13/10/2024 12:58 GMT+7

Bão mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng trong tương lai

Theo chuyên gia khí tượng, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng, điều này tạo điều kiện cho các cơn bão mạnh lên về cường độ và trong tương lai những cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng.

Nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C khiến sức tàn phá của bão tăng khoảng 40% - Ảnh 1.

Ảnh mây vệ tinh bão Yagi (bão số 3) hoạt động trên Biển Đông hồi đầu tháng 9-2024 - Ảnh: NCHMF

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí về những nguyên nhân vì sao năm nay xuất hiện nhiều siêu bão.

Các cơn bão tăng nhanh về cường độ đang trở nên phổ biến

Theo ông Khiêm, thời gian qua có nhiều bão mạnh (siêu bão) trên thế giới như Geami, Yagi, Krathon hay Helence, Milton… là do tác động của một số yếu tố khí hậu và môi trường.

Đầu tiên là hiện tượng ENSO, năm 2024 là năm chuyển pha El Nino sang Lania, quá trình chuyển pha nhanh nên đốt nóng và mất cân bằng nhiệt ẩm đại dương đang diễn ra mạnh mẽ, góp phần làm tăng nguồn cung cấp năng lượng cho sự hình thành và phát triển của các cơn bão nhiệt đới.

Thứ hai là biến đổi khí hậu, sự nóng lên toàn cầu do biến đổi khí hậu làm tăng nhiệt độ của cả đại dương và khí quyển.

Khi nước biển ấm lên sẽ cung cấp nhiều hơi nước và năng lượng hơn cho các hệ thống thời tiết, dẫn đến việc hình thành nhiều bão mạnh hơn và cường độ của các cơn bão này cũng tăng lên.

"Chúng ta đã chứng kiến sự bất thường về nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 8 tháng đầu năm nay cao hơn 0,7 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020.

Nhiều khả năng năm 2024 sẽ là năm ấm nhất được ghi nhận và khi nhiệt độ tăng lên thì các cơn bão mạnh cũng gia tăng" - ông Khiêm nhận định.

Theo ông Khiêm, báo cáo đánh giá biến đổi khí hậu lần thứ 6 của Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định trong tương lai, số lượng các cơn bão mạnh tăng, chẳng hạn như loại bão ở ngưỡng CAT 4-5 (tốc độ gió lớn hơn 200km/h), tức là những cơn bão có cường độ mạnh trên cấp 17 sẽ gia tăng.

Cũng theo ông Khiêm, một số nghiên cứu công bố mới đây tại Mỹ cho thấy hiện tượng nóng lên toàn cầu là nguyên nhân khiến các cơn bão nhiệt đới xảy ra với cường độ mạnh hơn và tần suất nhiều hơn.

Theo nghiên cứu này, nhiệt độ bề mặt đại dương ấm lên khiến lượng hơi nước trong khí quyển gia tăng, khiến các cơn bão mạnh lên về cường độ.

Với mức tăng nhiệt độ toàn cầu 1 độ C hiện nay đã khiến sức tàn phá của bão tăng trung bình khoảng 40%. Trong khi đó, hiện tượng "tăng nhanh cường độ", cũng đang trở nên phổ biến hơn.

"Một số nghiên cứu gần đây cũng nhắc đến khả năng biến đổi khí hậu làm giảm độ đứt gió thẳng đứng - những thay đổi về tốc độ và hướng gió theo độ cao - dọc bờ biển Đại Tây Dương của Bắc Mỹ và bờ biển Thái Bình Dương của châu Á. Độ đứt gió thẳng đứng mạnh có thể ngăn cản cơn bão phát triển mạnh và giảm sức tàn phá của bão, tuy nhiên do biến đổi khí hậu đã làm giảm yếu tố này.

Nguyên nhân đến từ sự thay đổi trong các hoàn lưu và sự phân bổ lại khí áp có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành bão và duy trì cường độ của chúng trong thời gian dài hơn.

Ngoài ra, sự chênh lệch nhiệt độ mặt đất với bề mặt nước cũng khiến độ ẩm tăng cao dọc khu vực bờ biển, dẫn đến áp suất và lưu thông gió đẩy độ ẩm vào tầng bình lưu giữa, tạo điều kiện để bão phát triển" - ông Khiêm thông tin thêm.

Nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C khiến sức tàn phá của bão tăng khoảng 40% - Ảnh 2.

Bão Yagi tàn phá trung tâm thị trấn Cát Bà (Hải Phòng) - Ảnh: NAM TRẦN

Khả năng có 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền

Ông Khiêm cho biết dự báo từ nay đến hết năm, bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm 4,5 cơn).

Trong đó, số cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có thể cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm 1,9 cơn), tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam.

Đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông và không loại trừ xảy ra những cơn bão mạnh.

Về lũ, ông Khiêm cho biết lưu vực sông Trung Bộ, Tây Nguyên, lũ sông xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An, Hà Tĩnh) ở mức báo động (BĐ) BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2.

Hạ lưu các sông chính từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3, các sông chính ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận dao động mức trên BĐ2.

Các đợt lũ lớn khả năng tập trung trong nửa cuối tháng 10 và tháng 11-2024 và xuất hiện lũ muộn vào cuối năm, trùng vào thời kỳ tích nước của các quy trình vận hành liên hồ chứa các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên.

Mùa lũ 2024 trên sông Mekong xuất hiện tương đương trung bình nhiều năm. Đỉnh lũ năm 2024 ở đầu nguồn sông Cửu Long dao động ở trên mức BĐ1, đỉnh lũ tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long ở mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3.

Nhiệt độ toàn cầu tăng 1 độ C khiến sức tàn phá của bão tăng khoảng 40% - Ảnh 3.Bão số 3 mạnh nhất 30 năm qua sẽ đổ bộ hôm nay, cảnh báo thiên tai cấp độ 4

Dự báo trong ngày 7-9, bão số 3 (Yagi) đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ với trọng tâm là các tỉnh, thành Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Cơ quan khí tượng đã đưa ra cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 đối với Quảng Ninh, Hải Phòng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên