Phóng to |
Bà Dương Thị Bạch Diệp - giám đốc Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương - cho biết bà dự định yêu cầu Yahoo! Việt Nam phải xin lỗi công khai bà vì bài viết “Ngả mũ trước độ chịu chơi của nữ đại gia Việt” trên trang Yahoo! Tin tức do trang này đăng bài viết có thông tin suy diễn, xuyên tạc sự thật về bà.
Được biết, Yahoo! đăng lại bài viết này từ báo điện tử VietNamNet vì giữa hai đơn vị này đã ký một hợp đồng hợp tác thông tin trong đó thỏa thuận Yahoo! được phép đăng tải lại các thông tin trên VietNamNet và VietNamNet chịu trách nhiệm về nội dung các bài viết của mình.
Bài báo chạy như đèn cù
Phía VietNamNet lại cho biết bài viết trên không phải do chính tờ báo này sản xuất mà họ chỉ “cóp nhặt” lại bài viết trên trang mạng afamily.vn của Công ty cổ phần Truyền thông Việt Nam - VC Corp. Nhưng afamily cũng không phải “chính chủ” của bài viết “Ngả mũ trước độ chịu chơi của nữ đại gia Việt” mà họ đã “lượm lặt có sửa chữa” từ bài “Choáng khi nữ đại gia Việt vung tiền chơi trội” của trang Tri Thức Trẻ.
Sau khi nghe phản ứng của bà Diệp, phía Yahoo! đã gỡ bỏ bài viết trên website của mình. Các trang mạng đã đăng lại bài như VietNamNet và Yahoo! cho rằng họ chỉ đăng tải lại thông tin nên không chịu trách nhiệm về nội dung bài viết.
Theo luật sư Trần Hồng Phong, pháp luật quy định báo chí (hay bất kỳ cá nhân, tổ chức nào) không được đăng, loan truyền những bài viết có nội dung không đúng sự thật, xâm phạm bí mật đời tư, xúc phạm đến uy tín, danh dự của người khác. Nếu vi phạm thì phải đăng lời cải chính (đối với báo chí), xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Không ổn về mặt pháp lý
Vụ việc nói trên không phải là cá biệt. Nhìn chung, trước việc một số trang mạng và báo điện tử đăng lại những bài báo đã đăng trên các trang khác, cần đặt ra vấn đề về bản quyền. Theo luật sư Phong, việc báo “bán” lại tác phẩm báo chí của mình cho các cổng thông tin tổng hợp - dù dưới hình thức hợp đồng hỗ trợ/hợp tác thông tin - xét về mặt pháp lý là không ổn, không đúng với quy định về hoạt động báo chí hiện nay.
Theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ, tác giả có các quyền về nhân thân và tài sản đối với tác phẩm của mình như: đặt tên cho tác phẩm, đứng tên, công bố tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén (quyền nhân thân); làm tác phẩm phái sinh, sao chép tác phẩm, cho thuê, khai thác lợi ích kinh tế... từ tác phẩm (quyền tài sản).
Luật cũng quy định khi cá nhân, tổ chức khác khai thác hoặc sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tác giả như nói ở trên đều “phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả”.
Như vậy nói một cách đơn giản, việc báo điện tử hoặc website này tự ý lấy bài của báo hoặc website khác rồi đăng đưa lên, qua nhiều lần, nhiều chủ thể là hoàn toàn vi phạm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
Điều đáng lo ngại là hiện nay tình trạng xâm hại, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ như nói ở trên đang ngày càng phổ biến, công khai và hầu như không thể kiểm soát, cũng không bị xử lý. Điều này là hết sức nguy hại, về lâu dài sẽ làm thui chột động lực sáng tạo - là nền tảng phát triển xã hội. Trong vấn đề này, cũng không thể không nói đến trách nhiệm quản lý và thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng.
Có thể khiếu kiện các báo đăng lại tin
Cũng theo luật sư Trần Hồng Phong, bất luận thế nào, cần phải minh định rằng những thông tin/bài viết đăng trên trang mạng nào thì trước hết chủ trang web đó phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với toàn bộ nội dung bài viết - sao cho bảo đảm không vi phạm những điều mà pháp luật cấm. Vấn đề này được quy định tại nhiều văn bản như nghị định 97/2008 của Chính phủ, thông tư 14/2010 của Bộ Thông tin - truyền thông... Còn việc nói rằng chỉ có tờ báo đăng bài “gốc” sai phải chịu trách nhiệm là không đúng và không thể chấp nhận. Việc giải quyết như thế nào là chuyện nội bộ giữa hai bên. Nhưng ra bên ngoài xã hội thì chủ website vẫn phải chịu trách nhiệm với nội dung mình đăng tải.
Người bị xâm hại về quyền lợi, danh dự có quyền khiếu nại bất kỳ báo hay website nào đăng bài chứ không có nghĩa vụ phải tìm đến tờ báo đăng bài “gốc”. Xét về mặt dân sự, tức là nói đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thì khi website nào có hành vi vi phạm, gây thiệt hại, đồng thời làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người khác thì ngoài việc phải xin lỗi còn phải bồi thường tổn thất về tinh thần và thiệt hại về vật chất. Hiện nay, mức bồi thường tổn thất về tinh thần luật quy định tối đa là 10 tháng lương cơ bản. Nhưng đối với thiệt hại về vật chất thì không có giới hạn. Nếu người bị xâm hại chứng minh được thiệt hại là bao nhiêu thì website vi phạm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đó.
Luật sư Phong cho biết: “Chính vì vậy, nếu website càng lớn, càng nhiều người đọc thì chắc chắn tầm ảnh hưởng, độ phát tán sẽ càng lớn, nên thiệt hại sẽ càng lớn. Và do vậy mức bồi thường sẽ càng lớn. Theo tôi được biết, ở nước ngoài đã có trường hợp một tờ báo phải bồi thường hàng triệu USD do đăng ảnh riêng tư của nghệ sĩ, chính khách... có nội dung xâm hại đời tư”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận