sự vụ” gì xảy ra, thực tế họ cũng không được ngủ, vì họ vẫn phải dõi theo, quan sát các bé mầm non đang ngủ kia.”
Cô Đỗ Quỳnh Châu, Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Ánh Dương (Q.3, TPHCM) cho biết, công việc chính của bảo mẫu ở trường là vệ sinh lớp, cho trẻ ăn, trẻ ngủ, tắm và chăm sóc, dỗ dành, cùng chơi với trẻ.
“Giờ nghỉ trưa của các cô ở từ 11 giờ 30 đến 14 giờ, nhưng các cô vẫn phải luân phiên trực. Phải quan sát xem trẻ có khó ngủ không, có trẻ nào khóc, trẻ nào tè dầm… Vì vậy, đòi hỏi quan trọng nhất của nghề bảo mẫu là “biết lấy con trẻ làm niềm vui”, cô Châu nói.
Coi trẻ ở trường như con, cháu mình và cô bảo mẫu giống như những người mẹ, người dì trong mắt trẻ thơ.
Một hiệu trưởng khác cho biết do số lượng trẻ nhỏ nhiều, trường thực hiện chăm lo trọn gói nên công việc của bảo mẫu còn yêu cầu nhiều hơn và tuân thủ nhiều quy trình hơn.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Phòng GD-ĐT quận Thủ Đức - TP.HCM, cho biết, tại các trường mầm non công lập hiện không có đội ngũ bảo mẫu nhưng lực lượng này tồn tại ở các trường tư thục, nhóm trẻ tư thục và nhóm trẻ gia đình.
Tuy nhiên, trong khi các trường mầm non tư thục có thể tuyển được lực lượng bảo mẫu có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản thì ở các nhóm trẻ gia đình (chỉ 4-6 trẻ), bảo mẫu chủ yếu là những người “tay ngang”, những người không qua trường lớp, nên “nghề” đã cực, lại thêm một số áp lực sẽ có thể xảy ra trường hợp bạo hành trẻ. Phòng GD-ĐT, UBND phường, xã đều thực hiện các buổi nói chuyện, bồi dưỡng thêm kiến thức chăm trẻ, chống bạo hành để “giảm áp lực” của nghề.
Tốt, xấu phụ thuộc phần lớn vào… hiệu trưởng
Hiệu trưởng một trường mầm non tư thục tại Q.2, TP.HCM tiết lộ, nghề bảo mẫu rất cực nhưng thu nhập bình quân hiện nay của nghề này tại TP.HCM chỉ ở mức 3,5 – 5 triệu đồng/tháng. Ở một vài trường thu nhập từ nghề này khá hơn, đỉnh có thể lên đến 8,9 triệu đồng/tháng nhưng phải làm lâu năm và rất lành nghề.
Hiện nay, các trường rất khó khăn trong công tác tuyển “chọn” bảo mẫu. Tại trường mầm non với tổng số học sinh khoảng 150 trẻ này, lực lượng bảo mẫu vẫn “nghỉ” việc thường xuyên và nhu cầu tuyển mới luôn luôn có những không phải bao giờ cũng có thể tuyển kịp thời.
Ngoài quy định phải được đào tạo bảo mẫu 6 tháng, các trường phải chọn bảo mẫu có kinh nghiệm, sau đó mới đến công tác đào tạo lại.
“Chúng tôi phải tập huấn cho bảo mẫu các nội quy, quy định của trường và thông thường sẽ tuyển những cô bảo mẫu đã làm mẹ. Rồi tập huấn về an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm” - cô hiệu trưởng này cho biết.
Theo hiệu trưởng Quỳnh Châu, nhà trường thường tuyển những bảo mẫu đã qua đào tạo 6 tháng lớp “Cô nuôi dạy trẻ” của trường ĐH Sài Gòn hoặc CĐ Sư phạm Trung ương 3 vì ở đây có đi kiến tập, thi cử và đào tạo bài bản.
"Trong quá trình làm việc, nhà trường cũng thường xuyên tập huấn, giám sát, nhắc nhở nhưng không ép thành tích đối với bất cứ cô giáo nào" - cô Châu cho hay.
Ngoài ra, hiệu trưởng, chủ trường phải “thường xuyên” đi “hỗ trợ” vào các giờ cao điểm. “Mình đi để hỗ trợ, có gì vướng mắc thì gỡ, có gì thấy chưa đúng thì nhắc nhở vì nhiều khi “cực” quá họ cũng khó làm chủ được cảm xúc, dễ xảy ra sai sót”, hiệu trưởng nhóm tư thục Thiên Thần Nhỏ (TP.HCM) cho biết.
Bảo mẫu cần phải được đào tạo bài bản hơn Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Phó Phòng GD-ĐT Quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, từ thực tế chăm sóc nuôi dưỡng trẻ ở trường mầm non, các bảo mẫu rất cần được đào tạo thêm về… công tác y tế. “Nếu bảo mẫu, ngoài việc chăm sóc trẻ con có thể được học thêm các công tác về sơ cấp cứu, về điều dưỡng thì sẽ đảm bảo được việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tốt hơn”, bà Nga nói. Trong khi đó, theo cô Đỗ Quỳnh Châu, nhà trường cũng mong muốn nghề bảo mẫu ngoài việc được đào tạo về các thao tác chăm sóc trẻ con các lứa tuổi, thì các cô nên hiểu thêm về tâm lý lứa tuổi để ngoài việc chăm con, cô bảo mẫu cũng biết cách tiếp xúc, chơi với trẻ theo từng lứa tuổi. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận