Ở TP.HCM, một tài xế xe ôm ném thanh gỗ vào đầu tài xế xe công nghệ vì cho rằng mình bị giành khách; ở Hà Nội, một tài xế ôtô lên gối đánh đập một tài xế ôtô khác vì bị nhắc nhở khi đậu đèn đỏ lâu gây ra ùn tắc.
Ai nấy đều bất bình, lên án khi tận mắt thấy những hình ảnh rành rành tính chất côn đồ, bạo lực được sử dụng bất chấp lý lẽ. Cơ quan pháp luật nhanh chóng vào cuộc để xử lý.
Thế nhưng, những người quan sát thì vẫn thấy đau lòng, vì những sự vụ tưởng như phi lý này đã xảy ra rất nhiều lần ở những ngã ba, ngã tư và chắc sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa ở những ngã năm, ngã bảy nào đó trên đường phố.
Những cơn giận dữ tưởng chừng như có thể bùng phát bất kỳ lúc nào, hòn đá ném vào người khác dường như đã nằm sẵn trên tay của bất kỳ ai. Sân hận nào đã tích tụ từ bao giờ để một bác xe ôm chân chất lại phút chốc ra tay với một người chạy xe ôm khác, cũng chân chất và đổ mồ hôi mưu sinh như mình?
Áp lực của cuộc mưu sinh, của những ngày năm hết tết đến chắc chắn là cách giải thích đơn giản nhất. Thói quen dùng bạo lực, thể hiện bạo lực để giải quyết bức xúc, biểu thị thái độ... đã dồn nén từ những giai đoạn nào đó trong cuộc đời là cách giải thích tiếp theo.
Và sâu xa hơn nữa, rất nhiều người đã tìm thấy gốc nguồn của những hành vi bạo lực bộc phát trên mức độ phổ biến này từ trong giáo dục - khi sách giáo khoa thiếu những bài giảng nhân văn, từ ngoài xã hội - khi những sai trái được dung túng và đôi khi, những bạo lực còn được cổ vũ.
Và nếu như vậy, có lẽ nào những hành vi xấu xí này sẽ vẫn còn tiếp diễn mãi?
Đã bao nhiêu lần thất vọng rồi, nhưng những người quan sát trên đường phố vẫn chưa nguôi hi vọng. Chưa nguôi hi vọng khi đọc những phản hồi của bạn đọc xem báo, xem clip: không ai đồng ý với cách hành xử ấy cả, phải chăng cũng sẽ đồng nghĩa với việc sẽ không ai để cơn giận của mình bộc phát như vậy với người khác?
Đường phố là nơi ngày ngày người người xuôi ngược trên đủ loại phương tiện, vì đủ mọi công việc, mục đích và mang đủ nỗi buồn lo, hờn giận trong lòng. Đường phố ấy phải có cách nào được bình an vì ai ai cũng mong được "đi đến nơi, về đến chốn" khi lên đường. Người ta ra đường là để tìm sự an vui.
Tiết xuân đang rười rượi trên những con đường ấy và có cách nào khác hơn là mong rằng mỗi người sẽ giữ được an vui cho mình, cho người khác. Như cách một anh chàng cũng đang "gây sóng" trên mạng bằng một video clip đường phố: buồn đến muốn chết, nhưng vẫn tỉnh táo chạy vào trạm cảnh sát giao thông vì không muốn gây tai họa cho người khác.
Anh ấy giữ được mình như vậy, ắt là vì có rất nhiều yêu thương ở trong lòng. Có tình yêu thương là có cách hóa giải, phải không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận