Với Trang, bà nội cũng chính là người mẹ, người cha hơn 10 năm qua - Ảnh: DOÃN HÒA |
Cơn bão số 2 đi qua gần một tuần lễ nhưng căn nhà nhỏ của hai bà cháu Lê Thiên Trang ở khối Đông Lâm, phường Hưng Dũng, TP Vinh vẫn còn ngổn ngang gạch đá, cây cối đổ gãy. Thiếu vắng bàn tay của người đàn ông trong gia đình, hai bà cháu phải tất bật dọn dẹp lại nhà cửa để ổn định cuộc sống.
Vừa trồng cây khế trong vườn bị bão quật ngã, bà Nguyễn Thị Cảnh (65 tuổi) bùi ngùi kể về tuổi thơ bất hạnh của đứa cháu nội.
Nhiều lúc nhìn bạn bè được bố mẹ đưa đón đến trường học, đi chơi, được chiều chuộng mà em thèm lắm. Em muốn mình cũng có bố, cũng có mẹ bên cạnh chăm sóc, nuôi dạy mình nhưng có lẽ việc có cả bố lẫn mẹ với em chỉ là giấc mơ mà thôi” |
Lê Thiên Trang |
“Người ta thường bảo “trẻ lên ba cả nhà tập nói”, trong khi bạn bè cùng trang lứa ở cái tuổi này được cha mẹ dạy bảo ngôn ngữ đầu tiên trong đời thì Trang không có được may mắn tưởng chừng như hiển nhiên ấy. Trang vừa lọt lòng thì mẹ cháu bỏ đi vì cuộc sống gia đình không yên ấm. Lúc Trang tròn 2 tuổi, bố cháu cũng đột ngột qua đời…” - bà Cảnh gạt nước mắt tâm sự.
Kể từ đó, Trang lớn lên bằng tình yêu thương, chăm chút của bà nội từ giấc ngủ đến cái ăn, cái mặc. Mặc cảm về hoàn cảnh của bản thân nên Trang rất rụt rè, ít nói và ngại tiếp xúc với người lạ.
Thương bà vất vả, Trang rất ngoan ngoãn, chăm chỉ và tự lập sớm. Ngoài thời gian học ở trên lớp, sống cùng người nội đã già yếu lại đau ốm triền miên nên dù mới chỉ 12 tuổi Trang đã thành thạo phụ giúp bà làm công việc nhà từ nấu ăn, rửa bát đến giặt giũ quần áo.
Căn nhà tuy thiếu thốn về vật chất nhưng chính tình yêu thương của hai bà cháu giúp họ vượt qua những khó khăn, đói nghèo. Đáp lại sự kỳ vọng của bà, suốt sáu năm học Trang đều là học sinh giỏi của trường.
Điều Trang lo sợ nhất chính là những lúc bà đổ bệnh do lên cơn cao huyết áp. “Có lần bà bị ngất xỉu phải nằm viện cả tháng tưởng chừng như không qua khỏi. Em rất sợ khi mình ngủ dậy không còn bà ở bên cạnh thì lúc đó chỉ còn em bơ vơ trên cuộc đời này” - Trang tâm sự.
Đưa cho chúng tôi xem bức thư trên tập giấy kẻ được cất giữ cẩn thận, bà Cảnh cho biết đây là lá thư được Trang viết trong một đêm nhưng không gửi cho mẹ mà được gửi cho bà bởi Trang không biết hiện mẹ đang ở đâu.
“Con muốn lắm một vòng tay, một lời ru của mẹ. Thay vào đó là đôi tay âu yếm và lời ru ấm áp của bà nội. Mẹ ơi! Mười một tuổi rồi mà như chưa được sinh ra. Các bạn có hộ khẩu, giấy khai sinh nên các bạn có thể nhập học một cách dễ dàng và đỡ tốn kém. Riêng con thì không…”.
Khi được hỏi ước mơ của mình, Trang chia sẻ: “Bây giờ bà chính là người thân duy nhất của em, là chỗ dựa tinh thần giúp em có động lực để học tập. Em chỉ mong bà khỏe mạnh để sống cùng em mà thôi. Ước mơ sau này của em là học thật giỏi để làm cô giáo hoặc bác sĩ để chữa bệnh cho những người bị bệnh giống bà em”.
Cô Vũ Thị Thanh Bình - giáo viên chủ nhiệm lớp 6A Trường THCS Hưng Dũng - chia sẻ hoàn cảnh của Trang rất khó khăn khi mồ côi từ nhỏ, sống với bà nội đã già yếu, đau ốm triền miên. Tuy vậy, Trang rất giàu nghị lực vươn lên trong học tập, có ý thức, trách nhiệm tập thể và sống hòa đồng được bạn bè và thầy cô quý mến.
Từ ngày 24-7, báo Tuổi Trẻ sẽ giới thiệu 100 gương học sinh (từ tiểu học đến THPT) vượt khó vươn lên trong học tập trên tuoitre.vn. Mỗi tấm gương hiếu học này sẽ nhận được một suất học bổng “Đèn đom đóm” trị giá 3 triệu đồng/suất để phần nào chia sẻ khó khăn với các em. Đây là chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Công ty FrieslandCampina Việt Nam tổ chức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận