05/01/2020 09:18 GMT+7

Bảo mật camera: nói dễ, làm khó

TRUNG THANH
TRUNG THANH

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ đăng một số bài viết về nguy cơ camera an ninh trong gia đình bị người khác tấn công, nhiều bạn bè tôi quan tâm đến việc làm sao biết được camera nhà mình có an toàn chưa.

Bảo mật camera: nói dễ, làm khó - Ảnh 1.

Người dân lắp camera giám sát trong nhà ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Không phải ai cũng có đủ các kiến thức và kỹ năng để bảo đảm an toàn tốt nhất cho hệ thống camera an ninh gia đình mình. Nhiều người ý thức được chuyện bảo mật nhưng không dễ thực hiện.

Muốn bảo mật nhưng... sợ bảo dưỡng

Sử dụng camera trong nhà nhiều năm nay, anh Huy Cung (Q.Tân Phú, TP.HCM) luôn tỏ ra yên tâm về sự an toàn cho ngôi nhà của mình dù đi công tác xa. Khi đọc thông tin việc bị lộ những đoạn video riêng tư từ chính camera trong nhà, anh đâm ra hoang mang. 

"Cũng biết chút ít về công nghệ thông tin, tôi tự mày mò lắp ráp hệ thống camera nhà mình. Trước giờ rất yên tâm vì có thể nắm hết mọi việc diễn ra trong nhà. Giờ hoang mang liệu có nên tiếp tục sử dụng camera không, liệu mình có đang bị theo dõi ngược hay không" - anh lo lắng.

Nhiều người lắp hệ thống camera an ninh cũng đã đọc hết các cảnh báo của các chuyên gia an ninh mạng về những biện pháp để đảm bảo sự an toàn tối thiểu. Đọc thì dễ nhưng khi thực hiện không dễ như đọc. Nhiều thứ phát sinh mà những người không am hiểu nhiều về kỹ năng máy tính sẽ không biết xử lý ra sao.

Lâu lâu phần mềm trên điện thoại báo thiết bị không được kết nối mạng, trong khi WiFi trong nhà không đổi, camera vẫn được cắm điện chạy bình thường. Tắt phần mềm, khởi động lại điện thoại hoặc thiết bị camera, thế là kết nối lại bình thường. Anh bạn tôi nâng cấp phần mềm cho camera, điện thoại liên tục báo hãy nâng cấp phần mềm cho camera nhưng khi anh bấm nâng cấp thì chạy một lúc lại bị lỗi, đến giờ vẫn không biết nguyên nhân tại sao...

Việc các chuyên gia khuyến cáo thường xuyên đổi mật khẩu là một "cực hình" với nhiều người khi đã quên mật khẩu. Chị bạn tôi kể sau sự cố của cô ca sĩ vừa qua, nhà chị cũng kiểm tra, xem lại hệ thống camera ở nhà, đồng thời thay đổi mật khẩu. Nhưng chị không nhớ mật khẩu đang sử dụng. 

"Cố nhớ, rồi lẫn lộn giữa mật khẩu mới và cũ, thế là không vô được phần mềm để coi camera, phải nhờ người quen tìm lại mật khẩu và cài đặt mật khẩu mới" - chị chia sẻ.

Một số biện pháp đơn giản

Cuộc sống hiện đại ai cũng muốn dùng công nghệ đảm bảo an toàn cho nhà mình. Nhưng camera là "con dao hai lưỡi" và không phải ai cũng biết dùng, không phải ai cũng rành về chuyện bảo mật tốt nhất cho hệ thống. Nhờ vả đến người quen hay nhân viên kỹ thuật cũng ngại phiền. Nhiều người thường tự chia sẻ những cách thức khá đơn giản để kiểm tra xem camera nhà mình có đang "phản chủ" hay không.

Chị Hồng Uyên (Q.5) cho biết chị rất chịu khó để ý hoạt động của camera trong nhà. "Nhà có 4 camera loại xoay 360 độ. Mỗi khi nhìn chiếc camera nào xoay chuyển, tôi đều hỏi người trong nhà xem ai đang điều khiển. Coi như một cách để yên tâm hơn" - chị Uyên chia sẻ.

Một động tác bảo mật đơn giản khác là thường xuyên để ý số người đang theo dõi camera. Trên một số phần mềm quan sát, điều khiển camera an ninh hiện nay có hiển thị hoặc cho phép người dùng xem số lượng người đang theo dõi, con số có thể hiển thị ở góc màn hình video và sẽ hỏi những người có quyền xem camera khi thấy có nghi ngờ. Nhiều khi thấy "khả nghi", lập tức tắt camera, cài lại mật khẩu tất cả các thiết bị liên quan như WiFi, smartphone, camera, phần mềm theo dõi...

Qua vụ việc vừa qua, nhiều người đều biết hạn chế lắp đặt camera ở phòng ngủ, nhà vệ sinh... trừ những nơi buộc lòng phải theo dõi như phòng ngủ trẻ em, nơi sinh hoạt của người lớn tuổi. Còn lại người dùng chỉ nên lắp đặt camera ở những nơi để phòng người lạ, quan sát người ngoài, chứ không nên theo dõi chính người trong nhà.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, người dùng phải học và tìm hiểu các kỹ năng bảo mật tối thiểu để tự bảo vệ chính mình và cho gia đình khi kết nối mạng. Mật khẩu không được tùy tiện chia sẻ với bất kỳ ai, người sử dụng nó bảo mật và nâng cao cảnh giác hơn bao giờ hết.

3 cách thức tấn công camera phổ biến của hacker

Các chuyên gia an ninh mạng của Công ty Bkav đưa ra 3 cách phổ dụng được kẻ xấu dùng để xâm nhập camera an ninh của các gia đình.

Thứ nhất là lợi dụng việc chia sẻ kết nối mạng với người khác. Khi đó kẻ xấu hoàn toàn có thể "xin" được từ đâu đó mật khẩu WiFi, kết nối vào hệ thống mạng nội bộ gia đình và sau đó là hệ thống camera.

Thứ hai là lợi dụng việc người dùng cho, tặng, bán lại thiết bị nhưng quên xóa phần mềm xem camera trên điện thoại hoặc bị lộ tài khoản phần mềm quản lý camera.

Thứ ba là camera hoặc phần mềm quản lý tồn tại lỗ hổng cho phép kẻ tấn công có thể dò quét và xâm nhập từ xa qua mạng.

Để phòng chống, theo các chuyên gia Bkav, ngoài câu chuyện mật khẩu, người dùng nên hạn chế chia sẻ kết nối WiFi gia đình, thường xuyên cập nhật bản vá bảo mật của các thiết bị mạng. Khi không sử dụng thiết bị cá nhân, nên xóa toàn bộ dữ liệu trên thiết bị về trạng thái ban đầu (factory reset). Người dùng cũng nên cài đặt thường trực phần mềm an ninh trên thiết bị và không cài đặt app từ các kho ứng dụng không chính thống.

ĐỨC THIỆN

Coi chừng lỗ hổng camera lộ video riêng tư Coi chừng lỗ hổng camera lộ video riêng tư

TTO - Nghi vấn ca sĩ Văn Mai Hương bị lộ những đoạn video quay lại sinh hoạt riêng tư tại nhà đang dấy lên sự lo lắng của nhiều người. Tình trạng camera an ninh “phản chủ” là có thật và nguy cơ không chỉ có từ camera.

TRUNG THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên