Bạo lực từ đâu đến?

HUY ĐĂNG 04/04/2021 19:00 GMT+7

TTCT - Nếu nạn nhân của pha vào bóng triệt hạ không phải Đỗ Hùng Dũng mà là một cầu thủ Thái Lan hoặc Indonesia, liệu mạng xã hội có truy cùng đuổi tận Ngô Hoàng Thịnh?

Chúng ta, những người hâm mộ bóng đá chắc chắn không xa lạ với pha bóng bạo lực trên sân Thống Nhất hồi tuần rồi và cả những diễn biến sau đó.

Dấu hỏi cho lò bóng đá SLNA

Rất dễ tìm lại những pha phạm lỗi rùng rợn của V-League - giải đấu mà từ lâu người hâm mộ đã châm biếm đặt cho cái tên “Võ League”. Nổi bật nhất có lẽ là pha phạm lỗi chấm dứt sự nghiệp của Anh Khoa do Quế Ngọc Hải gây ra hồi năm 2015. 

HLV Park Hang Soe lo lắng sau chấn thương nghiêm trọng của Đỗ Hùng Dũng. Ảnh: H.T.

 

Pha bóng của Quế Ngọc Hải được xem như cột mốc trong “biên niên sử Võ League” vì độ tàn bạo, triệt hạ đối thủ, khiến cầu thủ xứ Nghệ này phải nhận một án phạt chưa có tiền lệ: ngoài việc bị cấm thi đấu 6 tháng, Quế Ngọc Hải còn phải đền bù viện phí cho Anh Khoa khoảng 800 triệu đồng.

Nhưng đó không phải là một vụ hi hữu. Có thể kể ra đây pha phạm lỗi của Đình Đồng với Nguyễn Anh Hùng năm 2014, Sầm Ngọc Đức với Anh Hùng (vẫn là anh) năm 2017, Tăng Tiến với Duy Mạnh năm 2018, hay sau đó không lâu là pha “song phi cước” của Hải Huy với Trùm Tỉnh…

Ở biến cố mới đây, dư luận càng phẫn nộ khi nạn nhân là Đỗ Hùng Dũng, ngôi sao tuyển thủ quốc gia. Hình ảnh chấn thương cũng quá ghê rợn. Nhưng Ngô Hoàng Thịnh có hoàn toàn là nhân vật phản diện trong bi kịch bạo lực của bóng đá VN?

Điểm lại những pha phạm lỗi rùng rợn nhất V-League khoảng 10 năm qua, có đến phân nửa thuộc về các cầu thủ xuất thân từ lò Sông Lam Nghệ An. Trong danh sách trên là Đình Đồng, Quế Ngọc Hải, Sầm Ngọc Đức và bây giờ là Hoàng Thịnh.

Không nói đâu xa, ngay sau khi Hoàng Thịnh triệt hạ Hùng Dũng, người hâm mộ lập tức tìm lại một pha bóng gần như tương tự của Nguyễn Hữu Thắng - anh cả trong dàn danh thủ xuất thân xứ Nghệ bao năm qua. Không dẫn đến hậu quả nặng nề bằng, nhưng cựu HLV trưởng tuyển VN từng lãnh thẻ đỏ vì một pha vào bóng gầm giày bằng cả hai chân.

Hữu Thắng đang là chủ tịch CLB TP.HCM - đội bóng có Sầm Ngọc Đức mang băng đội trưởng, Hoàng Thịnh đội phó, và một số cầu thủ từng nổi tiếng với những pha bóng triệt hạ đối thủ như Phạm Hoàng Lâm, Nguyễn Tăng Tiến. 

Nói tới đây, người hâm mộ có quyền đặt dấu hỏi về cách thức đào tạo của lò bóng đá xứ Nghệ, hay quan điểm của người làm bóng đá xuất thân nơi đây. Vấn đề như vậy không còn nằm ở cá nhân Ngô Hoàng Thịnh hay Quế Ngọc Hải nữa rồi.

“Gà nhà” không bao giờ có tội?

Dung túng cho bạo lực, lối đá chặt chém phải chăng chỉ là câu chuyện của một lò đào tạo, hay vài HLV? Lối đá rắn - khi đã muốn khen, được mô tả bằng các khái niệm “tinh thần chiến binh”, “lối chơi máu lửa”…, nhưng lằn ranh giữa máu lửa và bạo lực là rất mong manh. Luật lệ bóng đá chỉ là tương đối, xét tới cùng thì vẫn là cách con người ứng xử với nhau.

Pha phạm lỗi của Ngô Hoàng Thịnh với Đỗ Hùng Dũng. Ảnh: H.T.

 

Hãy nhớ lại pha phạm lỗi của Văn Hậu với Evan Dimas khiến cầu thủ của Indonesia phải rời sân trong trận chung kết SEA Games 2019. 

Nó không ghê rợn bằng tình huống của Hoàng Thịnh mới đây, nhưng vô duyên vô cớ và xấu không kém, vì đó là một pha phạm lỗi không bóng. Dư luận sau trận có người chỉ trích, nhưng cũng có người bảo vệ, thậm chí khen ngợi Văn Hậu chân thành khi xin lỗi Dimas.

Sau tình huống thô bạo, Ngô Hoàng Thịnh thật ra cũng cư xử như Văn Hậu. Anh sớm ôm đầu hối lỗi và ngỏ lời xin lỗi Hùng Dũng, nhưng cách ứng xử với anh khác hẳn. Anh bị “ném đá” dữ dội trên mạng xã hội, đề mục về anh bị chỉnh sửa trên Wikipedia (mô tả Hoàng Thịnh là “thợ săn ống đồng”), nhiều người còn kết án anh đạo đức giả. 

Phải chăng vì Dimas không phải người VN, hay vì sắc vàng của tấm huy chương SEA Games đủ che mờ tất cả?

Có một sáo ngữ nổi tiếng xuất phát từ chính quê hướng của bóng đá, Anh quốc: “Rugby: a game for thugs played by gentlemen; football: a game for gentlemen played by thugs” (Bóng bầu dục: thể thao của bọn côn đồ, nhưng do dân quý tộc chơi. Bóng đá: thể thao của dân quý tộc, nhưng toàn bọn côn đồ chơi).

Bạo lực sân cỏ thực sự xuất hiện khắp nơi chứ không riêng gì V-League. Một ví dụ, nhà vô địch châu Âu người Bồ Đào Nha Pepe có hẳn một danh sách clip những pha chơi xấu rùng rợn trên YouTube. Anh từng xô ngã Casquero của Getafe, đạp hai lần lên người anh này, rồi còn đè nghiến đối phương khi trọng tài can thiệp. 

Với một chuỗi những hành vi khủng khiếp như vậy, Pepe cũng chỉ bị treo giò 10 trận (nhẹ hơn cả án phạt với Ngô Hoàng Thịnh) - trong khi người hâm mộ đối thủ kêu gào đòi án treo giò vĩnh viễn. Hào hoa phong nhã như Cristiano Ronaldo cũng không ít lần giật chỏ hay đánh nguội đối phương.

Đó trở thành một vấn nạn chung của bóng đá. Khi chiến thắng có thể đánh đổi bằng mọi giá, việc chơi xấu đối thủ sẽ được bảo vệ, thông cảm, thậm chí là tung hô (với những bình luận hoa mỹ như “phạm lỗi chiến thuật”). 

Một khi bạo lực trở nên cảm tính như thế, án phạt thật nặng cho Ngô Hoàng Thịnh lúc này hay Quế Ngọc Hải trước đây có thực sự thay đổi được gì? Không chỉ VFF, cũng không chỉ các HLV, lò đào tạo, và cá nhân cầu thủ, sự dung túng bạo lực sân cỏ còn đến từ chính chúng ta - những người hâm mộ.■

Biệt lệ

Việc một lò đào tạo nổi danh với những cầu thủ chơi xấu, ngay cả khi đã chuyển sang chơi cho đội bóng khác, như Sông Lam Nghệ An thực sự là khác thường trong làng bóng đá chuyên nghiệp. 

Từ xưa đến nay, thương hiệu bạo lực, đá rắn thường gắn với CLB trong một khoảng thời gian hoặc HLV cụ thể, đa phần là với các đội bóng trung bình yếu, như một cách để chống lại những đối thủ mạnh hơn. 

Còn các lò bóng đá thành danh trên thế giới đều chỉ gắn với bóng đá đẹp, như La Masia của Barca, rồi Ajax, Benfica, Santos… Lối đá rắn có tổ chức vì vậy trở thành một phạm trù liên quan đến chiến thuật hơn là phong cách, bản chất của cầu thủ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận